Ghi chép: Mùa hoa ở lại

14/01/2025 - 05:24

BDK.VN - Lễ hội Hoa - kiểng Chợ Lách lần thứ I năm 2025 thành công ngoài mong đợi. Dù lễ hội đã đi qua, nhưng mùa hoa rực rỡ của Chợ Lách vẫn ở lại trong lòng du khách; còn người dân xứ hoa kiểng thì cảm thấy ấm áp, bởi nghề trồng hoa, kiểng, xứ cây trái được lan tỏa nhiều người biết đến.

*  Ấn tượng về mùa hoa

Tuyến đường hoa 15km ở Chợ Lách được xác lập kỷ lục dài nhất Việt Nam do người dân tạo tác. 

Du khách thích thú khi vào các vườn hoa ven đường của người dân để chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Trung Hiếu

Chị Hoa Ninh, ngụ huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh nhận xét: Ở huyện Chợ Lách có cây, hoa, trái cây nhiều và cái nào cũng đẹp, trái cây thì thật là tươi ngon, khiến tôi rất thích thú. Vào những ngày cuối năm, việc tổ chức được một lễ hội cho du khách khắp nơi trong nước, ngoài nước đến thăm Bến Tre thì thật ý nghĩa.

Chị Hoa Ninh, ngụ huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh chụp ảnh bên chậu tắc kiểng trong không gian lễ hội. 

Đến từ tỉnh Lạng Sơn, chị Đào Kim Chung hào hứng tham gia lễ hội: Bến Tre thật sự để lại trong tôi một ấn tượng tốt đẹp. Hoa thì tươi, quả thì đẹp và ngon. Tôi vừa được ăn sầu riêng, chôm chôm, xoài từ gian hàng của Công ty Chánh Thu (phục vụ du khách ăn sầu riêng miễn phí), phải nói rất là ngon. Chợ Lách quá tuyệt vời và tôi sẽ còn quay trở lại đây.

Chị Đào Kim Chung, du khách đến từ tỉnh Lạng Sơn thích thú với hoa trái Chợ Lách và hẹn sẽ quay lại nơi đây lần nữa. 

Bà Đoàn Thị Thập, 78 tuổi, du khách đến từ TP. Hồ Chí  Minh: Hoa ở Chợ Lách đẹp tuyệt vời, đi chỗ nào cũng thấy cây xanh tươi mát, bông nở rực rỡ rất tươi đẹp. Từ xưa giờ nghe hoa kiểng Chợ Lách đẹp mà đâu có dịp nào để đến, lần này đến bắt con gái chở tôi đi Lễ hội Hoa - kiểng. Giờ mới thấy Chợ Lách có hoa đẹp và người nông dân thì thật thà, điều này rất đáng quý.

Gian hàng trưng bày trái cây ngon đặc sản trong chương trình Lễ hội Hoa - kiểng Chợ Lách năm 2025. 

* Ý kiến chia sẻ, đóng góp

Bà Nguyễn Thị Hồng Thu - đại diện Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, xã Hòa Nghĩa, huyện Chợ Lách phấn khởi: Tôi tự hào vì quê mình lần đầu tổ chức lễ hội dành riêng cho hoa, kiểng, người dân đã làm nên tuyến đường hoa dài nhất ghi kỷ lục Việt Nam. Đó là dấu ấn đối với tôi và người dân quê tôi - những người đã bao đời bám nghề trồng hoa kiểng - để góp phần cho quê hương Chợ Lách xây dựng trung tâm cây giống và hoa kiểng mang tầm quốc gia. Lễ hội này đã kết nối được tinh hoa của cây hoa kiểng và trái - bởi Chợ Lách còn nổi tiếng có nhiều loại trái cây ngon nhất vùng nhiệt đới như sầu riêng, chôm chôm...”.

TikTok Shop Việt Nam thực hiện phiên Megalive sản phẩm sầu riêng cấp đông đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao tại đầu cầu huyện Chợ Lách và Hà Nội, kết quả đã lan tỏa được tới 52 triệu lượt người xem. 

Chỉ trong 1 tuần, chúng tôi phải suy nghĩ đau đáu để giải bài toán “Chánh Thu sẽ đóng góp gì cho lễ hội nơi quê hương mình”. Kết quả là, Chánh Thu đã thực hiện được phiên Megalive sản phẩm sầu riêng cấp đông đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao đầu tiên tại Việt Nam với sự trợ giúp của nhiều đơn vị và Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy thương mại điện tử sản phẩm sầu riêng Việt Nam cấp đông xuyên biên giới đạt tiêu chuẩn”. Kết quả đạt được khiến chúng tôi cảm thấy mình rất may mắn là quảng bá được thương hiệu trái cây ngon đến cho người tiêu dùng.

Du khách thưởng thức sầu riêng miễn phí tại Lễ hội Hoa - kiểng Chợ Lách (sân vận động xã Phú Sơn).

Chị Vương Uyên - nhà vườn xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách tất bật bán hoa kiểng của nhà trồng cho khách đi ngang tuyến đường hoa. Chị Vương Uyên nói: Tôi may mắn có được mặt tiền dài khoảng 50m trên tuyến đường hoa. Nhờ đó, sản phẩm ớt kiểng các loại, kiểng lá, hoa cúc mâm xôi... được khách ghé mua rất nhiều.  Tôi thấy ở sân khấu chính chưa sinh động lắm vì thiếu những công trình dựng bằng hoa kiểng bắt mắt, tôi nghĩ, nếu chính quyền có sự chuẩn bị từ sớm và kêu gọi - chắc chắn người dân sẽ chung tay ủng hộ làm những công trình bằng hoa kiểng, tạo điểm nhấn cho lễ hội.

Vườn ớt kiểng bắt mắt và đa dạng chủng loại của chị Vương Uyên nằm cặp Tuyến đường hoa, được rất nhiều khách tham quan, chọn mua. 

Anh Đào Tuấn Vũ - hướng dẫn viên của Công ty Du lịch Vietravel (TP. Hồ Chí Minh) cho biết: Công ty nhận được thông tin huyện Chợ lách tổ chức Lễ hội Hoa - kiểng lần thứ I năm 2025 qua một số trang báo chính thống đưa tin công bố lễ hội vào đầu tháng 11-2024. Sau khi nắm thông tin, công ty đã lên kế hoạch xây dựng chương trình tour để đưa khách về Chợ Lách. Trong ngày 8, 10 và 11-1-2025, Vietravel đã tổ chức 7 đoàn cho du khách đến với lễ hội và số khách đăng ký vẫn tăng (lễ hội kết thúc vào 12-1-2025).

Hướng dẫn viên du lịch của Vietravel Đào Tuấn Vũ (người cầm cờ) và đoàn du khách đến tham quan lễ hội.

Người hướng dẫn viên của Công ty du lịch Vietravel nói thêm: Khách trong đoàn của chúng tôi cho rằng, chương trình lễ hội khá phong phú, cự ly di chuyển khá phù hợp cho khách từ TP. Hồ Chí Minh về. Chợ Lách có nhiều loài hoa, cây cảnh, bonsai rất đẹp. Điều làm du khách thích thú nhất, là có thể vào bất kỳ vườn hoa nào ven đường của người dân để chụp và lưu lại những bức ảnh đẹp - ảnh du xuân đầu năm của gia đình. Tuy nhiên, khách cũng góp ý là khu vực chính diễn ra lễ hội (sân vận động xã Phú Sơn) không thấy thùng rác, đoàn chúng tôi phải đi loanh quanh tìm nhưng vẫn không thấy, Ban tổ chức nên bố trí nhiều thùng rác hơn.

Trưng bày, giới thiệu các sản phẩm hoa do Trung tâm Giống và hoa kiểng tỉnh Bến Tre nghiên cứu, sản xuất tại lễ hội. 

*  Người nông dân phấn khởi

Ông Võ Thanh Hải, chủ vườn hoa cúc mâm xôi tại xã Long Thới, huyện Chợ Lách vui vẻ nói: Vườn hoa của tôi nằm ven Tuyến đường hoa kỷ lục, với khoảng 2.300 giỏ cúc mâm xôi. Tôi làm bông đem bán ở Hà Nội nên cho hoa nở sớm, du khách thích lắm, vào vườn chụp nhiều, rất là đông vui. Tôi cũng cảm thấy vui vì đó giờ mới thấy quê mình nhiều người đến tham quan như vậy. Không chỉ vườn hoa của tôi mà tất cả vườn hoa của các hộ ven đường đều cho khách vào chụp hình miễn phí, chúng tôi cũng không cần trông coi vườn vì nơi đây vốn yên bình.

Ông Võ Thanh Hải - chủ vườn hoa cúc mâm xôi tại xã Long Thới rất vui khi nhiều khách du lịch thích vào vườn hoa nhà ông chụp hình làm kỷ niệm chuyến về Chợ Lách. 

Ông Lê Tự Gương, ngụ xã Long Thới - Trưởng ban Tổ chức Không gian văn hóa chọi gà nghệ thuật huyện Chợ Lách chia sẻ với đầy sự bất ngờ: Huyện Chợ Lách nổi tiếng xưa nay với nghề nuôi gà chọi. Thế nhưng, từ trước đến nay, lần đầu tiên môn gà chọi nghệ thuật được tổ chức miễn phí cho cộng đồng thưởng thức, trong một lễ hội của huyện, khiến nhiều người tò mò đến xem.

Trong 3 ngày diễn ra, có 50 đội tham gia tranh cúp “Hoàng kê Chợ Lách” với 150 con gà tham gia thi đấu. Kết quả, Ban tổ chức đã trao cúp vô địch và quà của nhà tài trợ cho chủ của 8 chú gà nòi đã thắng vô địch ở cả 3 trận đấu. Tôi cũng khá bất ngờ vì khách đến xem tỏ ra rất thích thú. Những chú gà đều được bao bảo vệ cựa, không có tính sát thương, thật sự là môn giải trí truyền thống.

Tuy nhiên, do lần đầu tổ chức chúng tôi cũng được góp ý về quy chế, thể lệ. Khách tham quan du lịch và người nuôi gà nòi mong muốn tổ chức thường xuyên hơn vì đây là sân chơi lành mạnh, rất vui, hấp dẫn, mang tính giải trí cao. Tổng cộng có 450 quà từ các nhà tài trợ cho những chú gà thắng và thua; vào ngày trao cúp, những chú gà vô địch nhận quà hơn 3 triệu đồng.

Ông Lê Tự Gương - Trưởng ban tổ chức Không gian văn hóa chọi gà nghệ thuật huyện Chợ Lách (bìa trái) bất ngờ về sự đón nhận của đông đảo du khách đối với môn chọi gà nghệ thuật. 

Vua kiểng thú - nghệ nhân Năm Công, xã Hưng Khánh Trung B đã có buổi biểu diễn livestream trực tiếp tạo hình linh vật rồng và rắn tại khu vực chính của Lễ hội Hoa - kiểng Chợ Lách năm 2025 cho du khách xem tay nghề, nghệ nhân Nam Công nói: Trước đây, ở Chợ Lách người dân chỉ sản xuất kiểng thú nhỏ bằng cây bùm sụm, thời gian sử dụng của loại cây bùm sụm không được lâu. Một lần tham quan lễ hội, tôi đã nhìn thấy cây sanh - một loại cây có sức sống lâu bền để làm kiểng thú.

Thế là, tôi chọn cây sanh, cây si thay cho cây bùm sụm. Tiếng lành đồn xa, tôi đã làm kiểng thú và bán sang Singapore, Úc, Campuchia theo đơn đặt hàng đi bằng đường tàu biển. Sau đó tôi phải đi máy bay qua bên đó để lắp ráp và hướng dẫn khách hàng cách chăm sóc. Khi được báo đài bên đó giới thiệu những tác phẩm “kiểng rồng” là từ tỉnh Bến Tre, Việt Nam đưa sang, tôi thấy tự hào vô cùng.

Nghệ nhân Năm Công, 77 tuổi, ngụ xã Hưng Khánh Trung B biểu diễn trực tiếp tạo hình linh vật rồng và rắn tại khu vực chính của Lễ hội Hoa - kiểng Chợ Lách năm 2025. 

Tri ân sự đóng góp của người dân

Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách Phạm Anh Linh bày tỏ: Lễ hội Hoa - Kiểng Chợ Lách năm 2025 diễn ra lần đầu tiên tại huyện đã thành công ngoài mong đợi. Để có một lễ hội với quy mô lớn, diễn ra trên phạm vi rộng, du khách đến rất đông thì huyện đã phải vận động với tinh thần xã hội hóa hoàn toàn. Thành công của lễ hội có vai trò rất lớn của người dân địa phương. Nhất là người dân ở 4 xã trong Làng văn hóa du lịch gồm: Vĩnh Hòa, Phú Sơn, Vĩnh Thành và Long Thới đã tạo được Tuyến đường hoa kiểng do người dân tạo tác.

Nếu không có người dân, không có tuyến đường này thì lễ hội không tạo được sức hút trong các ngày qua. Đây là một lễ hội mang tính cộng đồng, thay mặt chính quyền địa phương, tôi chân thành cảm ơn bà con nhân dân huyện Chợ Lách, đặc biệt là các nhà sản xuất làm hoa kiểng, góp phần đem lại sự thành công cho lễ hội.

Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách Phạm Anh Linh phát biểu tại hội thảo trong khuôn khổ Lễ hội Hoa - kiểng Chợ Lách năm 2025. 

 Thạch Thảo (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN