Giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống văn hóa trên địa bàn huyện

19/06/2017 - 07:24
Tiết mục biểu diễn tại Liên hoan Đờn ca tài tử năm 2014. Ảnh: Quang Án

(Tham luận của UBND huyện Ba Tri tại buổi tọa đàm với chủ đề “Phát huy các giá trị truyền thống văn hóa trong xây dựng và phát triển toàn diện con người Bến Tre” do Báo Đồng Khởi phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức vào ngày 20-6-2017)

Nói đến Ba Tri, trước hết là nghĩ về một vùng đất địa linh nhân kiệt, có bề dày truyền thống văn hóa, truyền thống cách mạng, giàu lòng yêu nước, kiên trung, với hình ảnh “Ông già Ba Tri” can trường quyết bảo vệ lẽ phải đến cùng đã trở thành giai thoại. Người dân Ba Tri rất tự hào đã sản sinh ra vị tiến sĩ đầu tiên của Nam Kỳ lục tỉnh, là nơi giữ gìn hài cốt sư biểu nổi tiếng đất Nam Kỳ nhà giáo Võ Trường Toản. Đặc biệt, nơi đây được nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu chọn là nơi sống hơn 20 năm cuối đời. Ba Tri cũng là nơi còn lưu giữ loại hình văn hóa độc đáo Hát sắc bùa Phú Lễ vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) ghi danh “Hát sắc bùa Phú Lễ vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.

Cụ Nguyễn Đình Chiểu sinh ngày 1-7-1822 tại làng Tân Thới, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định, nay thuộc phường Cầu Kho, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh.

Năm 1843, ông thi đỗ tú tài ở Trường thi Gia Định. Năm 25 tuổi, ông trở ra Huế học tập, chờ khoa thi nhưng chưa kịp thi thì có tin mẹ mất. Trên đường trở về quê chịu tang mẹ, vì khóc thương khiến ông lâm trọng bệnh và mù cả hai mắt. Về đến Gia Định, sau khi mãn tang mẹ, ông tổ chức dạy học, bốc thuốc chữa bệnh và sáng tác thơ văn. Khi 3 tỉnh miền Đông rơi vào tay quân Pháp, không chịu sống trong vùng chiếm đóng của giặc, Nguyễn Đình Chiểu cùng gia đình xuôi thuyền về làng An Đức, tổng Bảo An, tỉnh Vĩnh Long, nay là xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre tiếp tục hốt thuốc và sáng tác thơ văn.

Hơn một phần tư thế kỷ sống trên đất Ba Tri, Nguyễn Đình Chiểu đã để lại cho nhân dân một di sản tinh thần vô cùng quý báu, góp phần tạo nên truyền thống kiên cường, bất khuất của một vùng đất anh hùng.

Khu mộ và đền thờ của cụ Nguyễn Đình Chiểu thuộc ấp Giồng Cụt, xã An Đức, huyện Ba Tri. Qua nhiều lần xây dựng, trùng tu, nâng cấp, diện tích được mở rộng lên đến 13.000m2, với kinh phí đầu tư 6,9 tỷ đồng. Năm 1990, di tích được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTT&DL) công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. (Khu di tích Nguyễn Đình Chiểu tọa lạc tại Ấp 3, xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử văn hóa ngày 16-3-1993. Khánh thành ngày 1-7-2002 với tổng diện tích khu mộ và đền thờ là 13.000m2).

Để tỏ lòng thành kính với Cụ, hàng năm vào ngày 1-7, UBND tỉnh chọn làm Ngày hội truyền thống văn hóa của tỉnh. Các hoạt động của lễ hội nhằm tưởng nhớ nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, người đã gắn bó và gần gũi với nhân dân Ba Tri cũng đồng thời góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Ngày hội truyền thống văn hóa Bến Tre (1-7) được tổ chức hàng năm gắn với ngày sinh của Cụ là một ngày hội lớn, niềm tự hào của người dân xứ Dừa. Ngày hội với ý nghĩa nhắc nhở mọi người nhớ đến tài năng, đức độ của một bậc hiền tài và tôn vinh những giá trị tư tưởng, nhân cách đạo đức của một nhà giáo, một người thầy thuốc suốt đời vì nhân dân, đã đem tài năng và trí tuệ của mình phục vụ cho dân, cho nước. Tấm gương của Cụ đã đi vào sử sách, vào lòng người không chỉ ở Bến Tre mà lan rộng, vang xa ra cả nước. Hiện di tích Cụ đã được Bộ VHTT&DL công nhận là khu di tích văn hóa quốc gia đặc biệt.

Đối với loại hình Hát sắc bùa Phú Lễ, đây là loại hình nghệ thuật độc đáo trong kho tàng văn hóa phi vật thể của huyện. Hát sắc bùa Phú Lễ ra đời khá sớm vào những năm cuối thế kỷ XVIII và tồn tại cho đến những năm 1978-1980. Về sau nhu cầu xã hội giảm dần, nghệ nhân ngày càng lớn tuổi, lớp kế thừa không tham gia, đặc biệt với sự phát triển ngày càng đa dạng và phong phú của các phương tiện thông tin đại chúng, các loại hình văn hóa nghệ thuật mới xuất hiện và nhiều lý do khác đã khiến cho Hát sắc bùa Phú Lễ dần bị lãng quên và có nguy cơ mai một cao.

Hát sắc bùa Phú Lễ được Bộ VHTT&DL ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đây không chỉ là niềm vui, niềm hạnh phúc của nhân dân huyện Ba Tri nói chung và nhân dân xã Phú Lễ nói riêng, mà còn là niềm vui chung của nhân dân tỉnh nhà.

Là địa phương có nhiều di tích lịch sử văn hóa đặc biệt của tỉnh, đó là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ba Tri. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm thế nào quản lý, giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị tốt đẹp của di tích vật thể và phi vật thể trên địa bàn. Đó thật sự là vấn đề nan giải, khó khăn và lâu dài, đòi hỏi cần phải có sự quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, sự hỗ trợ giúp sức từ các cơ quan chuyên môn Trung ương và của tỉnh, cùng sự ủng hộ từ các thành phần trong xã hội, sự đồng lòng của các tầng lớp nhân dân để cùng nhau chăm lo, xây dựng, quản lý, bảo tồn và phát huy tốt các giá trị vốn có của các di sản văn hóa.

Thực trạng hiện nay, không ít di tích bị xuống cấp trầm trọng, vấn đề xâm hại di tích, tình trạng người dân lấn chiếm đất di tích, trộm cắp đồ thờ cúng, hay sự mai một của loại hình diễn xướng dân gian Hát sắc bùa Phú Lễ và nhiều loại hình nghệ thuật khác đang rất đáng báo động. Vì thế, vấn đề huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng, trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích, công tác giữ gìn, bảo vệ môi trường văn hóa, các loại hình nghệ thuật dân gian phải được chính quyền và các cơ quan chức năng coi trọng hơn nữa.

Riêng đối với công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống văn hóa “Hát sắc bùa Phú Lễ và Di tích Đền thờ nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu” trên địa bàn huyện Ba Tri, tôi xin đề xuất một số giải pháp như sau:

Đối với Hát sắc bùa Phú Lễ:

Việc sưu tầm, lưu giữ và dần phục hồi, tái hiện lại hình thức diễn xướng Hát sắc bùa Phú Lễ đang bị mai một là một quá trình dày công tìm tòi, nghiên cứu và tâm huyết của nhiều nhà văn hóa, văn nghệ cùng cơ quan chuyên môn tỉnh nhà và công lao của những nghệ nhân trong tỉnh. Do đó, chúng ta cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp:

1. Có chính sách nhằm tạo thuận lợi để bảo tồn và phát huy giá trị của hát sắc bùa nói riêng, văn hóa phi vật thể nói chung. Chọn lọc các bước thực hành đặc sắc để phổ biến đến các cuộc sinh hoạt văn hóa cộng đồng trên địa bàn huyện. Có kế hoạch từng bước hình thành Hát sắc bùa Phú Lễ trở thành sản phẩm văn hóa đặc biệt góp phần phát triển du lịch, song hành với loại hình Đờn ca tài tử đã được vinh danh.

Quan tâm đến hoạt động của các đội hát sắc bùa hiện có; cũng như khuyến khích văn nghệ sĩ, nghệ nhân sáng tác thêm những bài bản mới để Hát sắc bùa Phú Lễ ngày càng gần gũi hơn trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân tỉnh nhà, nhất là nhân dân xã Phú Lễ, huyện Ba Tri.

Duy trì chế độ sinh hoạt của các đội, nhóm hát hiện có; tập hợp, hình thành thêm những nhóm hát mới để tuyên truyền, giới thiệu rộng rãi loại hình Hát sắc bùa Phú Lễ trong cộng đồng dân cư.

2. Ban Giám hiệu các trường đưa Hát sắc bùa vào các tiết học ngoại khóa và mời các đội hát sắc bùa biểu diễn thường xuyên trong các dịp lễ hội cho học sinh xem, để gìn giữ và phát huy di sản Hát sắc bùa Phú Lễ. Có thể nói, việc các em học sinh được xem và học hát sắc bùa sẽ góp phần vào việc gìn giữ và bảo tồn nghệ thuật hát sắc bùa mang tính bền vững và phổ biến. Nghệ thuật hát sắc bùa sẽ được nuôi dưỡng và phổ biến rộng trở lại cho thế hệ trẻ vốn văn hóa quý báu của quê hương mình.

3. Quan tâm phát triển hội viên, mở rộng đối tượng, thành phần tham gia Câu lạc bộ Hát sắc bùa cấp huyện và xã, thường xuyên tổ chức luyện tập bài bản sắc bùa đúng với trình tự và bài bản của buổi diễn sắc bùa. Góp phần bảo vệ, giữ gìn, kế thừa và phát huy giá trị quý giá của loại hình văn hóa phi vật thể này, vừa phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân tại địa phương.

4. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Phú Lễ có kế hoạch bảo vệ, lưu giữ loại hình di sản văn hóa độc đáo này. Chủ động huy động nguồn lực để tiếp tục phát huy hơn nữa những giá trị quý báu mà Đảng bộ và nhân dân xã nhà có được. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục cho các tầng lớp nhân dân trong cộng đồng nhất là thế hệ trẻ hiểu được giá trị và ý nghĩa to lớn của loại hình di sản văn hóa phi vật thể hát sắc bùa là văn hóa của dân tộc, gìn giữ và phát huy là nhiệm vụ của con cháu đời sau. Hàng năm cần tổ chức liên hoan, giao lưu hát sắc bùa trong câu lạc bộ để tạo phong trào và tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân.

Đối với di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Nguyễn Đình Chiểu:

1. Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là ở cơ sở trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Cần có sự phân công cụ thể, rõ ràng về vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để thực hiện tốt ba chức năng: quản lý - tổ chức; bảo vệ - trùng tu - tôn tạo; khai thác - phát huy - phát triển.

2. Tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn thể xã hội trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong quản lý, tổ chức lễ hội tại di tích. Tiếp tục nghiên cứu, làm sáng tỏ giá trị văn hóa, nhân vật lịch sử của di tích để tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu cho nhân dân trong và ngoài tỉnh. Nâng cao chất lượng các hoạt động Ngày hội truyền thống văn hóa tỉnh Bến Tre theo hướng văn minh, an toàn, hiệu quả, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương.

3. Xây dựng quy hoạch tổng thể bảo vệ và phát huy giá trị di tích, gắn kết với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chú trọng bảo tồn, phát huy di tích Nguyễn Đình Chiểu với tư cách là một di tích quốc gia đặc biệt.

4. Kính đề nghị UBND tỉnh xây dựng các cơ chế, chính sách, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, nhằm huy động, khai thác các nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân đóng góp vào việc giữ gìn và phát huy di sản văn hóa. Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế nguồn tài nguyên nhân văn, thế mạnh đặc trưng về di sản văn hóa của huyện Ba Tri nói riêng và tỉnh Bến Tre nói chung gắn với phát triển du lịch bền vững là một hướng đi đúng và lâu dài, cần sự quan tâm thiết thực.

Việc giữ gìn và phát huy giá trị của di sản trong những năm tiếp theo là con đường đầy khó khăn, vất vả. Do vậy, nhiệm vụ của chính quyền và nhân dân địa phương trong thời gian tới là cần đoàn kết chặt chẽ hơn, ý thức hơn về trách nhiệm bảo tồn di sản, cùng nhau phát huy các giá trị quý báu mà ông cha ta đã tạo ra và bao thế hệ người dân dày công gìn giữ và lưu truyền.

Nếu chúng ta thực hiện tốt những nhiệm vụ cơ bản trên đây thì sự nghiệp bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa của cha ông để lại, đời sống văn hóa tinh thần sẽ được nâng lên một tầm cao mới, góp thêm một viên gạch xây dựng nền tảng vững chắc cho sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, để dân tộc ta vững vàng trên tiến trình hội nhập quốc tế. Có thể khẳng định các di sản văn hóa Việt Nam nói chung, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre nói riêng không chỉ là tài sản văn hóa vô giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, mà còn là tài sản văn hóa quý giá của nhân loại. Việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp các di sản văn hóa trên là nhằm phục vụ cho lợi ích cộng đồng xã hội, đồng thời góp phần sáng tạo những giá trị văn hóa mới.

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN