Kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2015 - 2020

Giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng bình quân 11,62%/năm

15/07/2020 - 07:29

BDK - Kết quả phát triển công nghiệp (CN), thương mại giai đoạn 5 năm 2016 - 2020 đã đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh. “Điểm sáng” mới sẽ tạo sự tăng trưởng đột phá cho kinh tế - xã hội tỉnh nhà trong giai đoạn tiếp theo được xác định là CN năng lượng tái tạo.

Chế biến sản phẩm xuất khẩu tại Betrimex. Ảnh: C.Trúc

Dấu ấn công nghiệp, thương mại

Phó giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Niệm cho biết: Dấu ấn trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 là sản xuất CN tiếp tục duy trì, phát triển. Giá trị sản xuất CN năm 2020 ước đạt 33.500 tỷ đồng, gấp 1,7 lần so với năm 2015; tăng trưởng bình quân 5 năm (2016 - 2020) đạt 11,62%/năm.

Tỷ trọng ngành CN chuyển dịch đúng hướng. CN chế biến, chế tạo luôn chiếm ưu thế, với tỷ trọng 97,22% so với toàn ngành CN; phát triển thêm một số sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao. Hạ tầng các cụm công nghiệp (CCN) tiếp tục được quan tâm đầu tư. Giai đoạn 2016 - 2020, Sở Công Thương phối hợp phát triển một số công trình như CCN Thị trấn - An Đức, CCN Phong Nẫm; CCN Long Phước; Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ kêu gọi đầu tư huyện Châu Thành giai đoạn 2. Đến nay, toàn tỉnh có 10 CCN được thành lập, trong đó có 9 cụm đã quy hoạch chi tiết; 4 CCN đã đầu tư và đi vào hoạt động với 23 dự án đăng ký đầu tư, tổng vốn trên 5.372 tỷ đồng, có khả năng giải quyết việc làm cho khoảng 2.800 lao động.

Thương mại cũng đã đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ 5 năm qua ước đạt trên 206 ngàn tỷ đồng, tăng bình quân 13,27%/năm. Giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh xây dựng mới, nâng cấp 43 chợ, 2 siêu thị, 1 trung tâm hội chợ - triển lãm và hội nghị quốc tế, 1 trung tâm thương mại (TTTM), 1 cao ốc liên hợp (trong đó có TTTM); đang phát triển mới 1 TTTM và siêu thị. Các hệ thống bán lẻ hiện đại ngày càng phát triển phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

Thương mại điện tử phát triển khá nhanh. Chỉ số giao dịch thương mại điện tử của tỉnh từ hạng 36/63 tỉnh, thành phố (năm 2015) tăng lên hạng 15/63 (năm 2020), đứng thứ nhì khu vực đồng bằng sông Cửu Long (sau Cần Thơ). Đặc biệt, Chỉ số B2B (mô hình kinh doanh online giữa các doanh nghiệp với doanh nghiệp) của tỉnh năm 2020 đứng thứ 8 toàn quốc.

Thị trường xuất khẩu được mở rộng đến hơn 126 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các sản phẩm từ dừa ngày càng đứng vững tại thị trường khó tính như: Mỹ, một số nước  châu Âu, châu Á. Cơ cấu hàng xuất khẩu có sự chuyển dịch tốt. Hàng chế biến giá trị gia tăng cao ngày càng tăng. Tổng kim ngạch xuất khẩu 5 năm ước đạt 5.074 triệu USD, tăng bình quân 15,81%/năm.

Phát triển năng lượng tái tạo

Theo Phó giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Niệm: Mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025, sở phấn đấu thực hiện giá trị sản xuất CN - TTCN tăng trưởng bình quân 17,5%/năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng trưởng bình quân 15,7%/năm. Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng bình quân 15,8%/năm. Đến cuối năm 2025, phát triển được 500MW các dự án điện gió, điện mặt trời và dự án điện khí LNG.

Sản xuất chỉ xơ dừa tại huyện Mỏ Cày Nam. Ảnh: Thạch Thảo

Phấn đấu đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng và đưa vào hoạt động các CCN: Long Phước, Phong Nẫm, Thị trấn - An Đức và đầu tư mới các CCN: Phú Hưng, Tân Thành Bình, cảng An Nhơn... Nghiên cứu phát triển các CCN: công nghệ sinh học, điện khí, công nghệ thông tin; phát triển 4 TTTM tại TP. Bến Tre, huyện Mỏ Cày Nam, Ba Tri và Bình Đại gắn với phát triển đô thị. Mỗi huyện phát triển 1 siêu thị gắn với nơi phát triển đô thị.

Căn cứ Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, có 6 nhà máy điện gió được phê duyệt để phát triển đến năm 2020 với tổng công suất 179,7MW. Hiện tại, các nhà máy đang gấp rút triển khai, phấn đấu hoàn thành vào cuối năm 2021, đặc biệt có dự án có khả năng hoàn thành và đóng điện trong năm 2020. Đến ngày 25-6-2020, Thủ tướng Chính phủ có Văn bản số 795 về việc bổ sung danh mục các dự án điện gió vào quy hoạch phát triển điện lực. Theo đó, tỉnh được phê duyệt 13 dự án (kể cả giai đoạn 2 của các dự án đang triển khai) với tổng công suất 818MW.

Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân đầu tư sử dụng loại hình điện mặt trời áp mái; triển khai thực hiện chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tỉnh giai đoạn 2020 - 2030, phấn đấu hoàn chỉnh tiêu chí số 4 - điện nông thôn các xã nông thôn mới theo kế hoạch của tỉnh.

Trong giai đoạn tới, tỉnh xác định năng lượng tái tạo là điểm sáng tạo bước đột phá cho phát triển kinh tế. Theo đó, Sở  Công Thương tập trung kêu gọi đầu tư, hỗ trợ để phát triển các dự án năng lượng tái tạo; hoàn thiện hạ tầng lưới điện trung, hạ thế để đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và sinh hoạt; thực hiện phát triển hạ tầng lưới điện truyền tải đồng bộ với các dự án điện năng lượng tái tạo, nhằm đáp ứng yêu cầu giải tỏa công suất cho các dự án đầu tư điện gió, điện khí, mặt trời.

(Phó giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Niệm)

Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN