Giống mới cho sản xuất hoa kiểng

26/06/2012 - 16:14
Cơ sở sản xuất hoa kiểng Hoàng Duy (Vĩnh Thành) chuyên sản xuất kim phát tài và kiểng lá.

Trong khuôn khổ Ngày hội cây - trái ngon, an toàn và sản phẩm nông nghiệp lần XII, tại Chợ Lách, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các ngành, địa phương và nhà vườn tổ chức Hội thảo tìm giống mới cho sản xuất hoa kiểng, nhằm tăng hiệu quả kinh tế cho ngành hàng này.

Trong những năm gần đây, Chợ Lách có nhiều giống hoa kiểng mới được đưa vào sản xuất, kinh doanh. Nhưng đó là giống mới du nhập, chứ nghệ nhân chưa lai tạo được. Bởi có những giống mới phải lai tạo bằng cách cấy mô, là công việc của các nhà khoa học. Do xác định giống mới, sản phẩm mới luôn chiếm ưu thế trong sản xuất, kinh doanh, nên dù không lai tạo được, các nghệ nhân sản xuất hoa kiểng ở Chợ Lách vẫn rất cần cù trong việc nhân giống bằng kinh nghiệm được tích lũy. Cơ sở sản xuất hoa kiểng Hoàng Duy (Vĩnh Thành) đi đầu trong lĩnh vực nhân giống, với hàng triệu cây kim phát tài và kiểng lá màu.

Tại Hội thảo về giống mới cho sản xuất hoa kiểng, diễn ra vào ngày 23-6-2012, tại hội trường UBND huyện Chợ Lách, bà Lê Nguyễn Lan Thanh - Bộ môn Hoa và Cây cảnh (Viện Cây ăn quả Miền Nam) cho biết, gần mười năm nay, Viện Cây ăn quả Miền Nam luôn thành công trong việc lai tạo nhiều giống hoa mới. Việc lai tạo được thực hiện theo phương pháp: lai tạo hữu tính, tạo đột biến, chuyển gen kết hợp ứng dụng công nghệ sinh học. “Các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Bến Tre có môi trường, thổ nhưỡng rất phù hợp với việc trồng các giống hoa: cúc, lay-ơn, cẩm chướng, đồng tiền, lưu ly, lan hồ điệp, tiểu hồng môn, những giống hoa hồng mới, như: hồng cánh sen, hồng trắng thủy tinh, hồng vàng Hà Lan… Những giống hoa hồng mới này có ưu điểm nở lâu đến mười ngày, độ xoắn đẹp và ít sâu bệnh” - bà Lan Thanh nói. Cũng theo bà Lan Thanh, năm 2013, Bến Tre có cơ hội tiếp nhận những giống hoa mới trong nhóm (hồng, cúc, đồng tiền, lưu ly, cẩm tú cầu, trạng nguyên, sen đá…). “Hiện nay, tại tỉnh Tiền Giang có mô hình sản xuất hoa đồng tiền chậu. Bến Tre nên tiếp cận mô hình này. Giá bán mỗi chậu từ 40-50 ngàn đồng. Loài hoa này vừa thu hoa cắt cành vừa bán cả chậu. Đây là giống hoa mới được du nhập” - bà Lan Thanh cho biết thêm.

Từ chỗ thấy hoa khó tiêu thụ khi số lượng quá nhiều, trong những năm gần đây anh Đặng Văn Thanh - xã Long Thới đã chuyển sang sản xuất, kinh doanh kiểng lá và trở thành triệu phú. Theo anh Thanh, kiểng lá ở Việt Nam có hơn 100 loài được trồng nhiều ở Đà Lạt và Bến Tre. Những loài phổ biến đang được ưa chuộng, là: cau vàng, phát tài, trúc bách hợp, trúc đóm, đinh lăng, dạ lan thanh, nguyệt quế Thái, ngũ gia bì, cọ, phát tài Mỹ, phát tài Thái, trúc xanh, bông hạnh phúc, thiên điểu… Ngoài việc kiểng lá có màu trang trí trong sân nhà, nội thất, lá của cây kiểng còn dùng để trang trí tràng hoa, bình hoa, giỏ hoa trong các buổi lễ, hội... “Bên cạnh kiểng lá nội địa, tôi còn nhập thêm kiểng lá ngoại, như: vạn lộc, ngọc ngân, đại phát tài, hạnh phúc, hoàn cầu… Kiểng lá nhập có giá khá cao, mỗi chậu không lớn lắm nhưng có giá khoảng 500 ngàn đồng. Dù giá khá đắt nhưng vẫn phải nhập để có nhiều chủng loại, phong phú” - anh Thanh tâm sự.

Theo các nghệ nhân Chợ Lách, kiểng lá dễ trồng, trồng rất dày để lấy lá. Ưu điểm của kiểng lá là, dù có neo thêm 30 ngày mới thu hoạch, nhưng lá vẫn còn nguyên giá trị. Chợ Lách là vùng nước ngọt quanh năm, nên rất thuận lợi cho nghề trồng kiểng lá (kể cả kiểng lá ngoại nhập). Cây kiểng lá từ 5 năm trở lên sẽ cho thu hoạch, với giá từ 200 - 1.000 đồng/lá. Có những loại kiểng lá bán ký 8.000 - 10.000 đồng/ký. Bên cạnh bán lá, có thể bán cả gốc kiểng để làm kiểng bonsai. “Kiểng lá từ 1-2 tháng cho thu hoạch một lần (tùy theo giống, loài). Chỉ tính trồng xen kiểng lá với các loài hoa kiểng khác, cứ 1.000m2 cho thu nhập từ 30-50 triệu đồng/năm” - anh Thanh phấn khởi cho biết thêm.

Nói về giống mới đối với hoa nở, kiểng lá, ông Lê Phước Toàn - Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách cho biết, nhà vườn Chợ Lách giỏi về nhân giống, tạo thành “Làng nghề truyền thống hoa kiểng Cái Mơn”. Tuy nhiên, chúng ta không nên nhân giống quá nhiều đến mức cung vượt cầu. “Cái khó cho hoa kiểng Chợ Lách là không xuất khẩu được, chủ yếu chỉ để tiêu thụ nội địa.” - ông Toàn chia sẻ.

Bài, ảnh: HOÀNG VŨ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN