BDK.VN - Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia và tính toán của các cơ quan khoa học thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm 2024 - 2025 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như mùa khô năm 2019 - 2020.Tuy nhiên, có nguy cơ tiếp tục xảy ra xâm nhập mặn gia tăng đột biến như các ngày 24 đến 30-12-2024.
Căn cứ tình hình thực tế để quyết định thu hoạch tôm nuôi.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Huỳnh Văn Cung cho rằng, các tổ chức và cá nhân cần tăng cường áp dụng đồng bộ các giải pháp, trong đó có ứng dụng khoa học kỹ thuật để ứng phó xâm nhập mặn trong nuôi trồng thủy sản.
Đối với hình thức nuôi quảng canh, tôm rừng, tôm - lúa thời gian này độ mặn tại các cửa sông của tỉnh đang tăng. Do đó, các ao nuôi tranh thủ cải tạo, xử lý rải vôi, lấy nước vào ao qua túi lọc và diệt tạp bằng Samponin hoặc dây thuốc cá (Samponin sử dụng 15 - 20kg/1000m3, dây thuốc cá 2 - 3kg/1000m3). Sau khoảng 7 ngày, môi trường nước, các yếu tố môi trường đạt yêu cầu thì chọn giống đảm bảo chất lượng thả nuôi. Mật độ thả giống nuôi từ 2-3 con/m2, thu tỉa thả bù khoảng 2 tháng/lần, tốt nhất nên thả giống nuôi đã ương cỡ lớn từ 1.000 - 1.200 con/kg.
Các cơ sở nuôi tôm nước lợ, với hình thức thâm canh ao đất, tại các vùng ven biển của tỉnh những tháng cuối năm 2024 môi trường nước ngoài tự nhiên bị nhiễm bệnh nguy hiểm rất cao đặc biệt là bệnh đốm trắng. Thời gian này, tập trung sửa chữa, gia cố, cải tạo ao nuôi và lấy nước vào ao chứa, ao nuôi khi độ mặn đạt yêu cầu (10 - 20‰). Chờ đến khi thời tiết ổn định, các bệnh nguy hiểm không xuất hiện qua các đợt xét nghiệm từ Chi cục Thủy sản thì xử lý nước thả giống nuôi.
Trong quá trình nuôi luôn điều chỉnh các yếu tố môi trường nước ao nuôi trong khoản tối ưu như: độ kiềm nước từ 80-120 mg/l, pH:7.5-8.5, DO >4mg/l và các loại khí độc không tồn tại trong ao nuôi. Khi các ngày thời tiết thay đổi lớn như: trời âm u, mưa lớn,... người nuôi nên giảm hoặc tạm ngưng không cho tôm ăn, tập trung mở quạt nước, xử dụng các sản phẩm, nhằm ổn định môi trường nước chống sốc như: dùng C-Tạt, Yuca, các loại khoáng hoặc vôi theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật hoặc nhà sản xuất. Khi thời tiết trở lại bình thường, môi trường nước ổn định tiếp tục cho tôm ăn cần bổ sung các Vitamin, khoáng chất... để tăng sức đề kháng.
Các tổ chức và cá nhân nuôi nghêu, sò huyết và hàu định kỳ kiểm tra, vệ sinh bãi nuôi, san bằng mặt bãi, khai thông vùng nước ở các bãi nghêu, nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của sự chênh lệch nhiệt độ trong ngày làm nghêu, sò, hàu yếu và chết. Vào thời điểm nắng nóng, đối với các bãi nghêu, sò nằm ở vùng cao triều, thời gian phơi bãi hơn 4 giờ/ngày cần san thưa mật độ đến vùng thấp hơn, thu gom xác nghêu chết để hạn chế lây lan dịch bệnh. Thu tỉa khi nghêu đạt kích cỡ thu hoạch. Đối với nghêu nuôi chưa đạt kích cỡ thu hoạch tiến hành kiểm tra mật độ để có kế hoạch chủ động san thưa, đảm bảo mật độ nuôi từ 180-200 con/m2 đối với cỡ nghêu từ 400 - 600 con/kg, dưới 250 con/m2 đối với cỡ nghêu từ 500 - 800 con/kg, 250 - 350 con/m2 đối với cỡ nghêu từ 800 - 2000 con/kg. Hạn chế thả giống vào thời điểm nhiệt độ cao và nắng nóng kéo dài.
Độ mặn 5‰ các ngày cuối tháng 12-2024 đã xâm nhập cách các cửa sông chính của tỉnh: Sông cửa Đại đến Trạm Long Hòa, sông Hàm Luông đến Trạm vàm Cái Quao, sông Cổ Chiên đến Trạm Cẩm Sơn và còn tiếp tục tăng và xâm nhập sâu nên người nuôi thủy sản nước ngọt, nuôi lồng/bè (cá tra, rô phi, điêu hồng, tôm càng xanh,...) cần theo dõi chặt chẽ diễn biến độ mặn có các giải pháp xử lý như: Đối với cá lồng/bè khi độ mặn tăng cao >5‰ và kéo dài hơn 5 ngày thì di dời đến nơi có độ mặn thấp và an toàn cho cá nuôi. Đối với nuôi trong ao: Các khu vực của tỉnh có nguy cơ ảnh hưởng của nước mặn từ nay đến đầu mùa mưa năm 2025 không thả giống để nuôi. Những ao thủy sản nuôi chưa đạt kích cỡ thu hoạch thì di chuyển thủy sản đến các vùng nuôi không bị ảnh hưởng. Nếu thủy sản đạt kích cỡ thu thì tiến hành thu hoạch tránh thiệt hại do nước mặn gây ra.
Lưu ý: Người nuôi tôm theo dõi thông tin về thời tiết, giá cả thị trường, các khuyến cáo của cơ quan chuyên môn để có kế hoạch sản xuất phù hợp.
“Người nuôi thủy sản đăng ký đối tượng thủy sản chủ lực (tôm sú, tôm thẻ và cá tra), nuôi lồng/bè được quy định tại Nghị định số 37/2024/NĐ-CP ngày 4-4-2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP. Người nuôi thủy sản nước lợ, mặn thường xuyên theo dõi các yếu tố môi trường, dịch bệnh tại thông báo của Chi cục Thủy sản hoặc trạm quan trắc tự động theo địa chỉ: huyện Ba Tri, địa chỉ http://115.74.230.173:8070/; huyện Thạnh Phú, địa chỉ https://bentre.emisoft.vn. Tài khoản: tsbentre@gmail.com; mật khẩu: 123456789”, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Huỳnh Văn Cung cho biết thêm.