Giải pháp thực hiện Nghị quyết Tỉnh ủy những tháng cuối năm 2024
30/09/2024 - 20:37
BDK.VN - Trong phần thảo luận Tổ tại Hội lần thứ 18, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI vào ngày 30-9-2024, đại biểu đã tập trung bàn, đề xuất nhiều giải pháp trong thực hiện đạt chỉ tiêu Nghị quyết (NQ) Tỉnh ủy năm 2024, hướng đến thực hiện thành công NQ Đại hội Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020 -2025.
Đánh giá tình hình thực hiện NQ Tỉnh ủy những tháng đầu năm 2024, các đại biểu dự hội nghị thống nhất nhận định,việc triển khai thực hiện NQ Tỉnh ủy năm 2024 được các cấp ủy, các ngành, đơn vị, địa phương thực hiện với mục tiêu hướng đến hoàn thành các chỉ tiêu NQ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và NQ đại hội đảng các cấp.
Đến 18-9-2024, toàn tỉnh có 167/100 chi bộ ấp, khu phố được công nhận, đạt 167% chỉ tiêu NQ năm 2024 (lũy kế toàn tỉnh có 615/953 chi bộ ấp, khu phố được công nhận chi bộ trong sạch, vững mạnh toàn diện, chiếm 64,53% chi bộ ấp, khu phố; vượt chỉ tiêu NQ Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 (phấn đấu xây dựng 40% - 50% chi bộ ấp, khu phố). Kết nạp được 1.212/1.200 đảng viên, đạt 101% chỉ tiêu NQ Tỉnh ủy năm 2024; lũy kế số lượng kết nạp từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay là 5.290/(4.500-5.000), vượt chỉ tiêu NQ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Phát biểu của Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Văn Dũng. Ảnh: Trần Quốc
Theo Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Văn Dũng,trong các chỉ tiêu năm 2024 và của cả nhiệm kỳ thì có 2 chỉ tiêu về công tác xây dựng Đảng tỉnh đã đạt theo kế hoạch đề ra, đó là chỉ tiêu kết nạp đảng viên và xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh, toàn diện. Nhiệm vụ còn lại của Ban Tổ chức Tỉnh ủy phối hợp với các đảng bộ tăng cường thêm để đạt tốt hơn. Tuy các đơn vị địa phương trong thực hiện nội dung kết nạp đảng đã đạt chỉ tiêu theo NQ nhưng cần quan tâm nâng cao chất lượng đảng viên, trong đó, cần lưu ý công tác giáo dục chính trị tư tưởng… Riêng nội dung xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh, toàn diện đến nay đã đạt khá cao. Tuy nhiên, chất lượng sinh hoạt chi bộ cũng còn nhiều vấn đề cần quan tâm, cần tập trung nâng cao chất lượng sinh hoạt theo định hướng của tỉnh.
Theo Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Trúc Hạnh, kết quả thực hiện Kế hoạch số 330/KH-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về cao điểm thi đua “Đồng khởi mới”, giai đoạn đầu triển khai tiến độ còn chậm. Tuy nhiên, với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp, các ngành, các đơn vị, địa phương tập trung khẩn trương rà soát các nhiệm vụ, giải pháp, hoàn chỉnh kế hoạch triển khai quán triệt, tổ chức thực hiện cao điểm thi đua “Đồng khởi mới”, trong hai năm 2024 - 2025.
Lãnh đạo, chỉ đạo đăng ký thực hiện cao điểm thi đua trong nội bộ từng ngành, từng đơn vị, địa phương. Nhìn chung, đến nay 36 sở, ban, ngành tỉnh và 13/13 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy đều có đăng ký đầu việc triển khai cao điểm thi đua năm 2024 - 2025. Các cấp ủy, các tổ chức, cá nhân tập trung triển khai thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công và thường xuyên đôn đốc, kiểm tra công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện ở cơ sở.
Công tác tuyên truyền phát động thi đua được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức phù hợp. Việc xây dựng điển hình được phát động rộng rãi trong hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân. Qua gần 9 tháng triển khai thực hiện cao điểm thi đua đã góp phần thực hiện thắng lợi chỉ tiêu NQ Tỉnh ủy năm 2024.
“Nổi bật là các chỉ tiêu trên lĩnh vực xây dựng Đảng, đến thời điểm hiện nay đã đạt vượt chỉ tiêu NQ năm 2024. Một số chỉ tiêu trên lĩnh vực kinh tế - xã hội đạt từ 50 đến 90%. Nhìn chung kết quả có sự chuyển biến tích cực, trong đó có 12 đầu việc trên lĩnh vực kinh tế được Tỉnh ủy đăng ký, trong đó có các công trình giao thông thủy lợi được đẩy nhanh tiến độ so với trước khi phát động cao điểm thi đua” - Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Trúc Hạnh nhấn mạnh.
Việc triển khai Sổ tay đảng viên điện tử đã có 17.310/17.851 đảng viên cài đặt, đăng nhập ứng dụng, đạt tỷ lệ là 96,9% ở 3 Đảng bộ gồm: Đảng bộ Khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh, Đảng bộ TP. Bến Tre, Đảng bộ huyện Bình Đại; có 145.000 người cán bộ, đảng viên đã truy cập phần mềm.
Trong sinh hoạt chi bộ định kỳ tháng 9-2024, có 331/841 đơn vị đã tổ chức sinh hoạt chi bộ trên phần mềm. Có 331 đơn vị hoàn thành đánh giá sinh hoạt chi bộ. Nhìn chung, việc triển khai thí điểm ứng dụng phần mềm Sổ tay đảng viên điện tử ở 3 đảng bộ, được đảng viên tích cực thực hiện.
Cấp ủy, cán bộ, đảng viên từng bước thay đổi nhận thức, thói quen về ứng dụng chuyển đổi số trong công tác xây dựng Đảng. Qua đó đa dạng hóa hình thức thông tin, tuyên truyền, cung cấp kịp thời thông tin đến đảng viên, tiết kiệm thời gian, góp phần thực hiện chuyển đổi số trên lĩnh vực xây dựng Đảng.
Tuy nhiên, qua quá trình triển khai thí điểm ứng dụng Phần mềm Sổ tay đảng viên điện tử còn những hạn chế nhất định, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề nghị 3 Đảng bộ khắc phục hạn chế, khó khăn. Viettel Bến Tre phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cùng với các đơn vị thí điểm, quản lý, vận hành sử dụng phần mềm Sổ tay đảng viên điện tử đảm bảo, đồng bộ, hiệu quả hơn.
Công tác chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp được tập trung
Phát biểu của Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Trúc Hạnh tại Tổ. Ảnh: P. Tuyết
Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Trúc Hạnh cho biết, thực hiện chương trình làm việc của Tiểu ban Văn kiện, ý kiến chỉ đạo của Quyền Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng tiểu Ban Văn kiện tại phiên họp lần thứ nhất, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thường trực Tổ Biên tập Văn kiện cùng các thành viên Tổ biên tập xây dựng dự thảo Đề cương Báo cáo chính trị, thảo luận nhiều lần và thông qua tại phiên họp lần thứ hai Tiểu ban Văn kiện.
Tiểu ban Văn kiện bổ sung hoàn chỉnh trình xin ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trên cơ sở tiếp thu, bổ sung ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tiểu ban Văn kiện đã tham mưu cho Ban Thường vụ hoàn chỉnh dự thảo Đề cương Báo cáo chính trị trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tại Hội nghị lần thứ 18.
Đề cương Báo cáo chính trị được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu Chỉ thị số 35-CT/TW, của Bộ Chính trị, các văn bản của Trung ương, các bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm, căn cứ mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Văn kiện Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, Quyết định 1399/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đại hội đảng bộ 3 cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030; Quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc ban hành một số văn bản của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, dựa trên báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện NQ Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ 2020 - 2025, các báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện các văn bản cụ thể hóa NQ Đại hội XI Đảng bộ tỉnh.
Đề cương báo cáo chính trị trình hội nghị Tỉnh ủy là sự phát thảo về bố cục, kết cấu, phương án, chủ đề đại hội, vừa đảm bảo định hướng của Trung ương có tính chỉ đạo tư tưởng và hành động của toàn Đảng bộ, toàn dân thể hiện rõ mục tiêu động lực tầm nhìn và khát vọng phát triển đồng thời khẳng định rõ quyết tâm của toàn Đảng bộ, toàn dân trong nhiệm kỳ mới.
Phương châm đại hội thể hiện tính thống nhất từ trung ương đến cơ sở. Phần đánh giá kết quả thực hiện NQ Đại hội XI của Đảng bộ tỉnh, Tiểu ban Văn kiện tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá theo kết cấu dựa trên các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ trọng tâm đột phá và các công trình dự án trọng điểm mà NQ Đại hội XI Đảng bộ tỉnh đề ra, đồng thời dựa trên định hướng Dự thảo Báo cáo chính trị của Trung ương.
Về bài học kinh nghiệm có kế thừa bài học kinh nghiệm của nhiệm kỳ trước cùng với thực tiễn nhiệm kỳ 2020 - 2025. Về mục tiêu tổng quát, trên cơ sở chủ đề của đại hội, cụ thể hóa thành mục tiêu tổng quát toàn diện trên các lĩnh vực để tập trung thực hiện. Về chỉ tiêu cụ thể vừa đảm bảo tính quy hoạch, tính vừa phải về nguồn lực và khả năng thực hiện. Với hệ thống nhiệm vụ bám sát các lĩnh vực về kinh tế - văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại xây dựng Đảng, hệ thống chính trị. Nhiệm vụ đột phá căn cứ vào các đột phá chiến lược của Trung ương.
Đối với các công trình, dự án, rà soát các công trình, dự án trọng điểm của nhiệm kỳ 2020 - 2025 chưa hoàn thành sẽ tiếp tục đưa vào nhiệm vụ nhiệm kỳ 2025 - 2030, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và đề ra các dự án, công trình trọng điểm có tầm nhìn đến năm 2030.
Kinh tế có những điểm sáng đáng ghi nhận
Phát biểu của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Dương Văn Phúc tại Tổ. Ảnh: P. Tuyết
Theo đánh giá của đại biểu dự hội nghị, kinh tế của tỉnh duy trì được đà tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng GRDP ước tính trong 9 tháng đầu năm là 5,27%; trong đó, Khu vực công nghiệp - xây dựng (Khu vực II) tiếp tục là điểm sáng với tăng trưởng ước tính đạt 10,55%. Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Dương Văn Phúc trong 9 tháng qua, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh có những điểm sáng. Nổi bậc nhất là kết quả xây dựng nông thôn mới (NTM). Trong 9 tháng đầu năm, có 16/17 xã đạt chuẩn NTM, 13/14 xã NTM nâng cao, 10/5 xã NTM kiểu mẫu; lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 112/139 xã đạt chuẩn NTM, đạt 80,58%. Huyện Chợ Lách đạt chuẩn NTM và TP. Bến Tre hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Hồ sơ đề nghị xét, công nhận huyện Mỏ Cày Nam đạt chuẩn NTM đang được Trung ương thẩm định.
Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 9 tháng đầu năm đạt 82,48% dự toán Trung ương giao và 81,36% dự toán địa phương phấn đấu, tăng 18,37% so cùng kỳ.
Hoạt động du lịch phát triển tốt, công tác quản lý nhà nước về du lịch được tăng cường. Trong 9 tháng đầu năm, tổng lượt khách du lịch là 1.973.165 lượt, tăng 15,1% so với cùng kỳ, (trong đó khách quốc tế 404.589 lượt); doanh thu ước đạt 2.470 tỷ đồng, tăng 15% so cùng kỳ.
Phát biểu của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Trung. Ảnh: Trần Quốc
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Trung, số lượng khách du lịch trên địa bàn tỉnh trong 5 năm qua đã tăng gần 100% so với nhiệm kỳ trước. Những kết quả đạt được là do chủ trương đúng đắn về phát triển du lịch của Trung ương và các chủ trương, đề án, chương trình hỗ trợ phát triển du lịch của tỉnh, doanh nghiệp, người dân được nâng cao nhận thức về cách làm du lịch, có sự quan tâm đầu tư khai thác du lịch phù hợp.
Theo Bí thư Huyện ủy Thạnh Phú Châu Văn Bình, đối với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh 9 tháng đầu năm 2024, những kết quả cho thấy sự nỗ lực rất lớn của Tỉnh ủy và UBND tỉnh trong điều hành thực hiện NQ của Tỉnh ủy và NQ HĐND tỉnh.
Bí thư Huyện ủy Thạnh Phú Châu Văn Bình tại Tổ: Ảnh: Ánh Nguyệt
Đối với Thạnh Phú, kinh tế chủ lực là kinh tế thủy sản, giá cả lợi nhuận năm nay có tăng lên đôi chút so với năm trước nhưng cũng chưa cao so với mặt bằng đầu tư trong nuôi trồng thủy sản (con giống, thức ăn, thú y và các chi phí liên quan). Xuất khẩu lao động cũng vượt chỉ tiêu NQ. Tuy nhiên, lĩnh vực công nghiệp cũng còn chậm phát triển. Nguồn lực đầu tư trong doanh nghiệp và người dân chưa nhiều, qua đó khó đạt được theo chỉ tiêu NQ năm 2024 và NQ Đại hội về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế và thu nhập bình quân đầu người.
Còn theo Bí thư Huyện ủy Giồng TrômNguyễn Thái Bình thống nhất cao với dự thảo báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh 9 tháng đầu năm 2024. Đối với huyện Giồng Trôm, đến nay, các chỉ tiêu, NQ của năm 2024 cơ bản đạt theo tiến độ; đánh giá các chỉ tiêu NQ nhiệm kỳ của huyện cũng cơ bản đạt và vượt (đạt 24 chỉ tiêu, vượt 13, có 4 chỉ tiêu đánh giá khó đạt như: xây dựng nghĩa trang nhân dân, kéo giảm tỷ lệ đảng viên vi phạm…). Việc giải ngân vốn đầu tư công của huyện còn thấp. Huyện cũng đề nghị các ngành tỉnh hỗ trợ huyện sớm trình phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch đô thị xã Mỹ Thạnh và quy hoạch vùng để phù hợp với quy hoạch chung.
Bí thư Huyện ủy Châu Thành Phan Song Toàn tại Tổ. Ảnh: Ánh Nguyệt
Bí thư Huyện ủy Châu Thành Phan Song Toàn thống nhất cao với dự thảo báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh 9 tháng năm 2024. Riêng với huyện Châu Thành, hiện cũng đã có hơn 50% các chỉ tiêu Nghị quyết đạt và vượt, trong đó, có các chỉ tiêu đạt cao như: thu ngân sách; huy động nguồn lực xã hội; tỷ lệ phát triển đảng viên; xây dựng chi bộ đạt trong sạch, vững mạnh toàn diện; các sản phẩm OCOP cũng như các mô hình liên kết sản xuất trong nông nghiệp cũng khá tốt… Đối với các chỉ tiêu của nhiệm kỳ, hầu hết các chỉ tiêu đã đạt và vượt, còn lại 6 chỉ tiêu đạt trên 90%, 2 chỉ tiêu đạt trên 70%.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh. Ảnh: Hữu Hiệp
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh cho rằng, trên lĩnh vực nông nghiệp, tình hình sâu đầu đen gây hại diễn biến phức tạp trên 895ha, nhất là trong giai đoạn nắng nóng, trong đó 21,74% diện tích bị nhiễm nặng, chủ yếu ở huyện Mỏ Cày Nam. Tỉnh đã triển khai 9 điểm nhân nuôi ong ký sinh ở các huyện, thành phố. Tuy nhiên người dân cũng chưa thực hiện đúng kỹ thuật, làm giảm hiệu quả ong ký sinh, ngành sẽ tiếp tục rà soát để hỗ trợ thực hiện các biện pháp phòng chống, hướng dẫn người dân quy trình xử lý sâu bệnh.
Việc phòng chống khai thác IUU, tập trung thực hiện tàu “3 không”, đã kiểm tra toàn tỉnh có 986/1.038 tàu, đăng ký 60% số tàu đã kiểm tra. Qua đó đề nghị các địa phương quan tâm vận động các chủ tàu chưa kiểm tra nhanh chóng đăng ký trực tuyến. Việc khắc phục các hạn chế do đoàn kiểm tra EC chỉ ra về việc ghi nhật ký khai thác, kết nối hành trình đã có sự cải thiện so với trước đây, cần tiếp tục thực hiện tốt.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh tại Tổ. Ảnh: Ánh Nguyệt
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh, bên cạnh công tác phòng chống hạn mặn, cũng cần quan tâm đến việc phòng chống bão, nhất là những tháng cuối năm. Chỉ tiêu năm 2024 là các huyện Thạnh Phú, Mỏ Cày Bắc, Châu Thành, Giồng Trôm cơ bản đạt các chỉ tiêu về xây dựng NTM, Chợ Lách cơ bản đạt NTM nâng cao. Để được công nhận trong năm 2025, các đơn vị cần quan tâm nhiều hơn trong thực hiện các tiêu chí: Môi trường, an ninh trật tự, hệ thống chính trị… Trong đó, địa phương phải tăng cường sự chủ động trong xây dựng và giữ được các kết quả để đủ điều kiện được công nhận vào năm 2025.
Chỉ tiêu còn gặp khó trong 9 tháng đầu năm của tỉnh là thu hút đầu tư, đây là chỉ tiêu quan trọng vì liên quan đến tăng trưởng kinh tế. Hiện đang áp dụng Luật Đất đai mới nên các ngành cũng thận trọng, vì thế tiến độ thực hiện các hồ sơ cũng rất chậm, cần tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành để tạo điều kiện thuận lợi nhanh nhất cho các nhà đầu tư tiếp cận, triển khai.
Phát biểu của Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam. Ảnh: Hữu Hiệp
Thay mặt Ban Cán sự đảng UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam đánh giá chung những điểm sáng nổi bật trong tình hình phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2024. Trong đó có nhiều chỉ tiêu tăng trưởng đáng mừng, nổi bật như công tác phòng chống hạn mặn, thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công đạt tốt, xuất khẩu tăng cao so với năm trước. Công trình thi công cầu Rạch Miễu, Khu công nghiệp Phú Thuận được thực hiện theo đúng tiến độ.
Du lịch có sự phục hồi và phát triển tốt. Nông thôn mới đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, tiến độ các công trình, dự án trọng điểm có nhiều cải thiện về tiến độ thực hiện.
Trong quý IV-2024, Ban Cán sự đảng sẽ có kế hoạch cụ thể các kế hoạch đặt ra, tập trung cao cho tăng trưởng kinh tế năm 2024 đạt được kết quả cao nhất, thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công, xuất khẩu phấn đấu đạt chỉ tiêu đề ra năm 2024.
Trong đó, tập trung cho các đầu việc quan trọng từ nay đến cuối năm 2024 và sang đầu năm 2025. Thực hiện tốt hội nghị xúc tiến đầu tư với các sự kiện trọng điểm. Hoàn chỉnh xây dựng hạ tầng cơ bản Khu công nghiệp Phú Thuận để xúc tiến kêu gọi đầu tư. Tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thực hiện các phần việc liên quan xây dựng nhà máy xử lý rác của tỉnh. Tập trung công tác giải phóng mặt bằng để giải ngân vốn đầu tư công trong xây dựng các công trình quan trọng tại các địa phương. Cần làm nhanh dự án lấn biển để đăng ký xin báo cáo chủ trương với Bộ Chính trị.
Về tình hình sâu đầu đen gây hại, ngoài giải pháp công nghệ thả ong ký sinh, cần vận động người dân áp dụng thêm giải pháp thủ công, mạnh dạn cưa bỏ các cây bị nặng để tiêu hủy nguồn bệnh, tránh lây lan cho vườn dừa của tỉnh. Nỗ lực trong công tác chống khai thác IUU, góp phần cùng Chính phủ và cả nước tháo gỡ thẻ vàng EC.
Tiến hành đấu giá 3 mỏ cát mới để khai thác phục vụ cho các công trình quan trọng. Phấn đấu khởi công bệnh viện ODA, công nhận huyện NTM Mỏ Cày Nam, huyện NTM nâng cao Chợ Lách. Các huyện Giồng Trôm, Ba Tri chủ động xây dựng đề án huyện NTM để tiến tới tỉnh được công nhận tỉnh NTM trong nhiệm kỳ tới.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng kiên quyết trong thực hiện thu hồi đất quốc phòng đúng quy định. Đảm bảo an ninh quốc phòng, kéo giảm 3 mặt về an toàn giao thông. Có kế hoạch phòng chống hạn mặn 2024-2025.
Chú trọng cho đề án sáp nhập đơn vị hành chính
Đại biểu chủ trì thảo luận tại Tổ số 2. Ảnh: Ánh Nguyệt
Đối với dự thảo Đề án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Bến Tre đến năm 2030, mở rộng TP. Bến Tre theo hướng nhập toàn bộ huyện Châu Thành vào TP. Bến Tre nhằm tạo không gian phát triển cho thành phố, hướng đến mục tiêu xây dựng TP. Bến Tre đạt chuẩn đô thị loại I đến năm 2030. Đồng thời cũng có ý kiến về việc cần quan tâm thêm đến những tác động của đời sống người dân khi thực hiện sáp nhập.
Bí thư Huyện ủy Châu Thành Phan Song Toàn cho rằng, ở nội dung xác nhập đơn vị hành chính, huyện thống nhất cao với chủ trương chung của tỉnh. Đối với đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, Châu Thành đã tiến hành sáp nhập 8 xã (còn 3 xã). Hiện huyện đang khẩn trương trong các bước và làm việc với các địa phương để thống nhất phương án cụ thể cho việc sắp xếp sắp tới, để khi có NQ, huyện sẽ bắt tay triển khai ngay.
Trong đó, tập trung cho sắp xếp nhân sự, cơ sở vật chất cho các xã mới, sát nhập một số các chi bộ của các ngành, các cơ quan… Tuy nhiên, cũng còn một số điểm khó, trong đó, huyện không chủ động được thời gian sáp nhập. Cần xem xét triển khai việc sáp nhập sau đại hội cấp cơ sở thì sẽ thuận lợi hơn.
Đại biểu chủ trì thảo luận tại Tổ 3. Ảnh: Trần Quốc
Đối với vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam cho rằng, việc sáp nhập TP. Bến Tre và huyện Châu Thành là định hướng để tập trung phát triển thành một thành phố có đủ điều kiện diện tích, dân số, cơ cấu kinh tế để phát triển thành đô thị loại I và tầm nhìn để TP. Bến Tre trở thành bộ phận cùng TP. Mỹ Tho của Tiền Giang phát triển thành khu vực thành phố đô thị trung tâm sông Tiền, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của toàn tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng mạnh dạn trong việc căn cứ vào những đặc thù riêng về văn hóa, lịch sử để không sáp nhập Bến Tre vào tỉnh khác.
An ninh trật tự được giữ vững
Nhận định về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh những tháng đầu năm, Phó giám đốc Công an tỉnh Lê Văn Hòa cho rằng, trong 9 tháng qua, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh tiếp tục được giữ vững ổn định, không xảy ra đột biến, bất ngờ.
Phát biểu tại Tổ của Phó giám đốc Công an tỉnh Lê Văn Hòa. Ảnh: P. Tuyết.
Công an tỉnh chủ động nắm chắc tình hình từ sớm, từ xa, sát cơ sở, chủ động tham mưu, giải quyết kịp thời có hiệu quả các vụ việc phức tạp về tình hình an ninh trật tự, đấu tranh với các hoạt động chống phá của các hội nhóm, giải quyết ổn định các vụ việc liên quan đến khiếu kiện qua đó khám phá, triệt xoá các điểm, tụ điểm tệ nạn xã hội tại các địa phương.
Giải pháp thời gian tới, Phó giám đốc Công an tỉnh đề xuất, các sở, ban ngành, các địa phương quan tâm tích cực chỉ đạo ổn định tình hình an ninh trật tự ở cơ sở liên quan đến khiếu kiện, các điểm nóng kịp thời ngay tại cơ sở. Công an sẽ tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND chỉ đạo giải quyết tình hình an ninh trật tự nhất là chuẩn bị cho nhân sự đại hội đảng các cấp trong thời gian tới, việc xây dựng các công trình, dự án có thu hồi đất.
Tập trung nắm chắc, dự báo sát đúng với tình hình, chủ động triển khai các giải pháp đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, nhất là tình an ninh mạng và phòng, chống khủng bố, tranh chấp khiếu kiện, an ninh bảo vệ chính trị nội bộ. Chủ động nhận diện và tổ chức các giải pháp đấu tranh với tội phạm vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội trên địa bàn, trong đó tập trung đấu tranh hoạt động tội phạm trên không gian mạng.
Tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng quản lý nhà nước trên lĩnh vực an ninh trật tự, nhất là bảo đảm bảo trật tự an toàn giao thông, quyết liệt, quyết tâm triển khai kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao những tháng cuối năm 2024.
Về hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, đã triển khai rà soát, củng cố kiện toàn tổ chức cho 953/953 Tổ với 2.886 thành viên. Mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ. Quan tâm hướng dẫn chỉ đạo phát huy kết quả hoạt động của lực lượng trong việc tham gia phối hợp với lực lượng công an bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.
Từ 1-7-2024 đến nay, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở đã kết hợp với công an xã tuần tra đảm bảo an ninh trật tự trên 6.000 cuộc, giải tán trên 3.000 lực lượng thanh thiếu niên tụ tập về đêm, làm việc trên 500 trường hợp, ngoài ra đã phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên 450 cuộc với trên 9.500 người tham dự. Qua đó đã góp phần tích cực cho lực lượng công an xã đảm bảo an ninh trật tự ngay tại cơ sở.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Phó giám đốc Công an tỉnh, bước đầu hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở còn những khó khăn, vướng mắc. Theo đó, Phó giám đốc Công an tỉnh đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành quan tâm giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Lực lượng công an tiếp tục theo dõi hướng dẫn về nghiệp vụ, trang bị công cụ cần thiết theo quy định để lực lượng bảo vệ an cơ sở hoạt động hiệu quả hơn.