Công tác hòa giải ở cơ sở

Góp phần đảm bảo an ninh trật tự, xây dựng đời sống văn hóa - nông thôn mới

19/10/2022 - 05:56

BDK - Công tác hòa giải ở cơ sở (HGCS) luôn được lãnh đạo tỉnh, cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm và đạt nhiều kết quả quan trọng. Mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương đều có cách làm hay trong hòa giải, vận động, thuyết phục đương sự và đạt kết quả cao… Theo Điều 2 Luật Hòa giải ở cơ sở: HGCS là việc hòa giải viên (HGV) hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật theo quy định của luật này.

Đại biểu góp ý về công tác hòa giải ở cơ sở tại cuộc họp sơ kết công tác tư pháp. Ảnh: Huỳnh Đức

Tầm quan trọng của công tác hòa giải

HGCS có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Đây là phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả. Hòa giải thành sẽ hàn gắn và khôi phục tình cảm giữa các bên tranh chấp, duy trì mối quan hệ đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư. HGCS cũng là một phương thức phổ biến giáo dục pháp luật thiết thực, nhằm giữ gìn, duy trì đoàn kết trong nội bộ nhân dân; phòng ngừa và hạn chế vi phạm pháp luật, tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. HGCS còn góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, cùng đóng góp xây dựng xã hội ngày càng văn minh.

Theo Luật HGCS quy định, hoạt động HGCS dựa trên các nguyên tắc: (1) Tôn trọng sự tự nguyện của các bên; không bắt buộc, áp đặt các bên trong HGCS. (2) Bảo đảm phù hợp với chính sách, pháp luật của Nhà nước, đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân; phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ và cộng đồng dân cư; quan tâm đến quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật và người cao tuổi. (3) Khách quan, công bằng, kịp thời, có lý, có tình; giữ bí mật thông tin đời tư của các bên, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 10 của luật này (mâu thuẫn, tranh chấp nghiêm trọng có thể xảy ra bạo lực, vi phạm pháp luật phải xử lý hành chính hoặc hình sự). (4) Tôn trọng ý chí, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; không xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng. (5) Bảo đảm bình đẳng giới trong tổ chức và hoạt động HGCS. (6) Không lợi dụng HGCS để ngăn cản các bên liên quan bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật hoặc trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính, xử lý về hình sự.

Trong xây dựng nông thôn mới, HGCS góp phần quan trọng xây dựng các tiêu chí xã nông thôn mới: môi trường, văn hóa, giao thông, an ninh trật tự… Toàn tỉnh hiện có 986 tổ hòa giải với hơn 7,6 ngàn HGV. Mỗi tổ hòa giải có từ 5 - 7 HGV, đảm bảo đúng thành phần theo quy định của pháp luật. Hàng năm, tỷ lệ hòa giải thành trên địa bàn tỉnh đạt từ 90% trở lên (năm 2021 đạt 92,6%, năm 2020 đạt 91,75%).

 Hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp ở cấp xã

Hàng năm, lực lượng hòa giải ở 157 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh (toàn tỉnh có 986 tổ hòa giải, hơn 7,6 ngàn HGV) tiến hành hòa giải thành hàng trăm vụ tranh chấp các loại, tỷ lệ hòa giải thành đạt trên 91% vụ việc phải hòa giải. Mỗi địa phương có những cách làm hay, phù hợp với tình hình thực tế để công tác HGCS đạt hiệu quả cao nhất.

9 tháng năm 2022, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Thạnh Phú nhận tổng số 87 vụ hòa giải, trong đó có 45 vụ dân sự và 42 vụ thuộc các lĩnh vực khác. Tư pháp cấp xã đã đưa ra hòa giải 82 vụ, với kết quả thành 75 vụ (đạt 91,46%), chuyển về trên 7 vụ không thành, còn 5 vụ đang xác minh để hòa giải. Trưởng phòng Tư pháp huyện Thạnh Phú Nguyễn Thị Bé cho hay: “Huyện có 105 tổ hòa giải với 757 HGV. Các tổ hòa giải luôn được kiện toàn, lực lượng HGV thường xuyên được tập huấn nghiệp vụ, cập nhật kiến thức pháp luật để nâng cao hiệu quả hoạt động với số vụ hòa giải thành đạt tỷ lệ cao”.

Xã Hòa Lợi, huyện Thạnh Phú là đơn vị đạt tỷ lệ hòa giải thành 100% (8/8 vụ) trong 9 tháng năm 2022, trong đó có 2 vụ tranh chấp đất. Điển hình như trường hợp tranh chấp ranh đất giữa ông V và ông T. Ông V cho rằng ông T lấn ranh của mình và yêu cầu ông T cắm ranh lại cho đúng nhưng không được ông T đồng ý. Tổ hòa giải ấp tiến hành xác minh, nắm thông tin từ những người lớn tuổi và họp đưa ra hướng giải quyết. Qua phân tích, động viên gia đình ông V và ông T cùng thống nhất đo đạc lại theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp, việc trả chi phí đo đạc sẽ được chia đều cho 2 bên. Cuộc hòa giải thành công tốt đẹp.

Ngoài xã Hòa Lợi, Thạnh Phú còn có nhiều xã thực hiện tốt công tác hòa giải, với tỷ lệ hòa giải thành cao như: An Thạnh, An Điền, Thạnh Phong… Hầu hết các xã này đều được cấp ủy, chính quyền quan tâm công tác HGCS, chú trọng và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ HGV.

Điển hình trong vận động, thuyết phục thi hành án

Nhiều năm liền, Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Thạnh Phú hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đây cũng là đơn vị dẫn đầu các cơ quan THADS trên địa bàn tỉnh về kết quả thi hành án (THA). Chi cục đã quan tâm thực hiện tốt công tác vận động, giáo dục, thuyết phục đương sự (người phải THA) để đạt kết quả cao.

Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Thạnh Phú Nguyễn Văn Ớt cho hay: Chi cục tham mưu tốt cho Ban Chỉ đạo THADS huyện ban hành các văn bản chỉ đạo các ngành, UBND các xã, thị trấn tích cực hỗ trợ công tác THA. Trong thi hành nhiệm vụ, để đạt kết quả cao, hạn chế trường hợp phải áp dụng biện pháp cưỡng chế THADS, chấp hành viên (CHV) đã tích cực, kiên trì giải thích pháp luật cho đương sự, thuyết phục các bên tự nguyện, thỏa thuận THA. Trước khi thực hiện việc án, CHV cùng thư ký THA đã nghiên cứu sâu, nắm thật vững kiến thức về pháp luật chuyên ngành và kết hợp với chính quyền địa phương xác minh thật kỹ. CHV tìm hiểu sâu, lắng nghe ý kiến của các đương sự và xem xét toàn diện về điều kiện của người phải THA, xác định nội dung cần vận động, phương pháp vận động để đạt hiệu quả cao nhất.

Trong 9 tháng năm 2022, Chi cục THADS huyện Thạnh Phú thụ lý tổng cộng 1.419 việc phải THA; trong đó, số việc có điều kiện thi hành 1.204; đã thi hành xong 802/1.204 việc, đạt 66,61%, còn 14,89% đạt chỉ tiêu năm 2022 (Quốc hội giao năm 2022 là 81,5%). Tổng số tiền phải thi hành 112,985 tỷ đồng, trong đó số có điều kiện thi hành 84,564 tỷ đồng; đã thi hành xong 38,704/84,564 tỷ đồng, đạt 45,71% (vượt chỉ tiêu 4,11%, Quốc hội giao 41,6%). Với kết quả này, Chi cục THADS huyện Thạnh Phú sớm hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu công tác THADS năm 2022.

Trong số các vụ vận động, thuyết phục THA xong có trường hợp của ông Ch ở xã Đại Điền (Thạnh Phú). Tranh chấp diễn ra thời gian dài, tòa án xét xử buộc ông Ch giao 2,5m2 nhưng ông không chấp hành. CHV đã ban hành quyết định cưỡng chế nhưng chưa thực hiện cưỡng chế thì đương sự tự nguyện giao đất; do trước đó CHV đã phối hợp với UBND xã làm tốt công tác vận động, thuyết phục và ông Ch đã tự giác chấp hành. Hoặc trường hợp của bà B cùng 2 người liên quan là ông Tr và bà E phải trả cho Ngân hàng Agribank huyện số tiền 800 triệu đồng. Vụ việc kéo dài không THA được và đến giai đoạn đã ban hành quyết định cưỡng chế THA. Trước khi thực hiện cưỡng chế, CHV đã phối hợp với các ngành, đoàn thể xã vận động, thuyết phục; sau đó đương sự đã tự nguyện bán tài sản nộp tiền THA.

Lực lượng HGV trên địa bàn tỉnh luôn được củng cố, kiện toàn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ. Đây cũng là nguồn nhân lực chính góp phần tích cực trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Mỗi cơ quan, đơn vị và địa phương trên địa bàn tỉnh đều có cách làm hay trong HGCS. Nhiều xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả nổi bật trong giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn, góp phần đảm bảo tình hình an ninh, trật tự xã hội địa phương.

Huỳnh Đức

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN