Giúp đỡ người nghiện từ bỏ ma túy

09/12/2018 - 19:43

Đội Công tác xã hội tình nguyện phường Phú Khương, TP. Bến Tre đi vào hoạt động từ tháng 11-2014, với 9 thành viên. Với vai trò là một tổ chức tình nguyện gồm một số hội viên của các tổ chức chính trị - xã hội, các cá nhân tự nguyện tham gia công tác phòng chống tệ nạn xã hội trên địa bàn; đội có nhiệm vụ hỗ trợ UBND phường Phú Khương trong việc thực hiện công tác phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm, phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS, giúp đỡ nạn nhân bị mua bán, người mại dâm, nghiện ma túy chữa trị, cai nghiện và quản lý sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Được biết, phường Phú Khương đang quản lý 92/92 người nghiện và sử dụng chất ma túy (trong đó có 88 nam và 4 nữ), không tăng so với năm 2017.

Từ khi được thành lập đến nay, hàng năm các thành viên đội đều được Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ như: nâng cao năng lực cho thành viên đội công tác xã hội tình nguyện; nâng cao năng lực cho thành viên tham gia mô hình phòng chống mại dâm; triển khai vận động cai nghiện ma túy tại cộng đồng... Sau khi tập huấn, các thành viên nắm được nội dung, cách tư vấn, tham vấn người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy...

Trong 3 năm qua, đội đã có nhiều cố gắng trong hoạt động tư vấn, tiếp cận, xử lý các tình huống xảy ra đối với “thân chủ” của mình và sinh hoạt nhóm. Kết quả, 8 người có tiến bộ rõ rệt, trong đó có 5 người được đi cai nghiện tự nguyện, 1 người cai nghiện tại gia đình, còn lại cai nghiện tại cộng đồng luôn được sự hỗ trợ của đội và các ban, ngành, đoàn thể phường...

Chia sẻ kinh nghiệm vận động cai nghiện tại gia đình, ông Nguyễn Hồng Sơn - Đội trưởng Đội Công tác xã hội tình nguyện phường Phú Khương cho biết: “Cai nghiện ma túy tại gia đình trước hết bản thân người nghiện phải có nhận thức, cùng với sự tác động của gia đình, xã hội và người xung quanh. Song song đó, Mặt trận, đoàn thể, cơ quan chức năng thông cảm, gắn bó với gia đình, không xem người nghiện là tội phạm mà là người bệnh. Đồng thời, tạo công ăn việc làm cho đối tượng này ổn định thu nhập, xa lánh được ma túy”. Theo ông Sơn, những người nghiện ma túy có tư tưởng xa lánh mọi người, tự ti mặc cảm, để người ta không tự ti, chịu hợp tác với mình, mạnh dạn đề xuất để được giúp đỡ thì người xung quanh tránh kỳ thị, xa lánh và chung vai góp sức nâng đỡ, vận động người nghiện từ bỏ ma túy. Hiện nhiều người nghiện gặp khó khăn về kinh tế chưa được nhận hỗ trợ y tế như mua thuốc, khám chữa bệnh ở cơ sở y tế miễn phí, chưa tiếp cận được các nguồn vốn vay giải quyết việc làm, chưa có chế độ cho con em của họ được nhận học bổng… là những băn khoăn, trăn trở của ông Hồng Sơn trong quá trình công tác.

T. Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN