Giải pháp ngăn ngừa trẻ em lao động sớm

19/04/2010 - 08:33
Tết Trung thu của trẻ em nghèo. Ảnh: T.Lam

Theo báo cáo của Câu lạc bộ trẻ em đường phố (CLB), thuộc Trung tâm Nuôi dạy trẻ em vào đời sớm, những năm gần đây, trẻ em bỏ nhà ra đi hoặc trẻ không nhà, ngủ ngoài đường chiếm tỷ lệ không nhiều. Trẻ ngủ ngoài đường cùng với gia đình hoặc người bảo trợ cũng chiếm tỷ lệ không nhiều.

Tuy nhiên, trẻ em lang thang sống ngoài đường lại chiếm tỷ lệ cao trong tổng số trẻ em lang thang đường phố. Toàn thành phố Bến Tre có khoảng 50-60 trẻ sống lang thang, trong khi bản thân trẻ có gia đình hoặc người bảo trợ. Nhóm trẻ lang thang này, dù mỗi hoàn cảnh gia đình khác nhau, các em có những nhu cầu khác nhau… nhưng tất cả đều là những trẻ em lang thang kiếm sống, với các nghề: bán vé số, bán kẹo, đậu phộng trong các quán ăn, quán cà phê, đánh giày… Theo dự báo, số trẻ lang thang này sẽ ngày càng tăng, bởi có nhiều nguyên nhân từ phía xã hội, gia đình và tâm lý của bản thân trẻ.

Chương trình hành động quốc gia về việc hỗ trợ trẻ em đường phố đã được khởi động từ những năm 2001, với những hoạt động cụ thể và thiết thực. Chính quyền các cấp và các tổ chức đã có sự nhận thức tốt trong việc quan tâm đến trẻ lang thang. Một số địa phương và CLB đã có nhiều nỗ lực để gom trẻ gửi về nhà, đưa trẻ vào các CLB trẻ em đường phố, các trung tâm bảo trợ trẻ em hoặc các mái ấm. Một số trẻ chưa ngoan, vi phạm pháp luật cũng đã được ngành chức năng tiến hành các thủ tục gửi trẻ vào trường giáo dưỡng… Song, quá trình hỗ trợ trẻ em đường phố, từ giai đoạn ổn định nơi ăn nghỉ, học tập văn hóa, học nghề…đến việc tạo lập cho các em có một nghề vững chắc, ổn định cuộc sống là cả một quá trình. Trong đó, nhất thiết phải có sự đầu tư về kinh phí của Nhà nước và các tổ chức, kể cả tổ chức quốc tế. Sự quan tâm, chia sẻ với những trẻ em này cũng được xem là một yếu tố quan trọng giúp trẻ hòa nhập cộng đồng.

Để góp phần ngăn chặn tình trạng trẻ em lang thang kiếm sống trong tình hình hiện nay, CLB đã nêu ra một số giải pháp, như sau:

Một là, các ngành, các cấp cần có một chương trình can thiệp hỗ trợ trẻ em cụ thể, lâu dài, phù hợp với những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của trẻ. Bởi vì trẻ em đường phố cần được quan tâm can thiệp hỗ trợ về lâu dài, cho cả tương lai, chứ không chỉ riêng cho hiện tại.

Hai là, đối với những trẻ em có hoàn cảnh khác nhau, thì sự can thiệp hỗ trợ cũng phải khác nhau. Bởi những trẻ em lao động sớm thì cần tiền bạc vật chất, nhưng đối với trẻ em lang thang, đôi khi yếu tố tinh thần, tình cảm là quan trọng hơn.

Ba là, những người làm công tác xã hội, những nhân viên xã hội phải thật sự là người tâm huyết với trẻ, luôn theo dõi chặt chẽ và có cách hỗ trợ kiên trì, phù hợp cho từng trẻ.

Bốn là, các cặp vợ chồng, các gia đình nên tổ chức xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ. Hiện nay, nhóm trẻ lang thang do gia đình tan vỡ là nhóm khó giúp đỡ nhất. Các em trong nhóm này không những thiếu kỷ luật mà còn không có những nhận thức đúng đắn về tình cảm, cuộc sống. Các em thường mất tự tin, dễ xúc động và hay nghe theo lời xúi giục của người khác.

HUYỀN ANH THƠ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN