Hà Lan viện trợ tên lửa đất đối không cho Ukraine

13/10/2022 - 20:12

Hà Lan sẽ viện trợ tên lửa đất đối không, tăng cường cho hệ thống phòng không của Ukraine sau loạt vụ không kích tên lửa gần đây của Nga.

Một bệ phóng NASAMS của Hà Lan phóng tên lửa. Ảnh: Bộ Quốc phòng Hà Lan

Bộ Quốc phòng Hà Lan cho biết nước này sẽ cung cấp cho Ukraine lô tên lửa trị giá trên 15 triệu euro để tăng cường hệ thống phòng thủ đường không cho Kiev sau loạt vụ tấn công tên lửa gần đây của Nga.

Theo trang NL Times (Hà Lan), Amsterdam đang gửi các tên lửa đất đối không cho Ukraine và không loại trừ khả năng các loại pháo bọc thép tăng cường - loại pháo hạng nặng nhất mà Hà Lan có, sẽ được gửi cho Kiev.

Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Kajsa Ollongren phát biểu tại trụ sở NATO ở Brussels ngày 12-10 rằng, các cuộc không kích vừa qua của Nga “củng cố quan điểm của chính phủ Hà Lan rằng phản ứng duy nhất đối với chúng là sự ủng hộ vững chắc dành cho Ukraine và người dân của họ”. Bà Ollongren nhấn mạnh Hà Lan “sẽ không bị đe dọa và sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine”.

Bà Ollongren không cung cấp thông tin chi tiết về loại tên lửa cũng như số lượng tên lửa mà Hà Lan sẽ chuyển giao cho Ukraine theo cam kết mới. “Nhưng chúng trị giá 15 triệu euro, vì vậy đó là một đóng góp vững chắc”, lãnh đạo Bộ Quốc phòng Hà Lan nói.

Theo bà, với vũ khí từ Hà Lan, quân đội Ukraine có thể đánh chặn tên lửa hành trình và các loại vũ khí khác. Trong lĩnh vực này, Ukraine đã "thực sự rất thành công", Bộ trưởng Ollongren lưu ý.

Những tháng gần đây, chính phủ Hà Lan khá kín tiếng về việc chuyển giao vũ khí cho Ukraine. Bà Ollongren quyết định đưa ra một ngoại lệ, “bởi vì tôi nghĩ rằng ông Putin cần thấy” rằng những cuộc tấn ông như những ngày qua là phản tác dụng, và các đồng minh của Ukraine sẽ tiến thêm một bước nữa (để hỗ trợ Kiev).

Hà Lan đã chuyển giao 200 tên lửa phòng không vác vai Stinger cho Kiev ngay sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2. Ukraine đã triển khai loại vũ khí này hiệu quả chống lại các máy bay trực thăng Nga, và có thể sử dụng để đối phó với tên lửa từ khoảng cách không quá xa.

Hệ thống phòng không NASAMS của Hà Lan. Ảnh: Bộ Quốc phòng Hà Lan

Theo cam kết của Bộ trưởng Ollongren, Ukraine cũng có thể trông cậy vào các khoản viện trợ khác từ Hà Lan. Bà chi ra rằng, mùa Đông đang đến gần và người Ukraine phải có “thiết bị để giúp họ vượt qua mùa Đông. Hà Lan cũng có thể góp phần vào việc này”.

Bà Ollongren cũng không loại trừ khả năng các loại pháo bọc thép tăng cường - loại pháo hạng nặng nhất mà Hà Lan có, sẽ được gửi tới Ukraine.

Trong khi đó, đơn vị tên lửa Patriot của Hà Lan, đóng tại Slovakia trong 6tháng qua, đang trên đường trở về căn cứ đóng quân ở Vredepeel. Hệ thống phòng không đã được gửi đến Slovakia theo yêu cầu của NATO để củng cố sườn phía đông của liên minh sau khi Nga đưa quân vào Ukraine.

Ngoài viện trợ vũ khí, Hà Lan cam kết sẽ đóng góp 70 triệu euro giúp Ukraine vượt qua mùa Đông sắp tới. Bộ trưởng Ngoại thương và Phát triển Liesje Schreinemacher đưa ra cam kết này trong cuộc họp thường niên của Ngân hàng Thế giới tại Washington, Mỹ. Thông báo được đưa ra vài giờ sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Ollongren thông tin về gói viện trợ tên lửa phòng không 15 triệu euro.

Khoản hỗ trợ trên nhằm giúp người dân Ukraine có mái trú ẩn, đường ống nước, sửa chữa nhà cửa, đường ống nước, cung cấp thực phẩm và điện.

Bộ trưởng Schreinemacher giải thích: "Khi mùa Đông đang đến gần, khó khăn với người Ukraine sẽ trở nên tồi tệ hơn. Nhiều ngôi nhà bị phá hủy, đường ống dẫn nước bị hỏng, không có hệ thống sưởi".

Theo ông Schreinemacher, gói viện trợ được thực hiện thông qua một quỹ tín thác mới của Ngân hàng Thế giới. Quỹ này được thành lập đặc biệt để giúp Ukraine đối phó với mùa Đông sắp tới. Ukraine dự kiến ​​sẽ cần 3,5 tỷ USD để chuẩn bị đầy đủ cho mùa Đông.

Tháng trước, Ngân hàng Thế giới ước tính Ukraine sẽ cần ít nhất 349 tỷ USD viện trợ để tái thiết đất nước hoàn toàn sau xung đột. Nhưng đó chủ yếu là tiền chi trong dài hạn khi hòa bình được lập lại và công cuộc tái thiết thực sự có thể bắt đầu.

Nguồn: TTXVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN