Hà Lan xác nhận tạm thời đình chỉ hợp tác trực tiếp với Niger

05/08/2023 - 05:29

Hà Lan hiện hỗ trợ các chương trình trong lĩnh vực hợp tác phát triển và an ninh do Chính phủ Niger điều hành, nhưng cho hay không muốn hỗ trợ những người đã tiến hành cuộc đảo chính gần đây.

Tướng Abdourahamane Tiani được chỉ định là người đứng đầu Hội đồng Quốc gia Bảo vệ Tổ quốc ở Niger, chính quyền quân sự trong giai đoạn chuyển tiếp, ngày 28-7. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Reuters, trong tuyên bố chính thức ngày 4-8, Chính phủ Hà Lan xác nhận đang tạm thời đình chỉ hợp tác trực tiếp với Chính phủ Niger sau cuộc đảo chính hôm 26-7.

Hà Lan hiện hỗ trợ các chương trình trong lĩnh vực hợp tác phát triển và an ninh do Chính phủ Niger điều hành, nhưng cho hay quốc gia châu Âu không muốn hỗ trợ những người đã tiến hành cuộc đảo chính gần đây.

Trong tuyên bố, Chính phủ Hà Lan cũng nêu rõ nước này đang cân nhắc tài trợ cho các chương trình nhân đạo khác ở Niger do Liên hợp quốc, những tổ chức quốc tế khác hoặc các đối tác địa phương quản lý.

Ngày 26-7, một nhóm binh sỹ xuất hiện trên truyền hình Niger cho biết Tổng thống Bazoum đã bị phế truất vài giờ sau khi bị giam giữ trong Dinh Tổng thống. Nhóm binh sỹ trên cũng tuyên bố đóng cửa biên giới đất nước và ban bố lệnh giới nghiêm toàn quốc.'

Ngày 28-7, Tướng Abdourahamane Tchiani - vốn là chỉ huy Lực lượng Bảo vệ Tổng thống Niger, đã được chỉ định là người đứng đầu chính phủ chuyển tiếp của Niger sau cuộc đảo chính.

Tổng Thư ký Antonio Guterres đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước những thông tin về việc một số thành viên của Chính phủ Niger bị bắt giữ.

Phó phát ngôn viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông Farhan Haq cho biết ông Guterres khẩn thiết kêu gọi Niger tuân thủ nghiêm ngặt các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế và nhanh chóng khôi phục trật tự hiến pháp.

Kể từ khi xảy ra cuộc đảo chính, nhiều nước phương Tây đã cắt giảm viện trợ cho Niger, mặc dù quốc gia Tây Phi là một trong những nước nghèo nhất thế giới và dựa vào sự giúp đỡ từ bên ngoài, vốn chiếm gần một nửa ngân sách thường niên của Niger.

Ngày 31-7, Đức tuyên bố ngừng viện trợ tài chính và hợp tác phát triển với Niger, sau vụ đảo chính lật đổ Tổng thống nước này Mohamed Bazoum hồi tuần trước, đồng thời cảnh báo Berlin có thể thực hiện các biện pháp bổ sung.

Từ ngày 1-8, Nigeria cũng đã cắt nguồn cung điện cho Niger sau khi các nước láng giềng áp đặt trừng phạt chính quyền quân sự ở quốc gia Tây Phi này. Niger phụ thuộc 70% nguồn điện từ Nigeria, mua của công ty Mainstream.

Toàn cảnh cuộc họp của Ủy ban các Tư lệnh quốc phòng ECOWAS về Niger ở Abuja, Nigeria ngày 2-8. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tuy nhiên, ngày 2-8, người đứng đầu quân đội nắm quyền ở Niamey, Tướng Abdourahamane Tian tuyên bố bác bỏ các biện pháp trừng phạt mà các nước láng giềng Tây Phi áp đặt đối với Niger và khẳng định sẽ không nhượng bộ trước bất kỳ mối đe dọa nào.

Phát biểu trên truyền hình vào đêm trước lễ kỷ niệm độc lập của đất nước, Tướng Abdourahamane Tian cho biết: “CNSP (Hội đồng Quốc gia Bảo vệ Tổ quốc, đang nắm quyền) bác bỏ tất cả các biện pháp trừng phạt này và không nhượng bộ trước bất kỳ mối đe dọa nào, bất kể chúng đến từ đâu. Chúng tôi từ chối bất kỳ sự can thiệp nào vào công việc nội bộ của Niger.”

Ngày 3-8, Ngân hàng Thế giới (WB) bày tỏ quan ngại về tình hình tại Niger, đồng thời nhấn mạnh do quan ngại cuộc đảo chính, ngân hàng này quyết định ngừng mọi kế hoạch giải ngân cho Niger cho đến khi có thông báo mới.

Trong khi đó, lãnh đạo các nước thuộc Cộng đồng Kinh tế Các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã đưa ra tối hậu thư với thời hạn trong vòng một tuần cho những người lãnh đạo cuộc đảo chính ở Niger để khôi phục trật tự hiến pháp và cho biết thêm rằng họ không loại trừ khả năng "sử dụng vũ lực" nếu yêu cầu trên bị từ chối.

Nguồn: Vietnam+

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN