Giải quyết tranh chấp rào chắn lối đi

08/11/2020 - 21:08

BDK - Hiện nay, việc tranh chấp ranh đất hoặc lối đi ở nông thôn diễn ra khá nhiều. Đa số các vụ việc xảy ra đều phức tạp, hòa giải ở cơ sở không thành và hồ sơ được chuyển đến tòa án. Tuy nhiên, trong thời gian chờ cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết, các bên tranh chấp đã tự ý rào chắn lối đi, gây mất an ninh trật tự địa phương, khiến cho vụ việc trở nên phức tạp hơn và dẫn đến những hậu quả pháp lý khác.

Đoạn đường Tổ 17, 18 ấp Phú Tân, xã Châu Hòa bị rào chắn chỉ còn khoảng 1m.  

Rào đường đi chung

Nhiều người dân ở ấp Phú Tân, xã Châu Hòa, huyện Giồng Trôm phản ánh đường đi chung đã bị bà T rào chắn gây khó khăn cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa. Người dân đã yêu cầu chính quyền địa phương giải quyết nhưng chưa được.

Đường đi bị rào chắn này được bắt đầu từ lộ chính xã Châu Hòa đi vào nhà của hơn 20 hộ dân thuộc 2 Tổ nhân dân tự quản số 17 và 18 (ấp Phú Tân). Đoạn đường này có chiều dài khoảng 30m, ngang khoảng 1,5m, nằm trên đất của bà T và ông P, là 2 hộ dân có đất liền kề nhau (cả 2 hộ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất).

Chủ tịch UBND xã Châu Hòa Lê Duy Khanh cho hay: Năm 2004, xã vận động ông B (chồng bà T) và ông P mỗi người 0,8m đất chiều ngang (0,8m x 2 = 1,6m), dài khoảng 30m để làm lối đi vào điểm Trường Tiểu học Châu Hòa (khung ấp Phú Tân). Hiện nay, điểm trường này không còn hoạt động nữa (do học sinh đã về điểm trường chính). Tuy nhiên, nhiều hộ dân vẫn đi lại trên đường này và bơm cát để tránh bị lầy lội.

Năm 2019, ông B qua đời và được chôn cất ở một góc gần đường đi. Với lý do sợ động đến phần mộ của người chết, bà T và các con của ông B không cho xe 3, 4 bánh ra vào đường này nữa. Ngày 4-10-2020, người dân đã đổ đá trên đoạn đường để tránh bị sình lầy nhưng không hỏi ý kiến của chủ đất. Bà T và ông P đã đề nghị UBND xã Châu Hòa làm việc với các hộ dân, yêu cầu phải di dời đá để trả lại hiện trạng ban đầu; nếu không thực hiện, gia đình bà T sẽ thuê nhân công cào đá và xẻ đường mương cặp theo đường, chỉ chừa lối đi khoảng 1m.

Ngày 29-10-2020, UBND xã Châu Hòa cùng với các ban ngành, đoàn thể xã đã họp dân, tuyên truyền, giải thích nhưng không đạt kết quả. Các hộ dân đã không đồng ý và cho rằng đường đi đã có từ lâu năm nên họ có quyền tiếp tục sử dụng. Sau đó, gia đình bà T đã thuê nhân công cào đá, đổ trụ bê-tông ở đầu đường và đào đường mương cặp theo đoạn đường.

Chủ tịch UBND xã Châu Hòa Lê Duy Khanh cho biết: “UBND xã Châu Hòa sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành, đoàn thể xã vận động các bên thỏa thuận để tạo điều kiện cho người dân có lối đi. Nếu được, xã sẽ vận động đóng góp làm bê-tông cho tuyến đường này được thông thoáng, sạch đẹp”. 

Rào lối đi vào nhà

Chi cục Thi hành ánh dân sự (THADS) huyện Chợ Lách đang tiến hành thụ lý giải quyết vụ cưỡng chế thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT) của Tòa án nhân dân (TAND) huyện Chợ Lách về việc “Cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định” đối với ông O và bà L. Theo đó, Tòa buộc ông O và bà L phải tháo dỡ và bứng (nhổ) toàn bộ trụ sắt cùng hàng rào lưới B40 (xung quanh lưới có khung sắt) ra khỏi phần lối đi vào nhà nghỉ Bình An, tại ấp Vĩnh Chính, xã Vĩnh Thành (Chợ Lách) do bà P đứng tên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.  

Lối vào nhà của bà P bị rào bằng lưới B40 và trụ sắt, vẫn chưa thể cưỡng chế buộc tháo dỡ để thi hành quyết định áp dụng BPKCTT của Tòa án. Ảnh: PV

Ông O và bà P là anh em ruột, giữa 2 người có xảy ra tranh chấp. Ngày 28-7-2020, ông O đã thuê người dùng trụ sắt, lưới B40 rào chắn đường đi vào nhà bà P (chỉ chừa chỗ cho một người lách mình đi bộ vào). Bà P đã gửi đơn khởi kiện và yêu cầu TAND huyện Chợ Lách ra quyết định áp dụng BPKCTT. Ngày 17-9-2020, TAND huyện Chợ lách đã ra Quyết định số 01/2020 áp dụng BPKCTT đối với ông O.

Trong lúc Chi cục THADS tiến hành các thủ tục cần thiết để cưỡng chế thi hành quyết định thì ông O khiếu nại. Ngày 22-9-2020, Chánh án TAND huyện Chợ Lách đã ban hành Quyết định số 420/2020, cho rằng việc áp dụng BPKCTT “Cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định” đối với ông O là đúng theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Tòa giữ nguyên Quyết định số 01 ngày 17-9-2020 và quyết định giải quyết khiếu nại này là quyết định cuối cùng.

Ông O tiếp tục khiếu nại đến TAND tỉnh. Ngày 29-9-2020, TAND tỉnh đã ban hành văn bản trả lời đối với ông O, cho rằng Quyết định số 420 của Chánh án TAND huyện Chợ Lách là quyết định giải quyết cuối cùng, TAND tỉnh không có thẩm quyền để giải quyết khiếu nại lần hai theo yêu cầu của ông.

Đến nay, đã hơn một tháng, kể từ ngày TAND huyện Chợ Lách ban hành Quyết định số 01/2020 áp dụng BPKCTT đối với ông O (ngày 17-9-2020) nhưng cơ quan THADS huyện vẫn chưa tiến hành cưỡng chế thi hành quyết định được. Chi cục THADS huyện không giải thích lý do vì sao chậm thực hiện cưỡng chế mà thủ trưởng đơn vị này chỉ cho biết: Chấp hành viên đã thực hiện xong các thủ tục tiến hành cưỡng chế. Chi cục đang thống nhất với các ngành để chọn ngày cưỡng chế.

Chánh án TAND huyện Chợ Lách Nguyễn Chí Đức cho biết: “Vụ tranh chấp về “yêu cầu mở lối đi qua bất động sản liền kề” giữa bà P với ông O đã được TAND huyện thụ lý giải quyết đúng theo trình tự, thủ tục tố tụng. Hiện nay, cơ quan Tòa án chưa nhận được thông tin hay văn bản gì về việc Chi cục THADS huyện đã tổ chức thi hành quyết định áp dụng BPKCTT xong chưa, hoặc có khó khăn, trở ngại gì trong việc tổ chức thi hành quyết định”.

Hiện tại, người dân địa phương rất mong cơ quan chức năng cần có biện pháp tích cực buộc người bị áp dụng BPKCTT phải chấp hành quyết định của Tòa án, để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và quyền lợi chính đáng của công dân.

H.Đức

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

  • kupum Cách đây 24 năm

    trả lời phải có thời hạn cụ thể, chứ trả lời xuông như vậy bó tay