Chăm sóc, bảo vệ trẻ em trong xã hội số, bài 2

Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em và thanh thiếu niên

17/06/2022 - 05:49

BDK - Ngày nay, vấn đề giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em và thanh thiếu niên cần được quan tâm để hỗ trợ các em trước ngưỡng cửa cuộc đời, biết cách tư duy độc lập, tự bảo vệ bản thân. Đồng thời, bồi dưỡng xúc cảm, biết thêm yêu thương, chia sẻ, trân trọng tình cảm gia đình.

Tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng thể dục thể thao cho trẻ em trong dịp hè. Ảnh: Ánh Nguyệt

Trải nghiệm hình thành kỹ năng sống

Theo anh Diếp Minh Tuấn - Phó trưởng phòng nghiệp vụ Công tác thanh niên, Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh, đối với công tác giáo dục kỹ năng sống cho độ tuổi 12 trở lên cần lưu ý là kỹ năng sống, không thể được hình thành chỉ qua việc nghe giảng và tự đọc tài liệu mà phải thông qua các hoạt động tương tác với người khác. Việc nghe giảng và tự đọc tài liệu chỉ giúp cho học sinh thay đổi nhận thức về một vấn đề nào đó. Nhiều kỹ năng sống được hình thành trong quá trình học sinh tương tác với bạn cùng học và những người xung quanh thông qua hoạt động học tập và các hoạt động xã hội trong nhà trường. Trong khi tham gia hoạt động có tính tương tác, học sinh có dịp thể hiện ý tưởng của mình, xem xét ý tưởng của người khác, được đánh giá và xem xét lại những kinh nghiệm sống của mình trước đây theo một cách nhìn nhận khác. Vì vậy, việc tổ chức các hoạt động có tính tương tác cao trong nhà trường, tạo cơ hội quan trọng để giáo dục kỹ năng sống hiệu quả.

Bên cạnh đó, kỹ năng sống chỉ được hình thành khi người học được trải nghiệm qua các tình huống thực tế. Học sinh chỉ có kỹ năng về một việc gì khi các em tự làm việc đó, chứ không chỉ nói về việc đó. Kinh nghiệm có được khi học sinh được hành động trong các tình huống đa dạng, giúp các em dễ dàng sử dụng và điều chỉnh các kỹ năng phù hợp với điều kiện thực tế. Giáo viên cần thiết kế và tổ chức thực hiện các hoạt động trong và ngoài giờ học sao cho học sinh có cơ hội thể hiện ý tưởng cá nhân, tự trải nghiệm và biết phân tích kinh nghiệm sống của mình và người khác.

Giáo dục kỹ năng sống đòi hỏi phải có quá trình tác động từ nhận thức đến hình thành thái độ và thay đổi hành vi. Mục đích cao nhất của giáo dục kỹ năng sống là giúp người học thay đổi hành vi theo hướng tích cực. Giáo dục kỹ năng sống thúc đẩy người học thay đổi hay định hướng lại các giá trị, thái độ, hành động của mình. Giáo viên cần kiên trì chờ đợi và tổ chức các hoạt động liên tục để học sinh duy trì hành vi mới và có thói quen mới; tạo động lực cho học sinh điều chỉnh hoặc thay đổi giá trị, thái độ và những hành vi trước đây, thích nghi hoặc chấp nhận các giá trị, thái độ và hành vi mới. Giáo dục kỹ năng sống cần thực hiện ở mọi nơi, mọi lúc và thực hiện càng sớm càng tốt đối với trẻ em. Môi trường giáo dục được tổ chức, nhằm tạo cơ hội cho học sinh áp dụng kiến thức và kỹ năng vào các tình huống thực trong cuộc sống.

Phát triển các câu lạc bộ kỹ năng

Theo anh Diếp Minh Tuấn, hiện tại nhu cầu phát triển các câu lạc bộ đội nhóm đặc thù cho thanh thiếu nhi là yếu tố cốt lõi để phát triển hoạt động kỹ năng sống cho thanh thiếu nhi. Ngoài đối tượng là thanh thiếu nhi có năng khiếu tiêu biểu thì Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi cũng thành lập các nhóm câu lạc bộ dành cho các em thanh thiếu nhi cá biệt. Đây là đối tượng cần sự hỗ trợ về mặc kỹ năng sống nhất. Ngoài ra, Trung tâm cũng phối hợp các tổ chức Hội đồng đội, Hội Liên hiệp Thanh niên cấp huyện tổ chức tập hợp đội ngũ tuyên truyền viên đảm nhận công tác giáo dục kỹ năng sống cho thanh thiếu nhi. Trung tâm thường xuyên tổ chức các hoạt động thực nghiệm, thực tế, mô hình học tập để giáo dục kỹ năng sống. Đồng thời, luôn đổi mới các mô hình, hoạt động đáp ứng nhu cầu của thanh thiếu nhi để phát huy năng lực, vai trò của các em.

Để góp phần tạo sân chơi lành mạnh cho trẻ em, đặc biệt là nâng cao sức khỏe, thể chất, tinh thần cho trẻ, luyện tập thể dục thể thao (TDTT) là hình thức được nhiều phụ huynh và các cơ quan chức năng hướng đến. Theo khuyến cáo của ngành thể thao, các phụ huynh nên lựa chọn các bộ môn TDTT phù hợp với lứa tuổi, thể trạng và sức khỏe của trẻ. Trung tâm TDTT, Trường Năng khiếu TDTT tỉnh cũng đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng TDTT cho trẻ em trong năm và trong dịp hè. Bên cạnh, nhiều lớp tư nhân cũng đã được mở ra phục vụ cho nhu cầu học tập của các em. Trong đó, các bộ môn có nhiều trẻ em yêu thích lựa chọn theo học như: Aerobic, võ thuật, bóng đá mini, cầu lông… Đặc biệt, phổ cập bơi cho trẻ là một định hướng lớn của tỉnh, không chỉ nâng cao sức khỏe cho trẻ mà góp phần tích cực trong phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ em. Để tăng cường công tác phòng chống đuối nước trẻ em, UBND tỉnh cũng đã có chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương quản lý chặt chẽ trẻ em để phòng chống tai nạn đuối nước. Tăng cường rèn luyện TDTT các hoạt động vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật cho trẻ em trong dịp hè.

Ban Quản lý thực hiện Đề án Phổ cập bơi của tỉnh cũng đã định hướng việc tuyên truyền về lợi ích, tác dụng của công tác phổ cập bơi phòng chống đuối nước cho trẻ em. Thực hiện việc sử dụng các trang thiết bị an toàn để phòng chống đuối nước cho trẻ em như: mặc áo phao, phao cứu hộ khi đi trên các phương tiện giao thông thủy, trẻ em khi tắm, bơi trên sông, ao, hồ phải có người lớn đi kèm…

Theo kế hoạch hè 2022, Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh Bến Tre cũng triển khai chương trình trại hè kỹ năng sống cho thanh thiếu niên lứa tuổi từ 9 đến 15 tuổi. Các kỹ năng như: kỹ năng thoát hiểm khi hỏa hoạn, phòng cháy chữa cháy, sơ cấp cứu, phòng vệ, cai nghiện game, hướng dẫn dựng lều trại cơ bản, sinh hoạt tập thể, múa dân vũ, nút dây, dấu đường, xác định phương hướng, hành trình dã ngoại, chương trình Học kỳ trong Quân đội, Học kỳ Công an… Ngoài ra cũng chiêu sinh các lớp năng khiếu hè với các bộ môn như: guitar, thanh nhạc, đàn organ, múa dân gian, ba-lê cơ bản, múa hiện đại, hip hop, võ thuật Karatedo, Vovinam, lớp thư pháp, chữ đẹp, hội họa.

A. Nguyệt - Ph. Hân - Th. Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN