|
Một công đoạn chế biến thạch dừa thành phẩm. |
Bài 1: Những làng sản xuất thạch dừa thô trước đây và bây giờ…
Bài 2: Thua ngay trên “sân nhà” – Vì sao?
Câu chuyện làm ăn của những làng thạch dừa thô thua đau đớn ngay trên sân nhà vừa qua đã chỉ ra nhiều bài học “xương máu” cho người nông dân khi muốn va chạm thị trường trong thời kỳ hội nhập. Kinh nghiệm không chỉ dừng lại ở việc sản xuất thạch dừa thô mà trong tất cả mọi hoạt động sản xuất, hoạt động thương mại về sau.
Sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng - Nguyên tắc cơ bản để cạnh tranh lành mạnh và tồn tại lâu dài
Theo ông Hồ Vĩnh Sang - Chủ tịch Hiệp hội Dừa Bến Tre, ngành sản xuất thạch dừa thô sau giai đoạn phát triển mạnh lên đến đỉnh điểm đã tụt dốc từ cuối năm 2011. Nguyên nhân do ảnh hưởng của thị trường thế giới. Bên cạnh đó, mặt hàng này lệ thuộc hoàn toàn vào thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc.
Có thể nói, những năm gần đây, hầu hết các mặt hàng làm từ dừa đã được các ngành chức năng khuyến cáo, nhiều doanh nghiệp ngành dừa trong tỉnh cũng đã xác định cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Việc tìm kiếm mở rộng thị trường sẽ giúp hàng hóa từng bước khẳng định tên tuổi, thế mạnh trên thị trường thế giới. Mặt khác là hạn chế thấp nhất các rủi ro trong từng mối quan hệ giao thương. Song, để tự tin vươn ra “biển lớn”, trước tiên, sản phẩm phải được sản xuất đảm bảo yêu cầu về chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trên toàn quốc. Thực tế thời gian qua, do những cách làm sai lệch với công thức, quy cách nên thạch dừa thô đã được nhiều người sản xuất tùy tiện “sáng tạo” ra các loại công thức riêng. Hiệu quả, sản phẩm kém chất lượng và thị trường xuất khẩu bị bó hẹp.
Đóng hộp thạch dừa tại cơ sở sản xuất thạch dừa Minh Châu
(TP. Bến Tre).Ảnh: H. Vũ
Xét ở một khía cạnh khác, chính sản phẩm thô cũng là một hạn chế bởi không có giá trị xuất khẩu cao. Và thạch dừa thô chỉ có thể xuất khẩu đi Trung Quốc. Thực tế thời gian qua, từ người sản xuất làm chủ hàng hóa (thạch dừa) đã dần trở thành những người làm thuê, gia công nên không thể quyết định được giá trị đầu ra sản phẩm cũng như không thể giữ được công thức sản xuất đúng đảm bảo chất lượng. Cái mà người sản xuất nhận lại cuối cùng là một tâm trạng lo sợ sản phẩm không có đầu ra, sẽ dẫn đến thua lỗ nặng nề.
Giao thương bằng miệng - Nợ xấu khó đòi
Chủ một doanh nghiệp sản xuất thạch dừa trong tỉnh kể lại một câu chuyện về quan hệ giao thương chủ yếu dựa vào niềm tin mà suýt nữa họ đã bị lừa dẫn đến sạt nghiệp với món nợ lên đến hàng tỷ đồng. Sự việc cách đây đã nhiều năm, và vẫn lặp lại với ngành thạch dừa thô của Bến Tre. Nạn nhân là hàng loạt cơ sở sản xuất và chủ cơ sở là những nông dân, người lao động của địa phương. Hầu hết trong số họ chưa có nhiều kinh nghiệm giao thương, chỉ dựa vào niềm tin, thói quen trao đổi hàng hóa bằng miệng.
Ông H.P, chủ một cơ sở sản xuất thạch dừa thô khu vực cầu Lò Gạch, (xã Bình Phú, TP. Bến Tre) là một trường hợp bị một doanh nghiệp sản xuất thạch dừa tinh của Trung Quốc đặt tại Bến Tre nợ đến gần 200 triệu đồng. Đó là chưa kể đến những trường hợp bán hàng cho các tay đầu nậu chuyển hàng trực tiếp qua Trung Quốc. Ông Bảy Chí là một ví dụ. Số nợ mà ông Bảy Chí nợ cơ sở sản xuất thạch thô H.P cũng đã ngoài trăm triệu đồng... Đối với doanh nghiệp được phép hoạt động tại Việt Nam, đặc biệt là tại Bến Tre, mặc dù đã có quy định về Luật Thuế suất, sử dụng các loại hóa đơn nhưng một số doanh nghiệp vẫn không tuân thủ đúng quy định. Ông H.P cho biết, chúng tôi chỉ mới làm ăn với doanh nghiệp này khoảng mấy tháng nay. Nhưng giống như nhiều người dân địa phương khác, doanh nghiệp cũng chỉ ghi hóa đơn bốc hàng và hẹn thanh toán sau. Mấy tháng nay, hóa đơn bốc hàng của doanh nghiệp đưa cho ông đã gần chục cái nhưng nợ thì hẹn hoài, không thanh toán. Việc đi đòi nợ, không riêng gì trường hợp của ông, người dân phải xếp hàng đợi chờ. Nợ chồng nợ. Nhưng hỏi lý do vì sao người dân vẫn chấp nhận theo kiểu mua bán trễ nãi, không uy tín thì ông H.P thú thật: Không bán như vậy thì họ không mua. Giá cả ngày càng giảm. Với mức giá 1.100 đến 1.200 đồng/kg như hiện nay thì chỉ đủ để trả công cho người sản xuất và lương cho công nhân. Nhà xưởng cũng đã đầu tư rất nhiều tiền. Chỉ tính mấy chục ngàn chiếc khai thạch cũng đã có giá gần tỷ đồng. Dù chậm trễ nhưng niềm hy vọng lớn nhất của người dân là làm sao có thể bán được sản phẩm, thu được tiền. Và nếu có trả thì bao lâu mới hoàn tất? Chúng tôi xem qua một xấp hóa đơn kê hàng mà doanh nghiệp đã đưa cho người sản xuất. Tờ hóa đơn chỉ đơn thuần là một tờ giấy ghi số lượng hàng, giá tiền và tên, chữ ký của người chủ hàng, không có tên công ty, địa chỉ… Người đi bốc hàng cho doanh nghiệp cũng không có giấy giới thiệu của doanh nghiệp và cũng không có họ tên đầy đủ, chữ ký. Ngoài ra, không có một hợp đồng mua bán kèm theo.
Theo Cục Thuế tỉnh, hóa đơn bán lẻ mà doanh nghiệp mua hàng đưa cho người cung ứng hàng như trường hợp của ông H.P là loại hóa đơn thông thường ngoài chợ, không đăng ký mã số thuế, không đúng tiêu chí hóa đơn bắt buộc. Theo quy định, khi doanh nghiệp mua hàng nông sản trực tiếp của nông dân thì doanh nghiệp phải xuất bản kê của doanh nghiệp. Bản kê của doanh nghiệp làm ra phải có đơn vị mua hàng, địa chỉ, đơn vị bán hàng, số lượng, giá trị, mặt hàng… Riêng đối với thạch dừa thô là sản phẩm đã qua chế biến nên không xếp vào hàng nông sản. Đúng theo quy định, hóa đơn là của người bán giao cho người mua. Vì thế, các đơn vị sản xuất thạch dừa thô phải đăng ký thuế, nộp thuế, khi bán sản phẩm ra phải xuất hóa đơn cho bên mua hàng. Một hóa đơn bán hàng phải có các thông tin sau: đơn vị bán hàng, mã số thuế, địa chỉ, điện thoại, số tài khoản (nếu có) của bên bán hàng, đơn vị mua hàng, mã số thuế, địa chỉ, điện thoại, số tài khoản của bên mua hàng, đồng thời là tên hàng hóa, đơn vị tính, số lượng, đơn giá, thành tiền và chữ ký của hai bên. Nhưng trên thực tế, hầu hết các cơ sở sản xuất thạch thô đều không xuất hóa đơn. Ngược lại, doanh nghiệp mua hàng của các cơ sở thạch thô không thể xuất bản kê mà xuất hóa đơn bán lẻ thông thường, không đúng quy cách để tạm sử dụng. Đại diện Cục Thuế tỉnh nhấn mạnh: Để tạo cơ sở pháp lý cho pháp luật can thiệp (tình huống cần), trong trường hợp bên mua hàng không trả tiền khi giao hàng nghĩa là bên mua nợ lại thì giữa bên mua và bên bán phải có hợp đồng thương mại kèm theo để ràng buộc trách nhiệm, có ghi rõ các khoản thời gian, địa điểm thanh toán nợ và các khoản thỏa thuận khác giữa hai bên. Trường hợp bên bán không có xuất hóa đơn thì bên mua phải yêu cầu bên bán đăng ký thuế, đăng ký hóa đơn của ngành thuế.
Bài 3: Giải pháp khôi phục thạch dừa Bến Tre.