Giải quyết ô nhiễm môi trường do sản xuất than

07/04/2021 - 06:57

BDK - Là điểm nóng của tỉnh về vấn đề môi trường do sản xuất than thiêu kết, huyện Giồng Trôm đã và đang nỗ lực cải thiện tình trạng này. Mục tiêu của huyện đến hết năm 2021, buộc phải chấm dứt hoạt động nếu cơ sở không thực hiện đúng, đầy đủ các quy định pháp luật về đất đai và bảo vệ môi trường.

Hoạt động sản xuất than tại xã Thạnh Phú Đông (Giồng Trôm).

Chưa có mô hình thay thế

Huyện Giồng Trôm có 44 cơ sở sản xuất than thiêu kết với 2 - 4 lò đốt/cơ sở. Công suất hoạt động bình quân khoảng 2,5 - 3,5 tấn than/lò/7 ngày đốt. Hoạt động sản xuất tập trung tại các xã Hưng Phong, Thạnh Phú Đông, Phước Long, Lương Hòa, Lương Phú, Phong Nẫm. Trong đó, tại xã Thạnh Phú Đông, nhiều năm nay, khói bụi từ hoạt động sản xuất than là vấn đề bức xúc nhất của những người dân sống xung quanh cơ sở sản xuất. Nhiều nhà dân luôn phải đóng cửa cả ngày để tránh bụi, thậm chí rất nhiều người dân sống gần các lò than có triệu chứng ho, khó thở, khi đi bệnh viện khám đều được chẩn đoán viêm phổi.

 Trước thực trạng đó, huyện đã rất nỗ lực để tìm kiếm mô hình sản xuất mới thay thế. Năm 2007, huyện phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ đầu tư và triển khai thí điểm mô hình xử lý khói thải phát sinh trong hoạt động sản xuất than thiêu kết tại xã Lương Phú. Năm 2011, Hợp phần PCDA tài trợ đầu tư cho 21 công trình xử lý cho 21 hộ sản xuất tại xã Phong Nẫm. Cả 2 mô hình đều ứng dụng phương pháp hấp thụ thành phần Cacbon trong khói thải bằng nước vôi để tạo chất kết tủa.

 Năm 2020, Công ty TNHH Thiên Hương ở Bình Định đến đầu tư một hệ thống xử lý khói than thiêu kết tại các cơ sở của ông Lê Văn Hòa, xã Thạnh Phú Đông. Cũng trong năm 2020, cơ sở ông Trần Tuấn Anh và Trần Trường Vũ Cường, tại Phong Nẫm thực hiện mô hình cải tiến hệ thống xử lý khói than thiêu kết.

Tuy nhiên, các mô hình xử lý khói thải đang áp dụng hiệu quả chưa cao, việc xử lý khói thải từ hoạt động của các cơ sở còn hạn chế. Qua quá trình phân tích mẫu, kết quả khói thải đều vượt quy chuẩn môi trường. Hiện nay, toàn huyện có 33/44 cơ sở đăng ký hồ sơ môi trường và được thông báo chấp nhận. Số còn lại đã đăng ký hồ sơ môi trường nhưng chưa được chấp nhận vì chưa hoàn thiện các công trình bảo vệ môi trường như hồ sơ đăng ký.

Nỗ lực khắc phục

Ngày 28-12-2018, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 6215 về việc giải quyết ô nhiễm do hoạt động sản xuất than thiêu kết. Trong đó, yêu cầu đến hết năm 2021, buộc phải chấm dứt, không còn các cơ sở sản xuất than thiêu kết không đáp ứng các điều kiện về sử dụng đất, giấy xác nhận về môi trường và hoạt động phát thải khí gây ô nhiễm trên địa bàn các huyện, thành phố.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện Giồng Trôm đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát xử lý ô nhiễm môi trường. Từ năm 2018 đến nay, huyện đã kiểm tra thường xuyên các cơ sở sản xuất than thiêu kết trong huyện. Qua kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính 18 trường hợp. UBND huyện và UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt, với tổng số tiền trên 2,1 tỷ đồng. Riêng tại xã Thạnh Phú Đông, có 9 trường hợp bị xử phạt, tổng tiền phạt gần 1,9 tỷ đồng với hành vi thải khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải.

Ngoài ra, hoạt động bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất than thiêu kết cũng được giám sát thường xuyên thông qua hoạt động của mô hình cộng đồng giám sát môi trường, thông báo số điện thoại thường trực của công an xã, UBND xã, ngành huyện để tiếp nhận phản ánh trực tiếp của người dân.

 Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Giồng Trôm Võ Thị Kiều Chinh cho biết: Qua kiểm tra, đa số các cơ sở có đầu tư xây dựng hệ thống xử lý khói thải từ quá trình hoạt động của lò đốt. Tuy nhiên, các hệ thống đều hỏng hoặc vận hành để đối phó với các đoàn kiểm tra nên việc thu gom, xử lý khói thải chưa triệt để. Trong quá trình đốt than, các cơ sở thường xuyên mở các miệng lò. Từ đó, khói thải thoát ra nhiều. Hiện nay, để buộc các cơ sở không đủ điều kiện bảo vệ môi trường chấm dứt hoạt động là chưa đủ cơ sở pháp lý. Dù vậy, huyện nỗ lực đến cuối năm 2021 giải quyết dứt điểm ô nhiễm môi trường.

Trước mắt, huyện tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền và phát huy hơn nữa vai trò giám sát cộng đồng đối với hoạt động của các cơ sở sản xuất than thiêu kết nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí. Đồng thời, huyện tiếp tục thực hiện kế hoạch kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đối với hoạt động sản xuất than thiêu kết theo quy định. Quản lý chặt chẽ không để phát sinh mới các cơ sở sản xuất không đảm bảo quy định đăng ký về bảo vệ môi trường, đất đai.

Đối với các cơ sở đang hiện hữu hoạt động, huyện yêu cầu đầu tư và cải tạo, sửa chữa, nâng cấp công trình xử lý môi trường đảm bảo đạt quy trình kỹ thuật môi trường hiện hành; không mở rộng quy mô khi công trình xử lý môi trường chưa đảm bảo chất thải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Ngoài ra, huyện kiến nghị ngành chuyên môn, UBND tỉnh có biện pháp quản lý, giải quyết phù hợp; tăng cường phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, các tổ chức, cá nhân để nghiên cứu và nhân rộng mô hình xử lý khói than thiêu kết đạt hiệu quả.

Theo Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định số 155 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, cơ sở không thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường được UBND huyện chấp nhận thì buộc phải xử lý hành chính và ngưng hoạt động trong thời hạn từ 6 - 9 tháng để thực hiện thủ tục này.

Đối với cơ sở không có hệ thống xử lý bụi và khí thải thì buộc phải ngưng hoạt động từ 3 - 6 tháng để thực hiện đầu tư hệ thống xử lý khí thải, bụi thải. Đối với cơ sở gây ô nhiễm nhiều lần (2 lần trở lên), lấy mẫu vượt tiêu chuẩn thì buộc phải ngưng hoạt động sản xuất để khắc phục. Trường hợp ngừng hoạt động trong vòng 9 tháng nếu cơ sở không khắc phục được buộc phải đình chỉ hoạt động để tiếp tục khắc phục. Do đó, các địa phương có đủ cơ sở pháp lý để buộc các cơ sở sản xuất than chấm dứt hoạt động khi không đảm bảo yêu cầu về môi trường theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 6215.

(Phó trưởng phòng Quản lý môi trường và Biến đổi khí hậu, Sở Tài nguyên và Môi trường
Võ Văn Ngoan)

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN