Gắn kết nghĩa tình “quân - dân”

23/01/2024 - 11:23

BDK - “Tết quân - dân” do lực lượng vũ trang triển khai, giờ đây không những trở nên gần gũi, quen thuộc đối với nhân dân, mà còn được chỉ huy, lãnh đạo các ngành, các cấp và Bộ Quốc phòng đánh giá cao, chỉ đạo nhân rộng trong toàn quân. Ðối với Lực lượng vũ trang tỉnh thì hiệu quả, lợi ích “Tết quân - dân” không chỉ là những công trình, phần việc quân đã giúp dân mà còn là sợi dây gắn kết nghĩa tình quân với dân.

Thượng tá Lê Công Hạnh - Phó chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (thứ ba, trái sang) tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ tham gia thực hiện các công trình “Tết quân - dân” năm 2024 tại xã Mỹ An, huyện Thạnh Phú. Ảnh: Minh Anh

Dấu ấn từ mô hình ý nghĩa

Ở Bến Tre, “Tết quân - dân” bắt đầu thực hiện từ năm 2020. Được sự đồng ý của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh phối hợp với Huyện ủy, UBND huyện Mỏ Cày Nam tổ chức “Tết quân - dân” trên địa bàn các xã Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Bến Tre Đồng khởi. Trong thời gian 10 ngày, các phần việc tiêu biểu diễn ra như: xây dựng công trình hạ tầng cơ sở, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tuyên truyền, vận động nhân dân, hoạt động giao lưu, giúp dân xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương, tình đồng đội… Kết quả đã xây dựng và bàn giao 51 căn nhà; thăm, tặng 950 suất quà cho gia đình chính sách, hộ nghèo; tặng 40 suất học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; khám bệnh, cấp thuốc, tặng đường, sữa cho 1.000 lượt người dân; làm mới 380m đường bê-tông liên ấp. Tổng kinh phí thực hiện hơn 3,3 tỷ đồng. Ngoài ra, còn phối hợp tổ chức các hoạt động tuần lễ văn hóa - du lịch, hội thi gói và nấu bánh tét, hội trại thanh niên, chưng mâm ngũ quả, hái hoa dân chủ, giao lưu văn hóa văn nghệ, trò chơi dân gian...

Phát huy những kết quả đạt được, năm 2021, Bộ CHQS tỉnh và UBND huyện Giồng Trôm tiếp tục xây dựng kế hoạch phối hợp tổ chức các hoạt động “Tết quân - dân” tại địa bàn 3 xã: Tân Hào, Tân Lợi Thạnh, Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, với kinh phí gần 5,7 tỷ đồng. Ngoài ra, Ban CHQS các huyện, thành phố cũng tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động “Tết quân - dân” tại một xã trên địa bàn huyện mình. Tổng kinh phí hoạt động “Tết quân - dân” năm 2021 trên địa bàn tỉnh gần 13 tỷ đồng.

Năm 2022, tình hình dịch Covid -19 trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp,  “Tết quân - dân” chỉ tổ chức các hoạt động trao đại diện trên địa bàn 4 xã: An Bình Tây, An Hòa Tây, An Đức và An Hiệp (Ba Tri), với kinh phí hơn 2,2 tỷ đồng. Toàn tỉnh tổ chức với kinh phí gần 8,7 tỷ đồng. Sau đại dịch Covid-19, đời sống bà con nhân dân lại tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Thấy được những vất vả đó, năm 2023, Bộ CHQS tỉnh tiếp tục phát huy mọi nguồn lực tổ chức Chương trình “Tết quân - dân” trên địa bàn huyện Bình Đại tại 4 điểm gồm: xã Phú Long, Định Trung, Thạnh Trị, Vang Quới Đông, với tổng kinh phí thực hiện gần 5 tỷ đồng. Ngoài ra, Ban CHQS các huyện, thành phố còn tham mưu cho UBND các huyện, thành phố tổ chức “Tết quân - dân” trên địa bàn 12 xã của 9 huyện, thành phố với tổng kinh phí gần 16 tỷ đồng. Các nội dung hoạt động “Tết quân - dân” mang không khí Tết về với mọi người, mọi nhà, tạo khí thế vui tươi, phấn khởi, đoàn kết, thắm tình quân dân.

Nghĩa tình quân - dân thêm gắn bó

Năm 2024, Bộ CHQS tỉnh phối hợp với UBND huyện Thạnh Phú sẽ tổ chức các hoạt động và Chương trình “Tết quân - dân” trên địa bàn 4 xã: Mỹ An, An Điền, An Thạnh và Mỹ Hưng. Ban tổ chức cũng như các ngành vận động kinh phí từ các mạnh thường quân hỗ trợ xây dựng cầu, làm đường, xây nhà tình quân dân, nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa, nhà tình đồng đội, quà cho gia đình nghèo và chính sách gần 10 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các hoạt động về nguồn, văn hóa, văn nghệ và tổ chức tuần lễ văn hóa du lịch cũng được chuẩn bị chu đáo.

Thời gian tới, để thực hiện có hiệu quả mô hình “Tết quân - dân” trên địa bàn tỉnh, Lực lượng vũ trang tỉnh cần làm tốt hơn nữa công tác phối hợp với cấp ủy, chính quyền huyện tổ chức, chủ động từ khâu chuẩn bị, triển khai và thực hiện kế hoạch “Tết quân - dân”; có sự hiệp đồng chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, nhất là sự nhiệt tình giúp đỡ của Huyện ủy, UBND huyện và các ban, ngành, đoàn thể huyện; Đảng ủy, UBND, ban, ngành, đoàn thể các xã có hoạt động của Chương trình “Tết quân - dân”. Nêu cao tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng, tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, bản lĩnh trí tuệ, truyền thống dân tộc, nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn.

Việc tổ chức các hoạt động giao lưu, thăm hỏi, tặng quà của các cơ quan, đơn vị phải được nghiên cứu kỹ, tổ chức phù hợp với khả năng, điều kiện của đơn vị và địa phương. Quá trình tổ chức các hoạt động phải huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và cộng đồng, đặc biệt là từ nguồn xã hội hóa. Chăm lo Tết cho bà con nhân dân chu đáo nhưng thiết thực, không phô trương hình thức, lãng phí. Đồng thời, “Tết quân - dân” là bài học giáo dục truyền thống cho bộ đội và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Vì thế, cần sự đổi mới cả về nội dung và hình thức, tạo sự hấp dẫn và khơi dậy tình đoàn kết, gắn bó quân - dân, tô thắm thêm phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ trong thời bình.

Hiệu quả thiết thực

Qua 4 năm triển khai hoạt động “Tết quân - dân”, với kinh phí hơn 40 tỷ đồng đều được vận động xã hội hóa. Hoạt động này vừa phát huy được truyền thống đoàn kết gắn bó quân - dân, vừa chăm lo xây dựng cơ sở vật chất, tinh thần, xây dựng địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội mỗi độ Tết đến, xuân về. Các hoạt động trong chương trình đều căn cứ trên nhu cầu thực tế của địa phương, hướng đến thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới của xã, nâng cao đời sống nhân dân. Chương trình “Tết quân - dân” đều thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, bà con vừa là chủ thể sáng tạo, thực hiện dưới sự định hướng, tổ chức và hỗ trợ của Nhà nước, vừa là người trực tiếp thụ hưởng các công trình, phần việc.

Những địa phương được tổ chức “Tết quân - dân”, diện mạo nông thôn được “thay da đổi thịt”, nhiều con đường mới nối liền các ấp, nhà tạm hoặc nhà xiêu vẹo giảm đáng kể, đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện. Nhưng hiệu quả hơn cả là quân và dân tiếp tục nâng cao ý chí, trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn xóm làng, tình hình trật tự an toàn xã hội được ổn định.

“Tết quân - dân” không chỉ nhằm cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về chăm lo cho gia đình người có công, hộ dân nghèo vui xuân, đón Tết đầm ấm, an lành, mà còn là cách thiết thực hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động. Đây là thông điệp kêu gọi sự sẻ chia ấm áp từ cộng đồng tới người nghèo; đồng thời là niềm khích lệ để địa phương tiến bước nhanh trên con đường xây dựng nông thôn mới, thắt chặt khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ, làm cho hình ảnh và phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ luôn tỏa sáng trong lòng nhân dân.

Đại tá Nguyễn Văn Hoa

Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN