Góp phần tích cực trong tái cơ cấu nông nghiệp

04/12/2017 - 07:07
Thu hoạch lúa sạch Thạnh Phú. Ảnh: Thu Hiền

Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững tỉnh Bến Tre giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020, nền sản xuất nông nghiệp tỉnh từng bước thay đổi căn bản theo hướng nâng cao chất lượng, đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến, nâng cao giá trị tăng thêm của sản phẩm nông nghiệp hàng hóa theo hướng thị trường, từng bước nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn.

Qua thực hiện đề án, cơ cấu cây trồng chuyển dịch phù hợp với điều kiện sinh thái các địa phương. Đến nay, đã chuyển đổi được 7.548ha đất lúa sang trồng dừa, cây trái, hoa màu và thủy sản; đất mía giảm 3.206ha chuyển sang trồng dừa; đất trồng dừa tăng 7.127ha; đất trồng cây ăn trái tăng 185ha. Cơ cấu nông nghiệp có sự dịch chuyển theo hướng tăng tỷ trọng trồng trọt và chăn nuôi, giảm tỷ trọng thủy sản (tỷ trọng trồng trọt và chăn nuôi từ 52,17% năm 2015 tăng lên 54,14%, thủy sản từ 47,84% giảm xuống 47,82%). Giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đất luôn tăng qua các năm, nhất là trồng trọt tăng từ 51 triệu đồng/ha năm 2013 lên 73 triệu đồng/ha năm 2016. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn từ 21 triệu đồng/ha năm 2013 tăng lên 32 triệu đồng/ha năm 2016.

Các hình thức tổ chức sản xuất hợp tác và liên kết có chuyển biến tích cực theo hướng tăng dần về lĩnh vực, số lượng và quy mô liên kết. Tính đến tháng 6-2017, toàn tỉnh có 801 tổ hợp tác, tăng gấp 9 lần so với năm 2013 là 87 tổ; có 27 hợp tác xã, 225 trang trại được cấp giấy chứng nhận, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2013; 88,57 làng nghề được công nhận và 160 tổ đội khai thác. Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị dừa với quy mô 464,32ha; theo chuỗi giá trị bưởi da xanh là 85,43ha; chôm chôm 147,2ha; nhãn 15ha; hoa kiểng 25,2ha; lúa 99,7ha; rau màu 25ha; tôm biển 70,37ha liên kết chuỗi giá trị chăn nuôi gia súc với quy mô là 3.520 con.

Số lượng và giá trị sản phẩm nông lâm thủy sản được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt hoặc tương đương tăng đều qua các năm, hiện có 52 tổ chức và cá nhân được chứng nhận VietGAP hoặc tương đương. Trong đó, 20 tổ chức và cá nhân thuộc cây ăn trái với tổng diện tích 237,74ha (bưởi da xanh 64ha, chôm chôm 87,5ha và nhãn 86,26ha) được chứng nhận VietGAP và GlobalGAP; 1 cơ sở chăn nuôi đạt chuẩn VietGAHP và 31 cơ sở và hợp tác thủy sản đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC, BAP, AquaGAP và MSC. Năm 2017, số lượng cơ sở sản xuất, chăn nuôi trên địa bàn có xử lý chất thải bằng biogas hoặc các giải pháp công nghệ xử lý, sử dụng hiệu quả, sạch tăng hơn gấp 2 lần so với năm 2013.

Trong các kết quả đó, ngành khoa học và công nghệ tỉnh đã có những đóng góp quan trọng vào việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp như xây dựng và đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm bò Ba Tri; nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm trái chôm chôm và măng cụt Chợ Lách, lúa sạch Thạnh Phú và hoa kiểng Cái Mơn (huyện Chợ Lách). Đặc biệt là nhãn hiệu lúa sạch Thạnh Phú cùng có sự tham gia ký kết hợp đồng đầu vào và đầu ra với các doanh nghiệp đã mang lại lợi nhuận năm 2016 là 26 triệu đồng/ha, tăng gấp 1,5 lần so với những năm trước đây (chỉ đạt 17 triệu đồng/ha).

Kết quả trên đã góp phần thực hiện đạt 15 tiêu chí giám sát, đánh giá về cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh đến năm 2020. Tuy nhiên, việc thực hiện tái cơ cấu còn một số hạn chế cần quan tâm khắc phục trong thời gian tới như: một bộ phận nông dân chưa trọng chữ tín trong hợp tác sản xuất, chưa thực hiện tốt sản xuất sạch, an toàn. Môi trường chăn nuôi ở một số địa phương chưa được quan tâm, dịch bệnh có lúc chưa được kiểm soát chặt chẽ. Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi chưa thật sự ổn định. Ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất còn hạn chế. Các mô hình liên kết tiêu thụ chưa thật sự chặt chẽ. Các sản phẩm nông nghiệp chủ lực chưa được xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, việc duy trì các sản phẩm đã được chứng nhận còn nhiều bất cập.

Đặng Văn Cử

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN