Trạm Khuyến nông huyện Mỏ Cày Nam tích cực vận động hình thành các tổ hợp tác trồng dừa trên địa bàn. Ảnh: Cẩm Trúc
Kết quả bước đầu
Hiện nay, toàn tỉnh có trên 1.800 tổ hợp tác (THT) và trên 100 hợp tác xã (HTX), trong đó lĩnh vực nông nghiệp chiếm trên 50% số lượng các THT, HTX. Tuy nhiên, trong tổng số các THT, HTX nông nghiệp có sản phẩm dừa là chủ lực thì tỷ lệ có liên kết với doanh nghiệp đầu vào, đầu ra là rất “mỏng”.
Theo Hiệp hội Dừa tỉnh, năm 2018, Hiệp hội phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh thành lập 18 THT, 10 tổ liên kết với có 941 thành viên, quy mô 759ha; 4 HTX có 537 xã viên với quy mô 379ha gắn kết bao tiêu với Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex), Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới, Công ty cổ phần chế biến dừa Á Châu. Đối với dừa uống nước, thành lập 6 THT, có 140 thành viên với quy mô 71ha, gắn kết bao tiêu với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Mêkông.
Việc phát triển mối liên kết chậm, ảnh hưởng đến các hoạt động liên kết tiêu thụ của doanh nghiệp đối với các THT, HTX. Minh chứng cụ thể là năm 2018, sản lượng thu mua từ mối liên kết của doanh nghiệp và nông dân chưa đến 10 triệu trái dừa và chưa đến 500 tấn cơm dừa của các THT, HTX. Riêng đối với doanh nghiệp thu mua dừa trái trực tiếp tại vườn của nông hộ, sản lượng cũng ước khoảng 420 ngàn trái dừa. Nếu quy đổi con số thống kê trên ra tỷ lệ sản phẩm tiêu thụ thông qua mối liên kết là rất “khiêm tốn” so với tổng sản lượng dừa nguyên liệu của toàn tỉnh (ước sản lượng dừa thu hoạch năm 2018 là 600 triệu trái). Qua đó cho thấy, tốc độ phát triển mối liên kết còn rất chậm. Thậm chí có lúc, có nơi, mối liên kết của hai bên bị phá vỡ do nguyên nhân từ một hoặc cả hai bên để sau đó phải bắt đầu lại.
Qua phân tích từ ngành công thương, năng lực thu mua của các doanh nghiệp ngành dừa trong tỉnh hiện nay đã nâng lên. Công suất thiết kế hoạt động tối đa của các doanh nghiệp trong tỉnh đã tiệm cận và cao hơn so với sản lượng dừa thu hoạch thực tế trên địa bàn. Để đảm bảo công suất hoạt động ổn định và thường xuyên, các doanh nghiệp chủ yếu mua cơm dừa đã qua sơ chế của thương lái và liên kết thu mua các tỉnh trong khu vực như Trà Vinh, Cần Thơ…
Theo ghi nhận từ một số doanh nghiệp chế biến dừa trong tỉnh, doanh nghiệp không thể thu mua hết dừa nguyên liệu trong dân do đội ngũ lao động sơ chế tại doanh nghiệp không đảm bảo. Doanh nghiệp sẽ cam kết thu mua trong trường hợp người dân liên kết tổ chức đội ngũ thu mua, sơ chế tại chỗ. Hiện nay, THT, HTX đủ khả năng tổ chức sơ chế đáp ứng theo yêu cầu của doanh nghiệp mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hầu hết doanh nghiệp phải tự đầu tư nhà xưởng sơ chế tại chỗ tại một số địa bàn và mua qua thương lái. Điển hình như Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới đã xây dựng 2 điểm sơ chế dừa tại xã An Định (huyện Mỏ Cày Nam) và xã Phong Nẫm (huyện Giồng Trôm), với công suất sơ chế mỗi điểm khoảng 20 ngàn trái/ngày.
Còn lắm Gian nan
Thực trạng trên cũng đã trả lời cho câu hỏi: “Vì sao ngành dừa Bến Tre phát triển, năng lực xuất khẩu của doanh nghiệp cùng giá trị các sản phẩm từ dừa không ngừng tăng cao… nhưng thu nhập của người trồng dừa còn bấp bênh, giá dừa trái luôn thiếu ổn định?”.
Đến nay, số người trồng dừa và diện tích trồng dừa của tỉnh đã chính thức liên kết chiếm tỷ lệ không cao. Được doanh nghiệp đảm bảo đầu ra, với giá sàn thấp nhất là 50 - 60 ngàn đồng/chục dừa (12 trái). Trong khi những nông dân trong vùng liên kết và chính quyền địa phương nơi đó khá an tâm về cây dừa thì đông đảo người trồng dừa còn lại vẫn đứng bên ngoài mối liên kết, loay hoay. Năm 2018, khi giá dừa xuống thấp và kéo dài, thương lái Trung Quốc cũng bỏ chạy, khi đó người dân mới quay lại đặt vấn đề liên kết với doanh nghiệp để được bao tiêu với giá sàn thấp nhất 50 ngàn đồng/chục.
Thời điểm này, cách làm của HTX nông nghiệp Định Thủy (huyện Mỏ Cày Nam) trở thành một trong những điểm sáng cho người trồng dừa. Ông Đặng Trúc Phương - Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX chia sẻ: Được sự giới thiệu của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, HTX ký hợp đồng với Công ty dừa Lương Quới từ đầu tháng 4-2018. Hiện, HTX tiêu thụ cơm dừa trắng giao cho Công ty dừa Lương Quới, bình quân khoảng 2.500kg/ngày, góp phần giải quyết được 40 lao động làm việc tại HTX, thu nhập của công nhân lao động tại HTX từ 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, HTX có ký hợp đồng đầu vào với Công ty phân bón Con Cò Vàng và Công ty phân bón Sài Gòn Mê Kông. Giá phân bán ra của HTX thấp hơn ngoài thị trường từ 50 - 70 ngàn đồng/bao. Đối với xã viên còn được giảm thêm 20.000 đồng/bao nên giúp nông dân giảm chi phí đầu vào đáng kể.
Chính thời điểm ngành dừa gặp khó khăn nhất, giá trị của sự phát triển bền vững mới được phân tích, nhìn nhận đúng mức. Thực trạng trên đặt ra vấn đề là: tới đây, liệu người trồng dừa lựa chọn liên kết hay vẫn tiếp tục đứng bên ngoài? Yêu cầu của sự phát triển bền vững buộc người trồng dừa phải quyết định lựa chọn sự liên kết chặt chẽ, nghiêm túc, sự đồng hành bền bỉ và phải thật sự có trách nhiệm cùng doanh nghiệp trên những chặng đường dài. Ngược lại, doanh nghiệp cũng phải nâng cao uy tín, niềm tin với người trồng dừa để cả hai có đủ sức vượt qua mọi khó khăn, thách thức và cùng nhau phát triển một cách bền vững hơn.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh ngành dừa tỉnh nói riêng và cả nước nói chung, câu chuyện liên kết của ngành dừa phải được mở ra theo định hướng liên kết vùng, xa hơn nữa là liên kết các nước trong khu vực.
Về quan điểm phát triển ngành dừa bền vững, "hai trụ cột" quyết định sự sống còn của ngành dừa là nhà doanh nghiệp và nông dân. Cùng với đó, tỉnh cũng xác định có "ba nội dung" lớn và mang tính cốt lõi cần phải được nhận thức rõ và thực hiện tốt là: liên kết chuỗi, chế biến sâu và sản xuất sạch. Đây cũng là nội dung chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo tại buổi làm việc với Hiệp hội Dừa Bến Tre cùng các sở, ngành liên quan về định hướng phát triển ngành dừa bền vững vào dịp đầu năm 2019. |
Cẩm Trúc