20 năm Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè:

Giồng Trôm lưu dấu nhiều kỷ niệm

08/07/2019 - 06:50

BDK - Lục tìm mãi mà chẳng được bao nhiêu tài liệu về các mùa chiến dịch thanh niên tình nguyện hè ở huyện Giồng Trôm cách đây 20 năm. Các chú, các anh giờ không thể nhớ hết được vì quá nhiều sự kiện, thời gian, địa điểm và các công trình diễn ra trong suốt thời gian 20 năm qua. Rất may, anh Huỳnh Văn Tấn - Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, nguyên Bí thư Huyện Đoàn Giồng Trôm còn nhớ công trình ấn tượng của Trường Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh. Đó là cây cầu U, ở xã Tân Hào.

Cầu U phía bờ ấp Giồng Mén, xã Tân Hào.

Ký ức khó phai

Năm 2000 là năm đầu tiên Chiến dịch Mùa hè xanh (MHX) diễn ra trên địa bàn huyện Giồng Trôm. Chiến dịch tập trung thực hiện phong trào “Đan hóa giao thông nông thôn (GTNT), xóa cầu khỉ, phát quang, trồng cây xanh, ôn tập hè cho các em học sinh, văn nghệ xung kích gây quỹ giúp đỡ học sinh nghèo, thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa, gia cố và tôn tạo nền hạ GTNT… Lần đầu tiên huyện trở thành mặt trận chính của chiến dịch với sự tham gia rất đông đảo lực lượng chiến sĩ nhiều đơn vị các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, cán bộ, đoàn viên, thanh niên trong và ngoài tỉnh như sinh viên Trường Đại học Bách Khoa (lần đầu tham gia chiến dịch tại tỉnh), Đại học Công nghiệp, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Sư phạm, Học viện Bưu chính viễn thông, Đại học Sư phạm thể dục thể thao, Đại học Dân lập Văn Lang… có đến hàng ngàn chiến sĩ tình nguyện xung kích có mặt khắp các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Chị Lê Thị Hồ Thu - Trưởng ban Tuyên giáo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, nguyên Bí thư Huyện Đoàn Giồng Trôm cho biết, phương châm chiến dịch bấy giờ là “Thiết thực - hiệu quả - an toàn - tiết kiệm”, “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm”, “Đi dân nhớ, ở dân thương” đã tạo nên một khí thế sôi nổi, rầm rộ khắp mặt trận các địa phương. Mỗi mùa chiến dịch đi qua luôn để lại trong lòng người dân địa phương nhiều kỷ niệm đẹp, khó phai.

Suốt 10 năm gắn bó với Chiến dịch MHX tại mặt trận Giồng Trôm, chị Thu ghi lại tất cả vào nhật ký của mình với những con số rất ấn tượng: Hơn 1 tỷ đồng để xây dựng 180 cây cầu bê-tông kiên cố; thiết kế 150 cầu giúp cho địa phương giảm bớt chi phí xây dựng; bê-tông hơn 50km đường; tôn tạo và đắp mới hàng trăm km nền hạ giao thông; vẽ và sửa chữa 450 pa-nô, 760 cổng tổ nhân dân tự quản; xây dựng 138 cổng ấp, khu phố văn hóa, góp phần xây dựng thành công 10 xã văn hóa. Xây dựng và sửa chữa 98 nhà tình nghĩa, nhà tình thương cho hộ gia đình chính sách, hộ nghèo; thăm và tặng 780 phần quà nhân ngày thương binh - liệt sĩ. Mở 1.200 lớp ôn tập hè thu hút hơn 70 ngàn học sinh các cấp học, 250 lớp năng khiếu các môn như vẽ, hát múa, rèn chữ, cờ vua, võ thuật và 195 lớp phổ cập tin học cho hơn 5.500 cán bộ địa phương, đoàn viên, thanh niên; tặng 30 tủ sách với hơn 9 ngàn đầu sách cho các trường.

Riêng Trường Đại học Bách Khoa đã lưu dấu ấn chiến dịch với nhiều công trình “lớn và đặc biệt” như xây tặng 3 trường mẫu giáo và nhiều cầu GTNT, trong đó, cây cầu U như một điển hình lúc bấy giờ.

Chuyện kể về cây cầu U

Theo lời kể của anh Huỳnh Văn Tấn, tôi tìm về xã Tân Hào. Con đường ấp Giồng Mén dẫn vào nơi có cầu U nối liền với Ấp 6, xã Long Mỹ. Cầu U vẫn còn nguyên vẹn với sự gìn giữ khá chu đáo, nó sống động và chứa chan tình cảm, gắn kết, ghi dấu giữa Trường Đại học Bách Khoa nghĩa tình với hàng ngàn người dân xứ sở này.

Một người dân trong ấp Giồng Mén cho biết, mười mấy năm rồi, chiếc cầu vẫn như mới vừa xây. Nó nối liền và phục vụ cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa không chỉ cho bà con hai xã như trước đây, mà bây giờ người dân xã Bình Hòa cũng đi qua chiếc cầu này. Lãnh đạo xã Tân Hào cho biết, trục đường này giờ là trục liên xã, thực hiện Đề án số 3333 của UBND tỉnh, địa phương đã lập quy hoạch để mở rộng tuyến đường này. Vậy là cầu U ngày càng có vị trí rất quan trọng.

Cầu U được xây dựng vào năm 2003, bắc qua sông Bình Hòa, có chiều dài hơn 80m, ngang 2m. Theo lời anh Huỳnh Văn Tấn, lúc bấy giờ thì đây là công trình cầu GTNT “lớn và đặc biệt quan trọng” đối với tỉnh, huyện, chính quyền địa phương và sự mong chờ của hàng ngàn bà con địa phương nơi đây. Việc lao dầm và đóng các trụ đã ngoài sức lực, không thể thi công “thủ công” như những chiếc cầu trước đó. Bấy giờ, ông Võ Thành Hạo - Bí thư Tỉnh ủy (bây giờ) đã phải gọi điện nhờ phương tiện từ tỉnh xuống để hỗ trợ việc đóng trụ.

“Công trình của MHX đó, chiếc cầu này lớn nhất ở nơi đây thời điểm đó. Không ai tin nổi các chiến sĩ MHX làm được. Đoạn kênh này lúc trước nước chảy xiết lắm, việc thi công gặp không ít khó khăn, nguy hiểm nữa. Người dân chúng tôi rất cảm phục sức lực của các cháu là chiến sĩ tình nguyện, màu áo xanh ấy rất thân thương đối với bà con của hai địa phương này” - một người dân ấp Giồng Mén tâm sự.

Bài, ảnh: Thành Lập

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN