Kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia năm học 2009-2010 diễn ra vào tháng 3-2010 đã được công bố kết quả, những “sĩ tử” đến từ quê hương xứ dừa đã thể hiện bản lĩnh, trí tuệ và tài năng trên nhiều lĩnh vực, chung sức đưa Bến Tre đứng ngôi đầu bảng trong khu vực ĐBSCL. Xin giới thiệu đến độc giả một số gương mặt “trạng nguyên”, mỗi người một hoàn cảnh nhưng các em có chung một điểm, thành tích cao được bắt đầu từ sự kiên trì cố gắng.
Lê Minh Trung - giải ba toàn quốc môn địa lý
Tôi gặp em vào một buổi sáng cuối tuần tại ngôi trường em đang theo học - Trường THPT Che Guevara, khi ấy, các cô cậu học trò lớp 12T2 đang xôn xao làm hồ sơ dự thi đại học, Lê Minh Trung cũng hí hoáy viết, gửi đi niềm mơ ước được vào trường đại học KHXH&NV của mình. Gương mặt sáng và nụ cười thân thiện, Trung đã trò chuyện cởi mở về những dự tính của mình. Sinh ra trong một gia đình trung nông ở ấp Tân Đức A - xã Tân Bình (Mỏ Cày Bắc), Trung là con trai út trong gia đình có 3 chị em. Dù được cưng nhất nhà thế nhưng, “cậu con út” này không vì lẽ đó mà ỷ lại, Trung đã có ý thức chăm học ngay từ lúc nhỏ. Khi còn là học sinh của Trường THCS Tân Bình, Trung đã từng đoạt giải nhất cuộc thi “Văn hay chữ tốt”, và suốt 11 năm qua, Trung luôn là học sinh khá giỏi. Đặc biệt, em có sở thích nghiên cứu lược đồ, biểu đồ môn Địa lý và học rất tốt bộ môn này với số điểm bình quân luôn trên mức 8,0. Nằm trong đội tuyển cấp trường dự thi cấp huyện, rồi được chọn vào đội tuyển cấp huyện dự thi cấp tỉnh, Trung đã từng lúc khẳng định tri thức của mình. Năm học cuối cấp này, Trung được thử sức với kỳ thi cấp quốc gia môn địa lý (trước đó em đoạt giải khuyến khích học sinh giỏi cấp tỉnh), và những nỗ lực bền bỉ của em đã gặt hái được “quả chín” với thành tích giải ba toàn quốc.
Phó Bí thư Chi đoàn lớp 12T2- Lê Minh Trung chia sẻ: “Em không phải là nhân vật nổi bật đâu, nhưng em sẵn sàng tham gia mọi hoạt động của lớp và của trường, cũng như trong học tập, các bạn có thắc mắc gì trong khả năng em giải đáp được thì em không hề từ chối”. Bật mí về cách học tốt môn Địa lý, Trung nói, ngoài việc tập trung tiếp thu tốt bài vở trên lớp, em còn tìm hiểu và giải đáp các câu hỏi trong sách giáo khoa, các sách liên quan và rất thích tìm hiểu các hiện tượng địa lý, xem chương trình “Thế giới diệu kỳ” trên tivi. Nhận xét về Trung, cô giáo giảng dạy môn Địa lý cho đội tuyển của trường - cô Lê Thị Ngọc Mai cho biết: “Trung là một học trò rất nhạy bén và khiêm tốn, trong các câu hỏi do giáo viên đưa ra, Trung thường là một trong số những học sinh đưa ra phương án giải đáp nhanh nhất”. Lê Minh Trung là học sinh duy nhất của Trường Che Guevara đoạt giải thưởng cấp quốc gia lần này.
Phan Thị Thảo Phương - giải nhì toàn quốc môn ngữ văn
Không được ba mẹ ủng hộ theo học chuyên Văn mà chỉ mong muốn con gái lớn của mình (trong gia đình có 3 chị em) theo học chuyên các môn tự nhiên (khối A), Thảo Phương đã âm thầm nộp đơn “thi đại” theo niềm đam mê cháy bỏng của mình khi dự tuyển vào lớp 10 Trường THPT Chuyên Bến Tre. Cách học mà Phương đưa ra cho mình cũng khá đặc biệt, em chia sẻ: “Em ít khi nào viết theo một khuôn khổ, em thích viết phóng khoáng theo cảm xúc của mình (dĩ nhiên phải đi theo một chủ đề nào đó), đưa mình vào tác phẩm, vào nhân vật và cứ theo cảm xúc mà phân tích”. Để đáp ứng đề văn trong phần nghị luận văn học của kỳ thi quốc gia vừa rồi: chọn một tác phẩm đã học để phân tích ý nghĩa văn chương là nơi đề cao phẩm chất con người, Thảo Phương đã chọn tác phẩm “Một người Hà Nội” (văn học Việt Nam sau 1975) của nhà văn Nguyễn Khải. Phương chia sẻ, em rất thích tác phẩm đó, lại yêu mến nhà văn Nguyễn Khải (ông vừa mất cách đây hai năm - 2008) và đặc biệt, thời điểm này cả nước đang hướng về đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Phương cho biết thêm, ngoài ước mơ thi đỗ vào Trường Đại học Luật, em còn mong ước mình được một lần tham quan Hà Nội.
Sống cùng gia đình tại phường 1 - TP.Bến Tre, ba mẹ Phương yên tâm với việc kinh doanh, vì cô con gái lớn đã biết sắp xếp việc học và đã “chứng minh” sự cố gắng của mình bằng những kết quả tốt đẹp như trên. Phan Thị Thảo Phương (học sinh lớp 12 chuyên Văn Trường THPT Chuyên Bến Tre) là học sinh đoạt giải cao nhất trong số học sinh giỏi Bến Tre đoạt giải quốc gia. Đôi mắt sáng ngời và giọng nói liến thoắng, Thảo Phương cho biết, đây là lần thứ hai em dự thi giải quốc gia, lần trước chỉ đạt khuyến khích, nhưng em không nản chí mà vẫn luôn cố gắng trau dồi để có kết quả tốt ở lần thi thứ hai này. Em nói: “Giải thưởng này em xem như đền đáp công ơn của ông ngoại - người vẫn luôn ủng hộ tinh thần cho em và làm món quà tặng cho ba mẹ với ý nghĩa là “ba mẹ hãy tin tưởng vào sự cố gắng của con”. Dĩ nhiên, thầy cô là những người quan trọng đã giúp em học tốt để đạt được kết quả này, em rất biết ơn”.
Cao Thành Chương - giải ba toàn quốc môn Toán
Là em trai trong gia đình có hai anh em, cậu học trò lớp 11 Toán Trường THPT Chuyên Bến Tre Cao Thành Chương đã được sự cổ vũ rất lớn từ anh Hai - một kỹ sư ngành xây dựng. Tuy sống xa gia đình, ở trọ cùng một người bạn thân tại TP Bến Tre (hiện gia đình đã chuyển lên sinh sống tại TPHCM), nhưng Chương luôn tự đặt ra những kế hoạch học tập cho bản thân một cách rất nề nếp. Quê quán ở khu phố 2 -thị trấn Ba Tri (huyện Ba Tri), từ nhỏ, Chương đã tự ý thức phải cố gắng học theo gương cụ Đồ.
Ngay từ cấp I (lớp 5 - Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu - thị trấn Ba Tri), Chương đã đoạt giải ba học sinh giỏi vòng tỉnh, rồi đến cấp II cũng nằm trong danh sách học sinh giỏi vòng tỉnh. Bước chân vào Trường Chuyên với nhiều bỡ ngỡ, Chương đã không ngừng cố gắng để theo kịp bạn bè và luôn giữ vững danh hiệu học sinh giỏi. Dáng người nhỏ nhắn, thường đăm chiêu với cặp kính cận, lớp phó học tập lớp 11 Toán Cao Thành Chương dường như dành trọn thời gian rảnh của mình để nghiên cứu toán học, giải các bài tập và tìm kiếm cách giải hay cho bài toán khó và Chương xem đó là niềm vui của mình, “Mỗi bài toán là một trường hợp riêng, không thể học theo kiểu thuộc lòng được mà phải luôn tìm tòi để có lời giải chính xác và hợp lý nhất”- em nói.
Đoạt giải nhì môn Toán học sinh giỏi vòng tỉnh, Chương đã được đứng vào đội tuyển của tỉnh đi thi giải quốc gia, Chương vẫn rất bình tĩnh vì em cho rằng đây là cơ hội để mình “thử sức thôi”, nhưng sự nỗ lực của em đã được đền bù xứng đáng. Khi biết tin Chương đoạt giải, mẹ của em ở TP.HCM đã nhanh chóng về thăm con trong niềm hạnh phúc khôn tả; “Em thấy ba mẹ vui là em vui”- Chương thật thà chia sẻ.
***
Có thể nói, mỗi tấm gương học tốt là một hình ảnh đẹp của giáo dục tỉnh nhà. Các em tuy có hoàn cảnh khác nhau nhưng đều là những học sinh có ý chí, luôn phấn đấu rèn luyện, trau dồi tri thức. Với những nỗ lực ấy, các em sẽ còn tiếp tục gặt hái được nhiều thành công trên con đường học vấn.