|
Một góc Cụm tiểu thủ công nghiệp An Thạnh - Khánh Thạnh Tân sản xuất, chế biến các sản phẩm từ dừa. Ảnh: NGUYỄN HẢI |
Trong tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, việc thực hiện nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 của Mỏ Cày Bắc cũng gặp phải những lực cản nhất định. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực, linh hoạt trong lãnh đạo, điều hành và sự đồng thuận, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, kinh tế - xã hội của huyện duy trì được tốc độ phát triển.
Theo báo cáo tổng kết tình hình thực hiện nghị quyết (NQ) về phát triển kinh tế - xã hội huyện Mỏ Cày Bắc năm 2012, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 13,04% (NQ: 13,68%); thu nhập bình quân đầu người khoảng 19,14 triệu đồng/năm (NQ: 19,8 triệu đồng/năm).
Nông nghiệp vẫn giữ vai trò là lĩnh vực chủ đạo trong phát triển kinh tế của huyện, chiếm tỷ trọng 47,13% (NQ: 47,82%), tốc độ tăng trưởng 5,27%. Bù lại với giá dừa giảm mạnh từ đầu năm, người dân trồng dừa trong huyện đã phát huy thế mạnh của việc trồng xen, nuôi xen trong vườn dừa nhằm cải thiện thu nhập. Mỏ Cày Bắc hiện có trên 1.600ha cacao trồng xen trong vườn dừa, hơn 350ha đã cho trái. Ngoài ra, người dân còn trồng xen các loại cây ngắn ngày khác, tận dụng diện tích mặt nước nuôi thủy sản trong vườn dừa. Việc thực hiện chủ trương hỗ trợ phân bón cho người trồng dừa đã được các cơ quan hữu quan tập trung thực hiện, với tổng diện tích hỗ trợ trong đợt I là gần 9 ngàn héc-ta, tổng số tiền 6,016 tỷ đồng. Nhờ vậy, vườn dừa được chăm sóc tốt, sản lượng đạt 59,5 triệu trái, tăng 8,58% so với năm 2011. Bên cạnh đó, việc phát triển diện tích trồng rau màu, hoa kiểng, ươm ghép cây giống đã góp phần không nhỏ vào thành tựu chung của nông nghiệp. Diện tích gieo trồng hoa màu toàn huyện đạt 914ha, sản lượng thu hoạch ước trên 11.400 tấn, tăng 9,23% so với năm 2011. Trong đó, hành lá là cây trồng chủ lực với tổng diện tích 400ha, tập trung ở xã Nhuận Phú Tân và Khánh Thạnh Tân. Năm nay, nhiều hộ trồng rau màu thắng lợi lớn, thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng chuyên dừa, lúa... Thế mạnh khác của nông nghiệp Mỏ Cày Bắc là chăn nuôi. Đàn heo của huyện ước đạt khoảng 90 ngàn con, đàn bò khoảng 12 ngàn con và đàn gia cầm (chủ yếu là gà) khoảng 690 ngàn con.
Đồng chí Nguyễn Vũ Thanh - Bí thư Huyện ủy cho biết, các cấp, các ngành đã chủ động trong việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương trong điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn; người dân mạnh dạn, linh hoạt trong đầu tư sản xuất đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện duy trì tốc độ phát triển ở hầu hết các mặt, các lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng có tốc độ phát triển khá, đạt trên 20,6%. Toàn địa bàn hiện có 903 cơ sở tiểu thủ công nghiệp (tăng 67 cơ sở so với năm 2011), giải quyết việc làm, ổn định thu nhập cho hàng ngàn lao động, thu hút hàng chục ngàn lao động nông nhàn tham gia gia công các mặt hàng như may banh, dệt thảm... góp phần tăng thu nhập. Lĩnh vực thương mại - dịch vụ với mức tăng trưởng gần 20,3% cũng là một trong những điểm nhấn của kinh tế huyện trong năm 2012.
Do mới thành lập nên công tác xây dựng kết cấu hạ tầng của huyện tiếp tục được tập trung đầu tư, với tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội là 556,4 tỷ đồng (tăng 18,5% so năm 2011), chủ yếu là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và đầu tư sản xuất kinh doanh. Nhiều công trình quan trọng thuộc lĩnh vực giao thông, văn hóa - xã hội… đã hoàn thành và đưa vào sử dụng như: đường vào cầu Quân Y (xã Thành An), Cầu Ngang (xã Tân Phú Tây), Khu di tích Y4, các công trình thuộc Dự án kiên cố hóa trường lớp; các công trình do tỉnh, Trung ương đầu tư tiếp tục được thực hiện, như: Trụ sở Công an huyện, Bệnh viện Đa khoa huyện... Riêng về xây dựng giao thông nông thôn, huyện đã huy động được 16,349 tỷ đồng (trong đó nhân dân đóng góp 2,07 tỷ đồng và hơn 12 ngàn ngày công lao động) để xây mới 1,5km đường nhựa, 22,35km đường bê-tông, 47 cầu bê-tông, với chiều dài 766,5m và 1 cầu thép dài 24m.
Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, mạng lưới trường, lớp tiếp tục phát triển, các hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân, dân số, kế hoạch hóa gia đình ngày càng được nâng cao, công tác giải quyết việc làm, đào tạo nghề, đền ơn đáp nghĩa, giảm nghèo có chuyển biến và được toàn xã hội quan tâm. Trong năm, có 1.542 lao động được giải quyết việc làm, số lao động qua đào tạo nghề là 1.090 người, 2.430 lượt người được tư vấn việc làm. Các chính sách an sinh xã hội được địa phương tổ chức thực hiện tốt như: thăm hỏi, tặng quà cho các đối tượng, gia đình chính sách nhân dịp lễ, Tết; hoàn thành và bàn giao 118 căn nhà tình nghĩa (kinh phí 5,05 tỷ đồng) và 60 căn nhà tình thương (kinh phí 900 triệu đồng). Tuy nhiên, công tác giảm nghèo chưa đạt kết quả cao, tỷ lệ hộ nghèo cuối năm còn 13,63%; việc xã hội hóa giáo dục, y tế, thể dục - thể thao cũng còn nhiều hạn chế; xuất khẩu lao động không đạt chỉ tiêu (46/50 người, đạt 92%).
Trong bối cảnh kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, nỗ lực của các cấp, các ngành, đoàn thể huyện Mỏ Cày Bắc trong lãnh đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đạt được những kết quả như nêu trên là rất đáng khích lệ. Đời sống của người dân được cải thiện, trật tư ỉ- an toàn xã hội được đảm bảo là tiền đề cho huyện thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, như: xây dựng thành công huyện văn hóa, xây dựng nông thôn mới.