Giải pháp giảm thiệt hại cho tôm do các bệnh nguy hiểm

02/08/2022 - 17:18

BDK.VN - Thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay đến cuối năm 2022 có thể xuất hiện nhiều hình thái thiên tai như: mưa giông, áp thấp nhiệt đới, bão, thời tiết thay đổi cực đoan gây bất lợi cho nuôi trồng thủy sản nói chung, trong đó có nghề nuôi tôm nước lợ.

Tăng cường các giải pháp để hạn chế thiệt hại tôm nuôi.

Qua kết quả quan trắc môi trường, dịch bệnh do Chi cục Thủy sản tỉnh thực hiện từ đầu năm đến nay các bệnh như: đóm trắng, hoại tử cơ quan tạo máu và biểu mô, gan tụy cấp tại kênh rạch tự nhiên trên địa bàn tỉnh có tỷ lệ nhiễm bệnh khá cao. Đồng thời, kết quả khảo sát vào đầu tháng 7-2022 của Chi cục Thủy sản cho thấy, bên cạnh việc xuất hiện các loại bệnh nêu trên, thì bệnh phân trắng trên tôm nước lợ bị nhiễm hơn 10% số ao khảo sát, gây thiệt hại lớn đến nghề nuôi tôm nước lợ.

Để hạn chế thiệt hại do các bệnh nguy hiểm, trong đó có bệnh phân trắng xảy ra, Chi cục Thủy sản tỉnh đề nghị, các địa phương khẩn trương triển khai tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi không để thức ăn thừa các lần cho tôm ăn (cho tôm ăn khoảng 80% nhu cầu), khi thời tiết bất lợi và tăng cường mở quạt nước sau các lần cho tôm ăn. Tăng cường quản lý môi trường nước ao nuôi trong khoảng thích hợp để tôm nuôi phát triển tốt. Đặc biệt, cần quản lý nhiệt độ nước trong khoảng tối ưu dao động từ 28 - 300C. Bổ sung nhóm vi sinh hữu ích để xử lý môi trường nước ao nuôi, trộn vi sinh hữu ích vào thức ăn cho tôm ăn; bổ sung vitamin C, khoáng chất, men tiêu hóa nâng cao sức đề kháng cho tôm. Định kỳ diệt khuẩn, sau đó xử lý lại vi sinh có lợi cho ao nuôi để khống chế vi khuẩn gây bệnh.

Người nuôi tôm nước lợ cần đặc biệt lưu ý: Nếu ao tôm nuôi đã đạt kích cỡ thương phẩm bị bệnh phân trắng nên kiểm tra tốc độ sinh trưởng định kỳ hàng tuần nếu tôm nuôi không tăng trọng thì tiến hành thu hoạch. Đối với các ao tôm nhỏ chưa thể thu hoạch có thể sử dụng các sản phẩm thảo dược để điều trị, trường hợp sử dụng thuốc thấy không hiệu quả tiến hành huỷ hoặc thu hoạch. Khi bệnh xảy ra, đề nghị hộ nuôi, doanh nghiệp liên hệ với trạm chăn nuôi thú y huyện hoặc Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện phối hợp tìm hiểu nguyên nhân, xác định chính xác tình trạng bệnh để có giải pháp xử lý kịp thời.

Tin, ảnh: Tr. Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN