bài 2: ThẠnh Phú tẬp trung đẨy mẠnh tỐc đỘ phát triỂn kinh tẾ biỂn
Thạnh Phú là một trong ba huyện ven biển của tỉnh Bến Tre, có bờ biển dài 25km, nằm giữa 2 con sông Cổ Chiên và Hàm Luông, với mạng lưới sông ngòi chằng chịt, chia huyện ra thành 3 vùng ngọt, lợ, mặn rõ rệt. Những năm gần đây, Thạnh Phú đã vận dụng đặc điểm của một huyện biển để thử nghiệm và phát triển nhiều mô hình kinh tế phù hợp.
Thu hoạch tôm sú ở xã An Điền (Thạnh Phú). Ảnh: H.Hiệp
Những hiệu quả kinh tế bước đầu
Năm 2011, huyện có khoảng 15.500ha nuôi trồng thủy sản, trong đó chủ yếu là thủy sản nước mặn, sản lượng đạt 19.500 tấn. Mô hình nuôi tôm sú nước mặn đã được nông dân miền biển thực hiện từ năm 1991. Chuỗi thời gian ấy đủ để khẳng định vai trò quan trọng của một mô hình kinh tế đúng trong lộ trình phát triển kinh tế biển. Đó là các hình thức nuôi quảng canh cải tiến, với mật độ con giống từ 5 - 10
con/m2, năng suất bình quân đạt từ 200 - 300 kg/ha. Là nuôi thâm canh và bán thâm canh, mật độ từ 20 - 30
con/m2, năng suất bình quân đạt 6 tấn/ha. Hiện, trên địa bàn huyện có 855ha áp dụng mô hình này. Diện tích nuôi tôm - lúa cũng có khoảng 5.000ha. Với mô hình này, sau khi thu hoạch lúa, người dân có thể thả giống tôm với mật độ từ 5 - 10 con/m2, cho ăn thêm thức ăn công nghiệp hay thức ăn tự chế và cá, ruốc… Năng suất bình quân 200 - 300 kg/ha. Ngoài ra, Thạnh Phú còn phát triển mô hình nuôi nghêu, sò, tập trung tại các xã ven biển Thạnh Phong, Thạnh Hải và An Điền. Sản lượng hàng năm đạt từ 2.000 - 3.000 tấn/ha. Bên cạnh đó, huyện còn duy trì và phát triển tốt diện tích rừng ngập mặn với hơn 2.500ha. Ngoài việc thu lợi từ nguyên liệu, rừng còn thực hiện tốt khả năng chống xói lở, cải thiện môi trường, vừa là nơi sinh sản, cư trú và phát triển của nhiều loài thủy sản. Các mô hình trồng rau màu hoặc cây ăn trái ấy cũng đang góp phần mang lại giá trị kinh tế địa phương, tạo nên một diện mạo mới cho các xã biển vốn đầy tiềm năng... Ông Bùi Văn Lâm - Chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú cho biết, hiệu quả từ các mô hình nuôi trồng thủy sản tôm - lúa, rau màu, cây ăn trái nêu trên đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản trên địa bàn huyện, với mức tăng trưởng gần 14% năm, thu nhập bình quân năm 2011 đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra, 16,1 triệu đồng/người. Theo kết quả bình xét hộ nghèo mới nhất vào đầu năm nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm hơn 4,6% so với năm 2011, tương đương với 1.546 hộ thoát nghèo. Các xã có nhiều hộ thoát nghèo là Thạnh Hải, Bình Thạnh, An Nhơn, Mỹ Hưng… Đây cũng là các xã phát triển mạnh phong trào nuôi trồng thủy sản, có nơi kết hợp trồng lúa.
Cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư
Trước hết là đổi thay tích cực về hạ tầng giao thông, thủy lợi trên địa bàn huyện. Đã nhựa hóa được 50% tuyến quốc lộ 57, hệ thống giao thông về trung tâm các xã. Các tuyến như: đường về trung tâm 3 xã (Thạnh Hải, An Điền, Mỹ An), đường ra biển Đông, cồn Bửng cũng đang được đầu tư. Để đáp ứng yêu cầu phát triển nuôi thủy sản, tỉnh và huyện đầu tư nhiều công trình thủy lợi, gồm Dự án 1.000ha ở xã Giao Thạnh, cánh đồng Cây Trôm ở Thạnh Hải, Dự án thủy lợi phục vụ nuôi thủy sản 5 xã, Dự án 146ha ở An Điền… và nạo vét hàng chục tuyến kênh ở các xã An Qui, An Nhơn, Thạnh Phong, Thạnh Hải, An Thuận… tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân sản xuất. Thạnh Phú đang sôi động với hàng loạt công trình trọng điểm phục vụ cho phát triển kinh tế biển. Hiệu quả của những công trình nêu trên đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội Thạnh Phú. Theo thống kê, toàn huyện có 17 trại sản xuất tôm, hơn 40 cơ sở cung cấp thức ăn và thuốc trị bệnh, 89 cơ sở kinh doanh lớn nhỏ. Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư cũng thường xuyên phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện mở khoảng 60 lớp tập huấn, nhiều cuộc hội thảo, cấp phát tài liệu, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân thông qua câu lạc bộ nông dân, mô hình trình diễn. Khi Cảng cá Thạnh Phú hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ là cơ hội thuận lợi cho huyện tạo bước đột phá về lĩnh vực khai thác thủy sản, góp phần không nhỏ vào chiến lược đẩy mạnh phát triển kinh tế của huyện. Tuy nhiên, theo phân tích của huyện, tốc độ phát triển kinh tế của huyện trong thời gian qua còn chậm do nhiều nguyên nhân, trong đó đặc biệt là sự tác động về môi trường, thị trường. Thực tế, giá cả các nguyên liệu đầu vào liên tục tăng cao, trong khi giá các sản phẩm đầu ra lại biến động bất thường, có lúc thấp hơn giá thành sản xuất, khiến nông dân bị thua lỗ. Môi trường nuôi trong những năm gần đây cũng diễn biến theo chiều hướng xấu, cộng với ý thức của người nuôi, quản lý môi trường nuôi chưa thật sự chặt chẽ đã gây ra rủi ro, dịch bệnh trên các đối tượng nuôi, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Hậu quả làm cho người nuôi thua lỗ nặng, không có khả năng thanh toán vốn vay. Trong một vài năm gần đây, biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống của nhân dân vùng ven biển. Mới đây nhất, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, tôm nuôi đã chết hàng loạt dù người dân đã tuân thủ thời gian thả giống theo dự báo của ngành hữu quan. Các diễn biến đó đang đặt ra nhiều vấn đề cho huyện Thạnh Phú nói riêng và kinh tế biển của tỉnh nói chung.
Đồng bộ các giải pháp để phát huy thế mạnh kinh tế biển, mũi nhọn là ngành thủy sản
Thạnh Phú xác định kinh tế biển có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Trong Đề án phát triển kinh tế biển của huyện giai đoạn 2011 - 2015 có nêu rõ mục tiêu là phát huy tốt vai trò mũi nhọn của kinh tế thủy sản, nâng cao mức sống và giàu lên từ biển của người dân các xã ven biển. Thu nhập bình quân của người dân các xã ven biển được nâng lên bằng hoặc cao hơn mặt bằng chung của huyện. Phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm an ninh biên giới, an ninh chính trị và trật tự xã hội. Gắn phát triển kinh tế với xây dựng đời sống văn hóa và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng xã nông thôn mới. Cụ thể, huyện tiếp tục duy trì diện tích nuôi hiện có, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng, đánh bắt đi đôi với bảo vệ môi trường và mở rộng diện tích nuôi thâm canh để tăng năng suất và sản lượng. Đồng thời, đa dạng hóa các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, khuyến khích đầu tư phát triển tàu đánh bắt xa bờ. Động viên các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nuôi thâm canh, sơ chế và chế biến thủy sản để tạo cơ hội giải quyết việc làm và nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm... Để thực hiện, huyện cũng đã xây dựng nhiều giải pháp nhằm quản lý và phát huy tối đa các nguồn lợi về đất đai, thủy lợi, huy động mọi nguồn lực cho ngành kinh tế mũi nhọn. Tiến hành thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về cơ chế quản lý, về giống, về vốn, nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường và thị trường tiêu thụ. Chú ý xây dựng kế hoạch sản xuất sản phẩm sạch hơn đến năm 2015, tạo nền tảng cho phát triển bền vững ở giai đoạn tiếp theo, trước yêu cầu ngày càng gắt gao của thị trường; có sự chuẩn bị ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bài 3: BA TRI GẮN CHIẾN LƯỢC BIỂN VỚI TẬP TRUNG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP TOÀN DIỆN
Cảng cá Ba Tri góp phần khai thác lợi thế tiềm năng kinh tế thủy sản.
Những năm gần đây, kinh tế - xã hội của huyện biển Ba Tri được duy trì và phát triển. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 12,14%/năm. Cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp đã có sự chuyển dịch theo hướng khai thác tiềm năng, lợi thế của từng vùng sinh thái, với 3 thế mạnh là kinh tế thủy sản, kinh tế lúa + chăn nuôi đại gia súc và kinh tế vườn được tập trung chỉ đạo đầu tư và khai thác hiệu quả. Năm 2010, tỷ trọng nông - lâm - ngư nghiệp giảm còn 48%, công nghiệp - xây dựng chiếm 17%, thương mại - dịch vụ chiếm 35% trong cơ cấu GDP. Các thành phần kinh tế được tạo điều kiện thuận lợi để phát triển. Huyện đã thành lập và duy trì hoạt động 5 hợp tác xã (HTX) trên các lĩnh vực thủy sản, khai thác cát sông và vận tải thủy bộ, trong đó có 3 HTX khai thác thủy sản và 42 tổ hợp tác nuôi tôm công nghiệp, với tổng diện tích 322ha, góp phần quan trọng trong bảo vệ và khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân và ổn định an ninh nông thôn. Kinh tế trang trại đang có bước phát triển, với 41 trang trại chăn nuôi, trong đó có 37 trang trại nuôi bò nái sinh sản, với quy mô 10 con nái/trang trại, 1 trang trại nuôi heo nái sinh sản và heo thịt, 3 trang trại nuôi gia cầm. 5 làng nghề truyền thống ở nông thôn đã được khôi phục như làng nghề bánh phồng Phú Ngãi, làng nghề chế biến rượu Phú Lễ, làng nghề đan đát Phước Tuy, làng nghề sản xuất muối Bảo Thạnh, làng nghề chế biến cá khô Tiệm Tôm. Các ngành dịch vụ như thương mại, du lịch, vận tải, bưu chính viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm… phát triển khá và chất lượng được nâng lên, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng đa dạng về sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống dân cư. Giáo dục - đào tạo tiếp tục phát triển về qui mô và chất lượng; mạng lưới y tế cơ sở được đầu tư nâng cấp đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân; phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tiếp tục phát triển về qui mô và chất lượng; thể dục, thể thao quần chúng ngày càng mở rộng; công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xóa nghèo được tập trung thực hiện và đạt kết quả khá tốt. Tình hình an ninh chính trị, xã hội ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Hướng đến mục tiêu phát triển nhanh nền kinh tế, nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người, kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường, giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự xã hội, huyện biển Ba Tri đã xác định cơ cấu kinh tế từ nay đến năm 2015 vẫn là nông nghiệp toàn diện - thương mại, dịch vụ và công nghiệp, trong đó thương mại dịch vụ và công nghiệp phải chuyển dịch mạnh để trở thành ngành kinh tế chủ lực để đến năm 2020 cơ cấu kinh tế của huyện sẽ chuyển dịch theo hướng dịch vụ - nông nghiệp - công nghiệp. Định hướng phát triển các ngành kinh tế của huyện là: thực hiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, quy hoạch vùng nguyên liệu, chuyên canh, thâm canh quy mô lớn ở các vùng sinh thái, khai thác lợi thế tiềm năng đất đai, gắn với công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích. Cây lúa ổn định diện tích hơn 39 ngàn hec-ta, sản lượng hơn 190 ngàn tấn/năm. Diện tích đất trồng mía giảm dần xuống còn 200ha vào năm 2020 nhưng sản lượng tăng lên 36 ngàn tấn. Diện tích đất trồng dừa từ 1.413ha (năm 2010) tăng lên 1.615ha (năm 2015) và đạt 1.750ha vào năm 2020. Cây ăn trái và cây thực phẩm giữ vững diện tích nhưng tập trung tăng sản lượng thông qua áp dụng kỹ thuật và sử dụng giống mới. Chăn nuôi tập trung phát triển đàn bò và đàn heo, còn đàn trâu giảm dần theo tiến độ phát triển của cơ giới hóa. Thủy sản là một trong ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, trong đó tập trung phát triển nuôi trồng và đánh bắt. Phát triển số lượng và nâng công suất tàu đánh bắt xa bờ, giảm số lượng tàu khai thác ven bờ; khai thác thủy sản kết hợp với việc đảm bảo an ninh vùng biển. Huyện phối hợp cùng ngành hữu quan tăng cường ứng dụng, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân trong nuôi và khai thác thủy sản, đa dạng hóa đối tượng nuôi, định hướng ưu tiên phát triển các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, phục vụ cho chế biến xuất khẩu.
Huyện tập trung phát triển cụm công nghiệp thị trấn Ba Tri - An Đức; phát triển công nghiệp cơ khí, đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, dịch vụ hậu cần nghề cá, ngành chế biến thủy hải sản, khai thác nguồn lợi thủy sản tại chỗ và khu vực lân cận theo hướng sử dụng công nghệ hiện đại, tạo sản phẩm chất lượng cao, thâm nhập vào siêu thị và xuất khẩu. Nâng cấp, xây dựng hoàn chỉnh 29 chợ, trong đó tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh chợ An Ngãi Trung, Tân Xuân, Mỹ Chánh, Tiệm Tôm, đảm bảo chức năng trung tâm tiếp nhận, phát luồng hàng đến các chợ trong huyện và khu vực lân cận. Xây dựng trung tâm thương mại của huyện tại thị trấn Ba Tri, kinh doanh hàng hóa và các loại hình dịch vụ, phục vụ cho sản xuất của nhân dân địa phương và liên vùng Bình Đại, Giồng Trôm. Các xã Mỹ Chánh, An Ngãi Trung, Tân Xuân, An Thủy hình thành siêu thị, cửa hàng tiện ích kinh doanh tổng hợp. Xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là việc xây dựng thị trấn Ba Tri trở thành đô thị loại IV vào năm 2015; phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội ở các thị tứ: Mỹ Chánh, Tân Xuân, An Ngãi Trung, An Thủy. Huyện có giải pháp thực hiện hiệu quả công tác mời gọi đầu tư vào các điểm du lịch: Vàm Hồ, Cồn Hố, Cồn Nhàn, khu Lạc Địa - Phú Lễ, mộ Nguyễn Đình Chiểu, mộ Võ Trường Toản, mộ Phan Thanh Giản. Dự kiến thu hút khoảng 52.000 lượt du khách tham quan vào năm 2015.
Ở lĩnh vực giáo dục - đào tạo, huyện duy trì kết quả xóa mù chữ, phổ cập giáo dục trung học phổ thông (THPT); đào tạo nguồn nhân lực đạt 30% học sinh tốt nghiệp THPT trúng tuyển vào đại học, cao đẳng, 50% trung cấp chuyên nghiệp, hoặc trung cấp nghề, số còn lại theo học các lớp đào tạo nghề. Trung tâm đào tạo nghề của huyện được nâng cấp thành Trường Trung cấp nghề khu vực để đào tạo nghề cho 3 huyện biển Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú. Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện xây dựng hoàn chỉnh và nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng đáp ứng nhu cầu học tập trong nhân dân. Ngành giáo dục tăng cường sự phối hợp 3 môi trường giáo dục, kéo giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, lưu ban mỗi năm xuống còn dưới 2%; phối hợp cùng các đoàn thể, tổ chức xã hội nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là giáo dục đạo đức, truyền thống hiếu học, giáo dục pháp luật và phòng chống tệ nạn xã hội xảy ra trong học đường. Ở lĩnh vực y tế, trước hết tuyên truyền, vận động cộng đồng tích cực tham gia hoạt động của các chương trình y tế triển khai tại địa phương, duy trì hoạt động các dự án ODA đầu tư cho lĩnh vực y tế; xác định các loại hình đào tạo cán bộ phù hợp cho các tuyến từ xã đến huyện, tăng cường nhân lực và nâng dần trình độ chuyên môn cho cán bộ y tế. Đến năm 2015, huyện duy trì 100% trạm y tế có bác sĩ, 100% ấp, khu phố có nhân viên y tế hoạt động, 98% trạm y tế có cán bộ y học cổ truyền hoạt động; đầu tư xây dựng mới 100% trạm y tế xã, trong đó có 50% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất. Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Tri được đầu tư, nâng cấp, đầu tư cơ sở điều trị bệnh kỹ thuật cao để trở thành bệnh viện đa khoa khu vực của tỉnh, quy mô 250 gường, đạt 5 bác sĩ/vạn dân. Bên cạnh đó, việc nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho nhân dân cũng cần được quan tâm. Các công trình văn hóa thông tin từng bước nâng cấp, mở rộng và xây mới phù hợp với quy mô dân số, mở rộng đô thị và phát triển kinh tế. Đến năm 2015, 100% xã đạt danh hiệu Xã văn hóa, cơ bản hoàn thành tiêu chí huyện văn hóa và đạt 19 tiêu chí nông thôn mới ở 75% số xã, 98% hộ gia đình văn hóa. Đối với vấn đề xã hội, huyện thực hiện các chính sách xã hội, công tác giải quyết việc làm và giảm nghèo, phấn đấu mỗi năm kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo trên 2%; giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực đô thị vào năm 2020 còn dưới 1%. Nâng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động hợp lý ở khu vực nông thôn lên 90% năm 2015 và 95% năm 2020. Đảm bảo 100% số hộ ở thành thị và 80% số hộ ở nông thôn; 100% đơn vị văn hóa, trường học, trạm y tế, bệnh viện, cơ quan có hố xí hợp vệ sinh; 100% các hộ chăn nuôi có công trình xử lý chất thải. Ngoài ra, huyện còn tranh thủ tiếp cận các chương trình mục tiêu quốc gia và dự án trọng điểm như nước sạch, phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn và đô thị, giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực, phát triển kinh tế thủy sản, xóa đói giảm nghèo và thực hiện các chính sách xã hội…
UBND huyện đã thống nhất giao Ban Chỉ đạo thực hiện chiến lược biển và đề án phát triển toàn diện 3 huyện biển bám sát mục tiêu và chỉ tiêu đã được duyệt, theo dõi các diễn biến kinh tế - xã hội của huyện khi triển khai kế hoạch nhằm đánh giá, kiểm tra tiến độ và kết quả thực hiện; đồng thời đề xuất bổ sung và điều chỉnh mục tiêu, chỉ tiêu cho phù hợp với tình hình thực tế vào kế hoạch kinh tế - xã hội hàng năm của huyện. Cuối mỗi giai đoạn (năm 2015, 2020), Ban Chỉ đạo tổ chức đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch.