EU có thể gây sức ép để Hàn Quốc cung cấp đạn dược cho Ukraine

16/05/2023 - 10:43

Tình thế tiến thoái lưỡng nan của Hàn Quốc về việc chuyển giao đạn dược cho Ukraine có liên quan đến mong muốn không tạo ra một tiền lệ nguy hiểm.

EU sẽ hối thúc Hàn Quốc viện trợ đạn dược cho Ukraine. Ảnh: EPA

Theo mạng tin châu Âu Euractiv.com ngày 15-5, EU dự kiến ​​sẽ gây áp lực để Hàn Quốc gửi đạn dược trực tiếp tới Ukraine trong chuyến thăm của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen vào cuối tháng này. 

Cả hai nhà lãnh đạo EU trên dự kiến ​​sẽ gặp Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tại Seoul vào ngày 22-5 nhân hội nghị thượng đỉnh EU-Hàn Quốc thường niên giữa hai bên.

Họ dự kiến ​​sẽ kêu gọi Hàn Quốc “thẳng thắn hơn” trong bối cảnh nước này từ chối gửi đạn dược cũng như các thiết bị quân sự khác tới Ukraine, một quan chức cấp cao của EU cho biết.

Trong những tuần qua, vấn đề đạn dược đã thu hút nhiều sự chú ý hơn khi Ukraine được cho là đang chuẩn bị cho cuộc phản công trước các lực lượng Nga trong cuộc xung đột đang diễn ra.

Các đối tác ở châu Âu của Ukraine đã hướng đến Hàn Quốc để cung cấp viện trợ quân sự vì các nhà máy sản xuất đạn dược của EU sẽ mất vài tháng để đẩy mạnh sản xuất, một tình huống vốn phức tạp do thiếu một lượng lớn chất nổ có sẵn trên thị trường.

Giáo sư quan hệ quốc tế Ramon Pacheco Pardo tại trường King's College London, đồng thời Chủ tịch Trung tâm An ninh, Ngoại giao và Chiến lược Hàn Quốc của Đại học Tự do Brussels (VUB) nói: “Hàn Quốc có khả năng cung cấp đạn dược trong thời gian ngắn. Vì lượng dự trữ (đạn dược) trên khắp EU và Mỹ đang ở mức thấp, họ đang tìm kiếm đạn dược ở Hàn Quốc, không chỉ để bổ sung kho dự trữ của họ mà còn cung cấp trực tiếp cho Ukraine”.

Ngoài ra, “đạn dược do Hàn Quốc sản xuất tương thích với các tiêu chuẩn của NATO”, nghĩa là cũng tương thích với một lượng lớn thiết bị được lực lượng vũ trang Ukraine sử dụng, ông Pardo nêu rõ.

Mục tiêu trên của EU được thúc đẩy bởi thực tế là “chúng tôi thấy Hàn Quốc chưa chịu cung cấp đạn dược cho Ukraine”, quan chức cấp cao trên của EU nhấn mạnh.

Theo Giáo sư Pardo, mặc dù năng lực sản xuất của Seoul có thể giúp “bù đắp ở một mức độ nào đó” kho dự trữ của các quốc gia thành viên EU vốn đang cạn kiệt do viện trợ cho Kiev, nhưng các quốc gia thành viên EU vẫn không được phép gửi chúng cho Ukraine. “Từ quan điểm pháp lý, Hàn Quốc tuyên bố rằng họ không thể cung cấp [đạn dược] cho một quốc gia đang có xung đột”, ông Pardo nói.

Một lựa chọn khác là Seoul bán thiết bị cho một quốc gia thành viên EU, sau đó nước này sẽ viện trợ cho Ukraine, chẳng hạn như Ba Lan đã làm, theo tài liệu tình báo bị rò rỉ gần đây của Mỹ.

Tuy nhiên vẫn không rõ liệu việc cung cấp trực tiếp đạn dược từ Hàn Quốc cho Ukraine có nhanh hơn do các thủ tục hiện tại hay không. Ông Pardo lưu ý: “Ngay cả khi Hàn Quốc nói rằng họ sẽ cung cấp trực tiếp cho Ukraine, thì chúng vẫn sẽ phải đi qua Ba Lan”, vốn là trung tâm vận chuyển viện trợ quân sự sang Kiev.

Giáo sư Pardo nói thêm rằng có thể sức ép của EU với Hàn Quốc sẽ rất nhỏ, bởi vì "Mỹ đã thảo luận vấn đề này với Hàn Quốc, mặc dù không công khai và trong khi Washington là đồng minh quân sự với Hàn Quốc, thì EU chỉ là một đối tác”.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khi đến thăm Seoul vào tháng 1 năm nay đã nói rằng “có một nhu cầu cấp thiết là cung cấp thêm đạn dược, thêm vũ khí cho Ukraine". Sau đó, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki nói với tờ New York Times hồi tháng 4-2023 rằng: “Chúng tôi đã nói chuyện với Hàn Quốc về việc chuyển giao vũ khí và chuyển giao đạn dược. Nhưng tôi nghĩ rằng điều này sẽ không thể thực hiện nếu không có sự can thiệp của Mỹ. Hàn Quốc lo ngại phản ứng của Nga và Trung Quốc”.

Nguồn: TTXVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN