Khách tham quan quy trình làm bánh phồng Sơn Ðốc tại xã Hưng Nhượng. Ảnh: Ánh Nguyệt
Đa dạng tiềm năng
Huyện Giồng Trôm cách trung tâm tỉnh 18km về hướng Ðông, với diện tích tự nhiên hơn 31 ngàn héc-ta, có thế mạnh về kinh tế nông nghiệp. Trong phát triển DL, huyện có rất nhiều loại hình, điểm đến để du khách tham quan tìm hiểu, trải nghiệm. Trong đó, nổi bật nhất là Khu tưởng niệm Nữ tướng Nguyễn Thị Ðịnh - một nữ anh hào mang quân hàm tướng của Việt Nam được cả thế giới biết đến. Di tích tọa lạc trên đường tỉnh 885, cách TP. Bến Tre 8,5km, thuộc ấp Phong Ðiền, xã Lương Hòa, rất thuận tiện trong giao thông di chuyển. Trên địa bàn huyện còn có Ðền thờ Trung tướng Ðồng Văn Cống, tại Ấp 1, xã Tân Hào; Ðền thờ Nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị, tại xã Thạnh Phú Ðông; Di tích Ngôi nhà ông Nguyễn Văn Trác ở xã Hưng Lễ - đây là nơi đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn đã từng ở và làm việc… Nếu chọn tìm hiểu về kiến trúc đẹp thì huyện có Di tích kiến trúc nghệ thuật văn hóa - lịch sử Ðình Bình Hòa, cách TP. Bến Tre chỉ 16km - đây là ngôi đình cổ và là một trong 2 ngôi đình đẹp và lớn nhất tỉnh.
Không chỉ có di tích, Giồng Trôm còn có các làng nghề khá nổi tiếng, trong đó có Làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng tại xã Mỹ Thạnh, bánh phồng Sơn Ðốc tại xã Hưng Nhượng, hai làng nghề đã được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Ðến đây, khách không chỉ được xem quy trình làm bánh, được thưởng thức các loại bánh tráng, bánh phồng ngon bậc nhất của tỉnh và cả khu vực, mà còn có thể trải nghiệm một lần làm thợ tráng bánh. Bên cạnh đó, huyện còn có làng nghề tiểu thủ công nghiệp tại xã Phước Long chuyên sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, chỉ xơ dừa và đan giỏ cọng dừa. Trong DL tâm linh thì không thể không kể đến Nhà thờ La Mã, tại xã Hưng Nhượng. Ðây là một trong những trung tâm hành hương lớn của Giáo hội Công giáo Việt Nam, hàng năm đã đón hàng ngàn lượt khách đến hành hương và tham quan.
Trong 2 năm 2018, 2019, hoạt động DL huyện có mức tăng trưởng khá cao. Lượng khách đến các điểm DL trên địa bàn huyện trong năm 2018 đạt 34.800 lượt, trong đó khách quốc tế chiếm trên 45%, doanh thu mang về đạt trên 18,4 tỷ đồng. Năm 2019 đạt 43.930 lượt khách tham quan (tăng 16% so với năm 2018), khách quốc tế chiếm 43%; doanh thu ước đạt 33,832 tỷ đồng (tăng 34,6% so với năm 2018).
Nhiều địa điểm hấp dẫn
Với đặc điểm của vùng sông nước còn nhiều nét hoang sơ, thanh bình và thiên nhiên gần gũi, huyện đã là điểm đến của nhiều du khách lựa chọn loại hình DL sinh thái. Theo đường tỉnh 885, du khách có thể dừng chân tại điểm DL Thuyền Xoài thuộc địa phận xã Mỹ Thạnh. Nơi đây được biết đến là một khu nghỉ mát nép mình trong thảm thực vật tươi tốt bên nhánh sông Hàm Luông (Giồng Trôm) yên bình, là nơi lưu trú lý tưởng cho du khách. Một khu vực không bị ảnh hưởng bởi DL thương mại, mang lại trải nghiệm đáng nhớ cho du khách bởi các dịch vụ thân thiện với môi trường.
DL Thuyền Xoài có diện tích chung trên 10.000m2, tích hợp nhiều dịch vụ phong phú từ ăn uống, nghỉ dưỡng, lưu trú, tham quan trên sông, tham quan bằng xe đạp... Tại đây có đội tàu gồm 7 chiếc, trong đó có tàu chuyên chở khách tham quan trên các tuyến sông. Hàng năm, điểm DL này đón 100% du khách là khách quốc tế.
Bên cạnh đó, nhiều điểm DL sinh thái đã hoạt động và đang đầu tư như điểm DL Cocolodge tại xã Thuận Ðiền với diện tích trên 2.000m2, đón 100% khách quốc tế; điểm DL Nam Bình tại Sơn Phú đón 60% khách nội địa; điểm DL Làng Dừa Việt tại xã Phước Long có diện tích trên 4.000m2. Ngoài ra, huyện đang phát triển mới một điểm DL sinh thái tại xã Phong Nẫm với tên gọi “Làng văn hóa DL Asean” với diện tích trên 10ha đang trong quá trình xây dựng…
Hiện tại, huyện tập trung phát triển loại hình DL sinh thái cộng đồng tại cồn Ốc, xã Hưng Phong và cù lao Long Thành, xã Sơn Phú. Ðây là những vùng đất cồn có tiềm năng lớn về DL sinh thái cộng đồng với sự thân thiện, hiếu khách của con người cùng nét nguyên sơ, yên bình của thiên nhiên, kết hợp với trải nghiệm tham quan làng nghề thủ công mỹ nghệ đan giỏ cọng dừa và các sản phẩm từ dừa.
Phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn
Ông Nguyễn Minh Trung - Phó chủ tịch UBND huyện cho biết: “Ðể tạo điều kiện cho DL phát triển, huyện sẽ tạo môi trường sạch và sản phẩm sạch để phục vụ du khách. Ðặc biệt, huyện đang tập trung để tạo cảnh quan, làm cho diện mạo địa bàn huyện tươi đẹp hơn. Huyện ủy, UBND huyện xác định trong nhiệm kỳ tới sẽ phát triển mạnh DL để tăng nguồn thu ngân sách, DL Giồng Trôm sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện”.
Các điểm DL sinh thái, các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn huyện cũng thường xuyên được chỉnh trang, nâng cấp, chất lượng ngày càng được nâng lên, đáp ứng phục vụ du khách trong và ngoài nước. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật xã hội như: cầu, đường, viễn thông… đã được tập trung đầu tư xây dựng tại các xã trong quy hoạch. Từ năm 2008 - 2015, huyện được sự hỗ trợ vốn từ Trung ương xây dựng bến phà ngang sông Hàm Luông nối liền xã Phước Long - Hưng Phong và đầu tư xây dựng 5,6km đường giao thông với tổng số vốn là 11 tỷ đồng cùng 6 cầu bê-tông, trong đó có cầu nối liền xã Hưng Phong đến ấp Long Thành, xã Sơn Phú.
Ðịnh hướng cho DL huyện phát triển bền vững, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, vị trí, vai trò của DL trong phát triển kinh tế - xã hội để người dân hiểu rõ, nâng cao nhận thức về DL và cùng chung tay thực hiện xây dựng sản phẩm DL nhằm phát huy thế mạnh, tiềm năng của huyện. Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ DL gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới nhằm đảm bảo cho nhà đầu tư tiếp cận địa bàn phát triển DL và thu hút khách DL. Ðặc biệt, huyện sẽ tạo mọi điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở lưu trú DL hiện có mở rộng quy mô, phát triển mới sản phẩm DL.
Huyện sẽ tiếp tục tăng cường thực hiện và phối hợp với Trung tâm Thông tin xúc tiến DL tỉnh để quảng bá tiềm năng DL trên địa bàn thông qua các chương trình quảng cáo bằng hình ảnh, các ấn phẩm báo, đài, trang thông tin điện tử của huyện, tỉnh.
Huyện sẽ tập trung phát triển du lịch gắn với phát huy truyền thống lịch sử - văn hóa của quê hương và các mô hình nông nghiệp xanh, sạch, để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện”.
Bí thư Huyện ủy Giồng Trôm Nguyễn Trúc Hạnh
|
Ánh Nguyệt – Kim Phụng