Gần 20 năm trọn nghĩa tình với nông thôn

11/10/2019 - 07:03

BDK - Trong suốt gần 2 thập kỷ nỗ lực xây cầu, lộ cho người dân nông thôn, Hội Khoa học kỹ thuật (KHKT) cầu đường Bến Tre còn đóng vai trò là “nhịp cầu duyên” nối đôi bờ tấm lòng giữa người và người, cho mảnh đất Bến Tre thêm xanh tươi, rạng rỡ dưới bóng dừa.

Cầu Rạch Lá, ấp Mỹ Chánh 2, xã Phước Long, huyện Giồng Trôm là cây cầu thứ 2.120 của hội, công trình mừng 120 năm thành lập tỉnh Bến Tre (1900 - 2020). Ảnh: Hiếu Trịnh

Sáng kiến thu hút ngoại lực

Năm 2001, Hội KHKT cầu đường Bến Tre ra đời, tập hợp đông đảo hội viên là những người có tâm huyết với việc xây dựng cầu, lộ, phát triển hạ tầng giao thông. Đến năm 2003, những người làm công tác hội nhìn thấy nhu cầu xây dựng cầu, đường là rất lớn, đòi hỏi phải có một sáng kiến nhằm vận động thêm nhiều nguồn lực hỗ trợ. Sáng kiến “Chương trình vận động hỗ trợ giao thông nông thôn (GTNT)” ra đời, được thêm vào điều lệ hoạt động của hội.

Qua 16 năm thực hiện chương trình, Hội KHKT cầu đường Bến Tre đã đúc kết được rất nhiều kinh nghiệm. Trước tiên, hội khảo sát, lập hồ sơ thiết kế, dự toán (báo cáo kinh tế kỹ thuật) cho từng công trình; hoặc dự án cho nhiều công trình, làm cơ sở để chính quyền địa phương phát động nhân dân đóng góp, vận động nhà tài trợ, sau đó cho kiểm tra, giám sát thi công xây dựng. Cũng tùy tình hình đời sống kinh tế người dân nơi xây dựng công trình mà hội thống nhất với lãnh đạo xã, huyện để xin tài trợ từ 50 - 90% giá trị xây dựng, còn lại do nhân dân đóng góp.

Điều quan trọng nhất là cho đến nay hội không lập quỹ. “100% số tiền vận động được tập trung xây dựng công trình. Tiền chuyển đến, hội thay nhà tài trợ giao lại, dưới 200 triệu đồng giao xã, trên 200 triệu đồng giao cho huyện để tổ chức xây dựng. Sau đó, xã hoặc huyện thành lập ban quản lý công trình có nhân dân tham gia và chọn đơn vị thi công”, ông Trịnh Mai Sơn - Chủ tịch Hội KHKT cầu đường cho biết.

Việc công khai, minh bạch tiền vật tư do dân đóng góp và các mạnh thường quân tài trợ là việc vô cùng cần thiết. Ngoài ra, công trình làm xong có bảng lưu niệm ghi rõ nguồn kinh phí xây dựng, tên nhà tài trợ. Với những nỗ lực đó, bình quân mỗi năm có khoảng 130 công trình cầu, lộ đã được xây dựng hoàn thành đưa vào phục vụ nhân dân.

Cho đi và nhận lại

Kể từ khi có Chương trình vận động hỗ trợ GTNT, từ năm 2003 đến tháng 6-2019, tổng số công trình mà hội và các chi hội trực thuộc đã vận động xây dựng và đưa vào sử dụng là 2.120 cây cầu, 241km lộ bê-tông, 6 trường học, 12 nhà tình nghĩa, 13 nhà tình thương, 27 cây nước sinh hoạt, 40 xe đạp, 88 suất học bổng và hàng chục ngàn phần quà cho các hộ nghèo và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Tổng kinh phí xây cầu, lộ là 493 tỷ đồng, trong đó, các nhà hảo tâm hỗ trợ 383,9 tỷ đồng, nhân dân đóng góp và đối ứng của địa phương trị giá 109 tỷ đồng.

Trung tâm Tư vấn cầu đường (trực thuộc hội) đã phối hợp với chi hội cầu đường các huyện, TP. Bến Tre, hỗ trợ các xã lập hồ sơ dự toán thiết kế giám sát xây dựng miễn phí trên 2.000 công trình cầu, lộ, tổng giá trị tư vấn không thu khoảng 26 tỷ đồng, góp phần cùng với nhân dân xây cầu, lộ nông thôn.

Những cố gắng của hội đã giúp tỉnh thu hút thêm nhiều đơn vị, nhà hảo tâm giúp đỡ một cách bền lâu như: Nhóm nữ sinh Trường Gia Long, chùa Pháp Hoa (TP. Hồ Chí Minh), Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh, Trường tư thục Chu Văn An, chùa Vạn Đức… mỗi nơi đã đóng góp cho tỉnh gần 100 cây cầu trong suốt nhiều năm qua.

Tiếng lành đồn xa vượt ra khỏi phạm vi tỉnh nhà, nhiều địa phương từ Bắc chí Nam đã nhờ Hội KHKT cầu đường Bến Tre hỗ trợ làm tư vấn khoảng 200 công trình cầu, lộ nông thôn. Từ đó, Trung tâm Tư vấn cầu đường Bến Tre được nhiều nơi biết đến và mời tư vấn thiết kế, hội có thêm công việc cho đội ngũ kỹ sư.

Với những đóng góp của hội, hội đã được tặng Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Hai, hạng Nhất, Thủ tướng Chính phủ tặng cờ thi đua xuất sắc nhiều năm liền. Bản thân ông Trịnh Mai Sơn - Chủ tịch Hội được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Ngày 12-10-2019, tại Bến Tre, Hội KHKT cầu đường Việt Nam tổ chức hội nghị “Vai trò Hội KHKT cầu đường trong công tác xây dựng giao thông nông thôn bằng nguồn vốn xã hội hóa”. 

Thảo Trần

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN