Dưới đây là 4 câu hỏi thuộc top “siêu khó” mà bạn nên tìm hiểu trước để tự tin khi đối mặt với nhà tuyển dụng khi tìm kiếm việc làm tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hay Bến Tre…

Giả sử cùng lúc bạn nhận được 2 lời mời làm việc, một bên là công ty bạn yêu thích nhưng lương thấp và một bên là công ty bạn không thích lắm nhưng lương cao? Bạn chọn bên nào và tại sao?
Câu hỏi này đã đánh gục nhiều ứng viên, đặc biệt là những người thiếu kinh nghiệm khi đưa ra câu trả lời dứt khoát là chọn hẳn một bên.
Lựa chọn là quyền của bạn, tuy nhiên trong một cuộc phỏng vấn, đó chưa phải là câu trả lời thuyết phục nhất. Nhà tuyển dụng đang ngầm muốn biết bạn chú trọng vào tiêu chí nào khi chọn công việc - môi trường hay mức lương? Do đó, đừng vội vã nói thẳng rằng mình sẽ chọn bên này hay bên kia mà nên suy nghĩ và đưa ra lý giải vì đây là dạng câu hỏi mở.
Ví dụ như: “Tôi rất xem trọng cả hai yếu tố môi trường làm việc và mức thu nhập để lo cho cuộc sống. Thật tuyệt vời nếu như vừa được làm ở một nơi mình mong muốn mà không phải băn khoăn đến mức lương. Vậy tại sao tôi lại không thể làm cho tất cả sự lựa chọn đều hoàn hảo?
Nếu chọn mức lương cao, tôi tự tin rằng mình biết sẽ phải làm gì để xây dựng một môi trường làm việc tốt mà tôi yêu thích hoặc thích ứng với nó. Còn nếu chọn nơi mức lương thấp, tôi sẽ phải nỗ lực để được ghi nhận thành quả và việc tăng lương, thưởng xứng đáng cũng hoàn toàn có thể xảy ra”.
Bạn nghĩ gì nếu như sẽ làm việc với những người bạn không thích?
Thật tuyệt nếu như sở hữu đội ngũ nhân viên đoàn kết, ăn ý hoặc đơn giản là hòa thuận, có mối quan hệ tốt với nhau. Với các câu hỏi phỏng vấn hay và khó dạng này, nhà tuyển dụng muốn biết cách ứng xử của bạn với đồng nghiệp như thế nào. Thế nên câu trả lời của bạn có thể như sau:
“Trong một môi trường rộng lớn, đa dạng nhân sự, bạn phải tôn trọng và chấp nhận sự khác biệt của người khác. Làm việc với người mình không thích và họ cũng không hề thích mình là điều hết sức bình thường ở bất cứ nơi đâu. Đôi khi nếu biết cách, chúng ta còn biến điều này thành động lực tích cực. Cụ thể là tôi và họ sẽ cạnh tranh công bằng với nhau và cả hai bên đều tiến bộ hơn. Chưa kể tôi còn học hỏi được từ họ những thứ quý giá cho công việc. Vậy nên tôi không e ngại vấn đề này”.

Bạn sẽ làm gì nếu như công việc sắp tới không như ý muốn?
Với câu hỏi mở này nhà tuyển dụng muốn kiểm tra thái độ của bạn khi ứng phó với những khó khăn và thử thách trong công việc. Điều bạn nên thể hiện đó là một tinh thần lạc quan, cái nhìn cởi mở và nỗ lực vượt qua thay vì chán nản hoặc bỏ cuộc sớm. Bạn có thể trả lời câu hỏi này với một số ý gợi mở, chẳng hạn như:
“Thật ra, hiếm có công việc nào mà chỉ toàn suôn sẻ, nếu lựa chọn an toàn thì sự nghiệp của bạn chỉ ở mức trung bình. Với tôi, sau khi trải qua thời gian làm việc, bản thân đã rèn luyện được một tinh thần thép sẵn sàng đón nhận khó khăn thử thách. Thế nên tôi hoàn toàn vững tâm và nếu công việc không như ý muốn thì tôi sẽ tìm cách cải thiện chứ không hề có ý định bỏ cuộc. Bởi tôi hiểu rằng bất cứ môi trường nào, công việc nào cũng có khó khăn riêng.”
Theo thang điểm từ 1- 10, bạn đánh giá tôi được bao nhiêu điểm với vai trò là người phỏng vấn?
Câu hỏi này thường gặp nhất trong các cuộc phỏng vấn cho các công việc trong ngành đặc thù về ngoại giao, đàm phán, kinh doanh, tiếp thị… Nhà tuyển dụng muốn thăm dò xem bạn có sự tinh tế, quan sát đối phương và ứng phó với tình huống đột xuất hay không.
Hãy thể hiện sự khéo léo và tinh tế trong giao tiếp khi bày tỏ suy nghĩ của mình về chính người phỏng vấn. Thường ứng viên sẽ “mắc kẹt” giữa 2 lựa chọn. Nếu chỉ ra điểm chưa tốt thì sẽ mất lòng hoặc mình cũng là người chưa đủ tầm để đánh giá. Nếu ngợi khen hoàn toàn bằng cách cho điểm tuyệt đối thì sợ nhà tuyển dụng cho rằng mình đang nịnh hót. Tuy nhiên, đây là câu hỏi mở nên bạn đừng cho điểm theo thang mặc dù được “gài bẫy”.
Một trong số câu trả lời khéo léo sẽ như sau: “Tôi muốn gửi lời cảm ơn đến anh (chị) vì đã kiên nhẫn và nhiệt thành đưa ra các câu hỏi hay để tôi có dịp thể hiện bản thân mình. Tôi thực sự mong rằng tôi đã không phụ lòng của anh (chị), sẽ đóng góp nhiều thành quả cho công ty như quý anh (chị) đang làm. Hy vọng rằng thời gian và sự kiên nhẫn anh (chị) bỏ ra cho tôi vừa rồi đã không lãng phí”.
Đừng vội lo lắng hay tỏ ra quá mất tự tin khi đối diện với các câu hỏi phỏng vấn hay và khó từ nhà tuyển dụng. Dù trong cuộc phỏng vấn nào, bạn cũng nên suy nghĩ thật thấu đáo và đa chiều trước khi đưa ra câu trả lời. Đặc biệt khi đã cập nhật được một số câu hỏi mở “siêu khó” như trên thì bạn không còn phải lo lắng mà cần tự tin và lạc quan. Nắm bắt được cơ hội hay không là ở chính cách thể hiện của bạn.
Hảo Đặng