Góc nhìn từ Sơn Định

28/03/2014 - 07:44
Vườn sầu riêng đạt chuẩn VietGAP của hộ ông Nguyễn Văn Tây - ấp Sơn Phụng.

Toàn xã có 31 mô hình sản xuất là những tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất, làng nghề, CLB nông dân, nhóm tín dụng tiết kiệm khuyến nông... Trong đó, có 16 tổ liên kết sản xuất được thành lập theo Nghị định 151 của Thủ tướng Chính phủ, với nhiều chủng loại cây con giống như cây giống, hoa kiểng, cây ăn quả, có gần 400 hộ tham gia.

Ông Lý Tấn Phương - Chủ tịch Hội Nông dân xã cho rằng, sự ra đời các mô hình liên kết, tổ hợp tác sản xuất không chỉ giúp nhà nông có cơ hội trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, tiếp cận KHKT, vay vốn ưu đãi… mà hơn hết là góp phần tích cực vào tiến trình tái cấu trúc ngành nông nghiệp khi đòi hỏi nhà nông phải biết áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, thay đổi tập quán canh tác, sản xuất sạch hơn…

Ngoài ra, xã Sơn Định còn có Tổ hợp tác sản xuất chôm chôm đạt chuẩn VietGAP, một tổ sản xuất sầu riêng cũng vận hành theo chuẩn VietGAP được hơn một năm, năm tổ sản xuất chôm chôm cũng bắt đầu hướng đến chuẩn VietGAP với hơn 60ha. Ông Lý Tấn Phương cho biết, 2/3 diện tích (tổng diện tích 840ha) vườn cây ăn trái của xã là chôm chôm, còn lại là bưởi da xanh và sầu riêng. Trong đó, địa phương chú trọng hướng đến chất lượng của hai loại cây thế mạnh là chôm chôm và sầu riêng, với hai loại cây này đều có những mô hình sản xuất hướng đến chất lượng và sản phẩm sạch, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu - chuẩn VietGAP. Điển hình có Tổ liên kết sản xuất chôm chôm ấp Tân Thới với 15ha, có 26 hộ tham gia. Ông Phương cho biết, ấp này trước đây là một ấp nghèo của xã, trồng lúa một vụ nhưng từ khi bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, trong đó, cây chôm chôm Java được bà con trồng nhiều. Từ khi thành lập Tổ liên kết sản xuất, được trang bị kiến thức về KHKT, hỗ trợ vốn ưu đãi…bà con ngày càng mạnh dạn đầu tư vào cây chôm chôm, nếu trước đây, chôm chôm là thế mạnh của ấp Sơn Phụng thì hiện nay Tân Thới đã vươn lên, vượt qua cả về chất lượng và giá cả. Ông Phương bộc bạch thêm, hiện giá bán chôm chôm của bà con ấp Tân Thới bao giờ cũng cao hơn khoảng 1.000 đồng/kg so với các ấp khác. Hiện nay, giá chôm chôm đang ở mức cao hơn 30.000 đồng/kg, bà con Tân Thới nhiều hộ khá lên. Riêng về Tổ hợp tác sầu riêng ấp Sơn Phụng với 13ha, có 29 hộ tham gia. Đây là tổ hợp tác kiểu mẫu của địa phương, hoạt động rất có hiệu quả, theo ông Lý Tấn Phương, không chỉ có người dân ấp Sơn Phụng tham gia vào tổ hợp tác này mà còn có rất nhiều hộ dân ngoài xã như Hòa Nghĩa, Vĩnh Bình và ngoài tỉnh như nông dân xã Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy - Tiền Giang), xã Nhơn Phú (huyện Mang Thít - Vĩnh Long) cũng cùng tham gia sinh hoạt-cốt yếu để học hỏi kinh nghiệm, áp dụng KHKT, sản xuất tạo sản phẩm sạch hơn.

Đánh giá về các Tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất, các mô hình sản xuất theo hướng đạt chuẩn VietGAP… theo ông Phương, hiện nay chưa có sự so sánh về khả năng vượt trội của mô hình nào, đặc biệt là mô hình sản xuất theo hướng VietGAP bởi sản xuất theo hướng VietGAP đòi hỏi qui trình và điều kiện tuân thủ rất nghiêm ngặt mà đôi khi người nông dân không có vốn sẽ không đáp ứng được (như nhà vệ sinh, kho chứa vật tư, hệ thống danh mục thuốc BVTV cho phép). Trong khi đó với các Tổ hợp tác, Tổ liên kết sản xuất thì không có điều kiện ràng buộc nghiêm ngặt, đồng thời giá cả sản phẩm giữa VietGAP với sản phẩm của các hộ dân không có chuẩn VietGAP cũng không chênh lệch là bao nhiêu nên người dân không mấy mặn mòi. Cũng theo ông Phương, riêng về tiêu chí số 13 phải làm sao cho thực chất, chứ có nhiều địa phương chỉ có một loại cây trồng, con vật mà hình thành nhiều tổ hợp tác thì không nên (Ví dụ như Cánh đồng mẫu lúa thì đó là một mô hình, còn trong cánh đồng này có nhiều tổ hợp tác thì cũng tính là một Hình thức tổ chức sản xuất), một vấn đề khác là vốn đầu tư cho các mô hình, tổ hợp tác...bởi người dân chỉ có mảnh đất, vườn cây và chỉ đầu tư canh tác đến mức độ nhất định nào đó. Nếu để đạt theo tiêu chí này, mô hình nọ thì cần phải có vốn đầu tư.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo địa phương, sau khi đi thực tế tham quan các mô hình sản xuất tại ấp Sơn Phụng, ông Võ Thành Hạo - Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, cách tốt nhất hiện nay là tập hợp người dân tham gia vào các tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất để họ thay đổi dần tập quán sản xuất, làm sao mảnh vườn của người dân không còn có cây tạp, cỏ tạp là tốt rồi.

Bài, ảnh: Thành Lập

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN