Hải quân Anh sẽ hộ tống tàu đi qua Eo biển Hormuz

25/07/2019 - 21:28

Bộ Quốc phòng Anh ngày 25-7-2019 ra lệnh cho Hải quân nước này hộ tống các tàu treo cờ Anh đi qua Eo biển Hormuz. Quyết định trên được đưa ra sau vụ Iran bắt giữ tàu chở dầu "Stena Impero" của Thụy Điển treo cờ Anh tại "điểm nóng" này.

Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Anh nêu rõ: "Hải quân Hoàng gia đã được lệnh hộ tống các tàu treo cờ Anh đi qua Eo biển Hormuz, dù là riêng lẻ hay đi theo nhóm, nếu (các tàu trên) được phép đi qua (khu vực này)".

Tàu chở dầu mang cờ Anh "Stena Impero" ở gần Eo biển Hormuz ngày 21-7-2019. Ảnh: THX/ TTXVN

Đây là sự thay đổi chính sách sau khi Chính phủ Anh từng nói không có nguồn lực quân sự để làm việc này và khuyến cáo tất cả các tàu không nên đi vào Eo biển Hormuz. Thông báo trước ngày 25-7 cho biết các tàu cần phải thông báo với Hải quân Hoàng gia và phải nhận được chỉ dẫn về "con đường an toàn nhất" để vào vùng Vịnh.

Theo thông báo mới nhất, người phát ngôn của Chính phủ Anh cho biết tàu hộ vệ HMS Montrose của Anh, đang có mặt tại vùng Vịnh, sẽ đảm nhận nhiệm vụ hộ tống các tàu treo cờ Anh đi qua Eo biển Hormuz. Người phát ngôn trên cũng nhấn mạnh: "Tự do hàng hải đóng vai trò quan trọng trong hệ thống thương mại toàn cầu và nền kinh tế thế giới, và chúng tôi sẽ làm mọi cách có thể để bảo vệ (tự do hàng hải)".

Sự thay đổi chính sách nói trên không phải là kết quả của việc ông Boris Johnson trở thành Thủ tướng Anh. Một quan chức cho biết Chính phủ Anh đã thảo luận về kế hoạch này cách đây vài ngày. Bộ Giao thông Anh đã yêu cầu các công ty tàu biển thông báo về các kế hoạch đi lại của mình để có thể được bảo vệ.

Thống kê cho thấy mỗi ngày có từ 15-30 tàu lớn treo cờ Anh đi qua vùng Vịnh, trong đó có 3 tàu đi qua Eo biển Hormuz. Theo kế hoạch, Anh cùng Mỹ và các quốc gia khác sẽ nhóm họp tại Florida trong ngày 25-7 để thảo luận cách thức bảo vệ sự an toàn của tàu bè tại vùng Vịnh.

Tranh cãi kéo dài cả tuần qua về tàu "Stena Impero" và 23 thủy thủ trên tàu đã thổi bùng căng thẳng giữa Iran và Anh. Anh đã đáp lại bằng việc đề xuất một phái bộ của Liên minh châu Âu nhằm đảm bảo việc di chuyển của tàu bè qua hải trình vận chuyển dầu tấp nập nhất thế giới này. Tuy nhiên, Pháp cùng ngày cho biết họ không sẵn sàng đưa thêm khí tài quân sự đến vùng Vịnh, dù sẵn sàng chia sẻ thông tin và điều phối các khí tài hiện đang được triển khai tại đây.

Eo biển Hormuz chỉ rộng 33km nhưng là lối vào phía Đông và điểm ra vùng Vịnh, hiện đang do Iran và Các Tiểu vương quốc Arab (UAE) quản lý.

Nguồn: TTXVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN