1
Trong cuộc sống từ cổ chí kim không có nghề nào là dễ cả, tìm được một việc làm phù hợp khả năng, đúng sở thích và sống được hẳn là điều nhiều người mơ ước. Đối với công việc có tính đặc thù như báo chí, để đến và trụ được với nghề càng khó gấp bội. Ngay lần đầu vinh dự diện kiến “cây cao bóng cả” của báo chí tỉnh, tôi hào hứng hỏi: “Viết báo khó lắm phải không ông?”.
Nhà báo Huỳnh Năm Thông (thứ tư, từ trái sang) tại buổi họp mặt Ban liên lạc Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu 8 lần thứ nhất tại Khu du lịch Bình Thới, TP. Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu
Nhìn tôi cười thân thiện, ông chậm rãi đáp: “Dễ mà, ai biết viết chữ người đó biết làm báo. Đúng vậy không Nguyễn Phước”. Câu trả lời ngắn gọn khiến tôi sững người nên vội quay sang anh Nguyễn Phước xem có giảng giải gì thêm không nhưng chỉ nhận được cái gật đầu “nhất trí”. Anh là đàn em của ông, hai người từng gắn bó với nhau thời làm Báo Chiến Thắng trong những năm chiến tranh khói lửa khốc liệt. Tôi thường nghe anh Nguyễn Phước kể về ông và thầm khâm phục trong lòng dù chưa lần nào gặp mặt. Tình cờ nghe anh Nguyễn Phước nói đi “uống trà” với ông Năm Thông có chút việc, tôi mạo muội xin theo.
Cuộc trò chuyện của hai bậc thầy về nghề đã mang đến cho tôi nhiều bất ngờ, hoàn toàn trái với suy nghĩ của bản thân. Tôi cứ đinh ninh rằng những sẽ choáng ngợp bởi lời lẽ cao siêu, kinh nghiệm xương máu mà ông đã đi qua nhưng rốt cuộc tôi nhận được những câu đối đáp đời thường, từ ngữ đơn giản, gần gũi, dễ hiểu và không thể nào quên. Hẳn không riêng gì tôi, mà những ai ít nhiều hiểu về báo chí ắt sẽ thấm thía ở chỗ nếu theo như lời ông nói, thì bất kỳ ai cũng có thể viết báo được với yêu cầu chỉ cần biết chữ là đủ điều kiện. Nhưng thật ra đó chỉ là khả năng, còn hiện thực thì phức tạp và khó khăn hơn nhiều. Để “chạm” vào nghề thật không đơn giản chút nào, phải trải qua quá trình học tập, rèn luyện các kỹ năng, môi trường sáng tạo và nhiều yếu tố khác nữa mới có thể làm nên tác phẩm báo chí. Không thiếu những trường hợp được đào tạo bồi dưỡng, trường lớp chính quy hẳn hoi, có trong tay cả bằng cử nhân, thạc sĩ chuyên ngành nhưng vẫn chưa thể đến với nghề.
Đối với một người dành trọn cả cuộc đời cho báo chí như ông khi nói lên điều đó hẳn lý do chính đáng của nó, “trần trụi” đến mức không thể bắt bẻ được. Chỉ một câu ngắn gọn nhưng mang tính khái quát cao, có sức gợi mở, đưa người nghe nhập tâm vào câu chuyện một cách tự nhiên. Tựa như chiếc chìa khóa nhỏ mở được cánh cửa lớn mà không đao to búa nặng nào có thể thay thế. Hay như những lời lẽ từ tốn, chân thành sẽ dễ dàng kết nối, có sức thuyết phục hơn những lời hoa mỹ “rào trước đón sau”, rườm rà sáo rỗng.
Từ lời lẽ giản đơn ban đầu, ông từng bước dẫn dắt, cuốn vào cuộc trò chuyện bằng những chia sẻ độc đáo, thú vị. Nghề nào cũng có những khó khăn và vinh quang, cả niềm vui và những điều làm ta phải trăn trở. Khi chập chững khởi đầu còn “lạ nước lạ cái”, sẽ đối mặt với lắm gian nan thử thách, nếu không kiên trì, không có lòng yêu nghề sẽ khó theo đuổi đến cùng. Về bài bản lý thuyết thì ai cũng có thể học được, giỏi nữa đằng khác. Để thông thạo “đường đi nước bước” công việc phải lăn lộn nếm trải cuộc sống, chịu đựng được những khắc nghiệt của nghề, đôi lúc “năm cơm bảy cháo” còn chưa “ra ngô ra khoai”.
Nghề báo cũng như công việc chữ nghĩa nói chung, một trong những điều “cốt tử” mà người mới bắt đầu cần tránh là đừng bao giờ đặt ra cho mình một mục tiêu quá sức, dù có tràn đầy nhiệt huyết và tham vọng. Bởi ngoài những bậc “kỳ tài” triệu người có một, sẽ không có một ai biết từ bụng mẹ biết ra, tất cả đều phải học hỏi, kiên trì rèn luyện, nỗ lực để trưởng thành. Khi mới cầm bút, hãy viết những điều đơn giản nhất, tránh được những sai sót cơ bản nhất, hãy can đảm từ bỏ giấc mơ sẽ làm nên một tác phẩm đầu tay “kinh thiên động địa”. Ở những bài viết “chào sân”, vượt qua được “ải” của ban biên tập đã là thành công lớn.
“Viết báo thì thật ra đâu khó, nhưng hay hay không chính là ở cái tình”. Ông nói thêm trước khi tạm kết thúc cuộc trò chuyện và hẹn anh Nguyễn Phước cùng cả tôi nữa, sẽ có dịp gặp gỡ lần sau bởi còn biết bao nhiêu ẩn tình phía sau nghề báo cần có thời gian mới tỏ bày thêm được.
Dù cuộc gặp chỉ là thoáng qua nhưng với tôi thật bổ ích, giúp mình thấy được rõ hơn phần nào những ngõ ngách thâm trầm của nghề viết. Dần dà sau này khi có cơ hội đến với nghề, có điều kiện tiếp cận về lý luận báo chí, tôi chợt nhận ra những điều ông nói với mình hôm đó vượt hẳn ra ngoài sách vở. Khi các kỹ năng về nghề đã được nâng lên thành chuẩn mực và rao giảng từ giảng đường cho đến các lớp tập huấn, nhưng khi vận dụng vào thực tiễn, sáng tạo nên tác phẩm báo chí hay và có “hồn”, lay động người đọc không phải ai cũng làm được. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực tư duy và “cái tình” của người cầm bút nên không thể truyền dạy. Tôi chợt nhớ về một truyện ngắn của nhà văn Sơn Nam đã đọc, kể về một người phụ nữ làm nghề luộc thịt heo thuê ở chợ rất đắt khách. Khi được hỏi cách để luộc thịt heo sao cho ngon, chị thổ lộ nhiều “bí quyết” về độ nóng của nước, về thời gian luộc thịt nhưng điều quyết định có ngon hay không là ở “cái tình” của người làm.
2
Đâu chừng vài tháng sau cuộc trò chuyện trên, tôi lại may mắn có dịp gặp ông. Lần này đi cùng anh Nhựt Đông - Phó trưởng phòng Lịch sử Đảng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đến nhà ông ở Tân Thành Bình (Mỏ Cày Bắc) để nhờ giúp cho bài viết về Giáo sư Ca Văn Thỉnh.
Căn nhà nhỏ nằm yên bình bên con rạch dưới bóng dừa xanh mát. Nơi phòng khách cũng là chỗ làm việc cơ man nào là sách báo chất chồng lên nhau, trông có vẻ bề bộn, hệt như không gian thường thấy của những người gắn bó công việc chữ nghĩa. Không như ở cuộc gặp trước thoải mái và nồng nhiệt, lần này ông có phần trầm tư khi trao đổi về công việc sắp làm. Do vậy ngoài chào hỏi xã giao, tôi gần như ngồi im suốt hơn một giờ để nghe, thầm đoán rằng đây hẳn là nhiệm vụ khó khăn và có ý nghĩa quan trọng, vượt ngoài khả năng của các anh em nên mới cậy nhờ tới ông, một người đã nghỉ hưu hơn chục năm rồi. Qua quan sát, tôi chợt nhận thấy biểu hiện cảm xúc của ông lúc này toát vẻ suy tư của một người có kiến thức uyên thâm, giọng từ tốn nhẹ nhàng.
Khoảng một tuần sau đó, tôi được các anh giao cho bản giấy viết tay của ông gửi lên để đánh máy. Từng câu, từng chữ nắn nót khiến tôi say mê đọc một mạch mấy trang bản thảo về cuộc đời và sự nghiệp của Giáo sư Ca Văn Thỉnh. Càng thích thú hơn khi biết được cả tác giả bài viết và nhân vật cùng sinh ra, lớn lên bên con rạch Cái Sấu, sau này đã được giáo sư chọn bút hiệu Ngạc Xuyên. Tham luận do ông chấp bút nhận được đánh giá cao khi lãnh đạo tỉnh trình bày tại hội thảo do Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ tổ chức nhân kỷ niệm 105 năm Ngày sinh của Giáo sư Ca Văn Thỉnh vào năm 2007.
Thế mới hay, bên cạnh công việc của một nhà báo, nhà quản lý, ông còn là nhà nghiên cứu, am hiểu tường tận văn hóa, lịch sử của vùng đất nơi mình sinh sống. Chính nguồn tư liệu đầy đặn, phong phú mà ông đã dày công góp nhặt, tích lũy cho mình đã trở thành một “nền tảng kiến thức” vững chắc. Đó là kết tinh của lòng đam mê, tình yêu quê hương, xứ sở, mến đất yêu người trở thành động lực thôi thúc ông tìm hiểu, sưu tầm. Thấy được mạch nguồn văn hóa bền bỉ, âm thầm chảy xuyên suốt nối tiếp qua các thế hệ, hun đúc nên tâm hồn, cốt cách, diện mạo của con người và vùng đất.
Nghề báo giúp chúng ta đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người, có điều kiện tiếp cận các nguồn tin khác nhau nhưng để làm nên “kho tư liệu” riêng mình không phải ai cũng chịu khó chắt chiu, góp nhặt. Một phần là do chưa thấy tầm quan trọng của tư liệu, phần khác do hàng ngày luôn đối mặt với bao áp lực. Ngoài việc “chạy” theo thời sự, còn gánh thêm các bài “nằm” đã đăng ký, bám các mảng, lĩnh vực, địa bàn, chuyên trang, chuyên mục được giao phụ trách. Phần lớn tin tức hàng ngày chỉ là “đọc qua nghe bỏ” nên có thể đối phó kiểu “trả nợ cho xong”. Tay nghề của người cầm bút được biểu hiện rõ nét ở những chủ đề “hóc búa”, đòi hỏi một nền tảng kiến thức đa đạng, kỹ năng khai thác và xử lý tư liệu mang tính chuyên gia để phân tích, kiến giải nhằm giúp cho công chúng hiểu đúng, tin tưởng vào độ xác thực của thông tin.
Tư liệu luôn rất quan trọng, đôi lúc mang tính quyết định, nhất là đối với các vấn đề thu hút sự quan tâm của cộng đồng, không một nhà báo lành nghề nào được phép lơ là. Bên cạnh tư liệu liên quan đến lĩnh vực, ngành được giao phụ trách, nhà báo cần trang bị thêm kiến thức về lịch sử, văn hóa, hiểu hơn về vùng đất mình đang sống và tác nghiệp, về những gì ông cha ta, lớp người đi trước đã làm, cách ứng xử trong các mối quan hệ giữa các cá nhân trong cộng đồng, giữa con người với tự nhiên. Khi am tường về lịch sử, văn hóa truyền thống, điều kiện tự nhiên, cộng đồng dân cư của một vùng đất sẽ giúp chúng ta nhìn rõ hơn những gì đang diễn ra ở hiện tại, nhờ đó có cơ sở để dự báo tương lai.
Nền tảng kiến thức phong phú sẽ giúp ích cho chúng ta rất nhiều trong cuộc sống hàng ngày, giữ được thái độ bình tĩnh trong suy nghĩ, thiết lập và duy trì các mối quan hệ bền chặt, kiềm chế cảm xúc khi phát ngôn, khách quan trong nhận xét, đánh giá, tránh lối tư duy máy móc, cực đoan. Đó là quá trình tự học tập, nghiên cứu, cập nhật bổ sung kiến thức để ngày càng hoàn thiện bản thân, đồng thời tích lũy thêm kinh nghiệm, vốn sống, kỹ năng, xây dựng cho mình “kho tư liệu sống”. Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, dù đã có “chị Gu-gồ” hào phóng đi chăng nữa, nhưng để giữ nguồn cảm hứng luôn ấm lửa sáng tạo, người cầm bút vẫn phải cần mẫn góp nhặt, ghi chú thông tin, ý tưởng bất chợt để làm “lương khô” theo cách ít tốn công sức hơn.
Cuộc gặp gỡ ông lần thứ hai đã giúp tôi thấy được giá trị tuyệt vời của việc thu thập tư liệu, qua đó tạo nên sức bền cho công việc viết lách.
3
Nếu đặt câu nói của người xưa “Quý hồ tinh bất quý hồ đa” vào trong các mối quan hệ giao tiếp, thì sự tác động, ảnh hưởng của các cá nhân với nhau đôi lúc không phụ thuộc vào số lần gặp gỡ, trò chuyện trao đổi với nhau nhiều hay ít. Điều quan trọng là “chất” của những lần gặp ấy ra sao, nhiều khi “tràng giang đại hải” hàng giờ liền cũng không thể sánh bằng một vài câu ngắn gọn nhưng đọng lại mãi ấn tượng tốt đẹp khó phai mờ, tạo được niềm cảm hứng tích cực, thậm chí có thể làm thay đổi cả suy nghĩ, hành động một cách tự nguyện. Nhà báo lão thành Huỳnh Năm Thông chính là một trong những người để lại dấu ấn trong lòng tôi thật sâu đậm, với hai lần tình cờ được tham dự cuộc trò chuyện cùng ông với tư cách “dự thính”.
Có thể nói đó chỉ là cuộc gặp gỡ kiểu bàn trà thoáng qua nhưng đã cho tôi thấy được lòng yêu nghề của một người thủy chung với con chữ. Cùng những lời kể của các cô chú, anh chị từng có thời gian công tác với ông, đã giúp tôi phần nào khắc họa nên diện mạo, cốt cách của bậc nhà báo lão thành cho riêng mình. Dưới góc độ công việc, bên cạnh hình ảnh của một cán bộ cách mạng trưởng thành trong khói lửa chiến tranh “gian lao mà anh dũng”, một chiến sĩ báo chí xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa, nhà quản lý dày dạn kinh nghiệm, ông còn là nhà nghiên cứu với kiến thức uyên thâm, am tường lịch sử, văn hóa của quê hương, đất nước. Tất nhiên với cái nhìn thiển cận và nguồn tư liệu ít ỏi, bản thân không đủ sức và không có tham vọng để phác họa một cách đầy đủ chân dung của người có nhiều đóng góp, trở thành một phần lịch sử báo chí tỉnh nhà trong thời kỳ xã hội biến chuyển sâu sắc.
Cuộc sống luôn vận động, thay đổi không ngừng. Tự hào là những “thư ký của thời đại”, nhà báo càng không thể thỏa mãn với những bằng cấp, kiến thức, những gì đã đạt được, chỉ cần đứng yên tức khắc sẽ bị bỏ lại phía sau trước sự bùng nổ mạnh mẽ của các phương tiện thông tin hiện nay. Hòa vào dòng chảy hiện thực, bằng tình yêu và trách nhiệm của mình, những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa sẽ nỗ lực phấn đấu, vững bước xông pha tiến lên phía trước để phục vụ tốt hơn cho công chúng. Đó cũng chính là sự tiếp nối truyền thống, kế thừa và phát huy những thành quả mà các bậc tiền bối đã dày công vun đắp, tạo dựng. Thấu hiểu được điều đó, sẽ giúp chúng ta tự tin hơn để nuôi dưỡng khát vọng, lòng đam mê, chấp nhận dấn thân, thêm động lực để sáng tạo nên nhiều tác phẩm báo chí chan chứa “tình đời, tình người”.
Tùy bút Phong Hân