Đức cảnh báo đoàn kết EU ‘sụp đổ’ vì cấm vận dầu mỏ Nga

30/05/2022 - 11:07

EU đang chật vật tìm kiếm thỏa hiệp về kế hoạch áp lệnh trừng phạt dầu mỏ Nga.

Nhà máy lọc dầu Duna ở Hungary. Hungary là nước phản đối gay gắt ý tưởng trừng phạt dầu thô nhập khẩu từ Nga. Ảnh: Getty Images

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cảnh báo đoàn kết nội khối Liên minh châu Âu (EU) về trừng phạt Nga “bắt đầu sụp đổ’. Đây là bình luận cho thấy rõ chia rẽ, bất đồng trong EU về vòng cấm vận mới nhằm vào Nga. Vòng cấm vận mới là chủ đề dự kiến sẽ được lãnh đạo các nước thành viên EU thảo luận tại kỳ hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong hai ngày 30 – 31-5.

Phát biểu trên được đưa ra tại thời điểm đại sứ các nước EU đã thất bại trong việc tìm kiếm đồng thuận về gói trừng phạt thứ sáu chống Nga trong cuộc họp ngày 29-5 tại Brussels, Bỉ. Điểm mấu chốt nhất là điều khoản cấm vận dầu mỏ nhập khẩu từ Nga. Đây là điều khoản bị Hungary phản đối trong nhiều tuần qua.

“Sau khi Nga can thiệp quân sự ở Ukraine, chúng ta đã thấy rõ châu Âu có thể đoàn kết ra sao. Liên quan đến cuộc gặp thượng đỉnh ngày mai, hy vọng điều này sẽ tiếp tục được duy trì. Nhưng đoàn kết đó có dấu hiệu bắt đầu sụp đổ”, ông Habeck phát biểu trước báo giới ngày 29-5.

Bình luận của Bộ trưởng Kinh tế Đức cho thấy những khó khăn mà EU phải đối mặt trong việc tìm ra cách thức mở rộng trừng phạt Nga vì cuộc chiến ở Ukraine, nhưng đồng thời không được gây ảnh hưởng tiêu cực đối với các nền kinh tế trong EU phụ thuộc nhiều vào khí đốt, dầu mỏ nhập khẩu từ Nga. Theo ông Habeck, châu Âu vẫn là một khu vực kinh tế lớn với sức mạnh kinh tế vượt bậc. Một khi đoàn kết, EU có thể phát huy sức mạnh đó.

Giới chức ngoại giao EU trong ngày 29-5 nỗ lực tìm kiếm thỏa hiệp về áp cấm vận dầu mỏ nhập khẩu bằng đường biển từ Nga, nhưng miễn trừ với nguồn dầu thô được vận chuyển qua hệ thống đường ống. Nếu được triển khai trên thực tế, kế hoạch này sẽ chặn được khoảng 2/3 dầu thô xuất khẩu của Nga sang EU, nhưng vẫn bảo đảm duy trì dòng dầu thô xuất sang Hungary và một số nước khác, trong đó có Đức.

Giải pháp tiềm năng này được coi là biện pháp khả thi nhằm xử lý quan ngại về an ninh dầu mỏ mà Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc nêu ra. “Vấn đề thì vẫn vậy, nhưng điểm khác là cách thức mà chúng tôi tìm kiếm để xử lý khác biệt”, một quan chức ngoại giao cấp cao EU tiết lộ, đồng thời cho biết thỏa thuận cuối cùng chỉ có thể đạt được sau vài tuần nữa.

Giới chức ngoại giao EU dự kiến sẽ có cuộc gặp trong sáng 30-5 tại Brussels trước khi diễn ra cuộc gặp của Hội đồng châu Âu. Đây là nỗ lực vào phút chót nhằm tránh bất đồng không thể hàn gắn trong kỳ họp thượng đỉnh EU lần này. Một số quan chức lo ngại việc trừng phạt Nga dựa trên tiêu chí khác biệt về cách thức vận chuyển dầu thô sẽ phụ thuộc vào mức độ EU có thể chấp nhận “bóp méo” thị trường dầu mỏ ra sao.

Theo một nhà ngoại giao EU có tham dự trực tiếp vào tiến trình thảo luận trong nội bộ EU, nhiều nước đã nói rằng đây là một lĩnh vực kinh tế phức tạp và cần bước đi thận trọng để duy trì luật chơi công bằng. Sẽ phải cần thêm nhiều thời gian và nỗ lực đàm phán để xử lý các yếu tố liên quan đến pháp lý.

Một trong những lo ngại được nhiều nước đưa ra là các điều chỉnh về mặt kỹ thuật cần phải triển khai, hoàn tất để các nhà máy lọc dầu tại các nước Trung Âu có đủ năng lực xử lý nguồn cung dầu thô khác nhau. Cùng với đó là yêu cầu đặt ra về tài chính, xây dựng mạng đường ống để có thể tiến đến mục tiêu cấm vận toàn diện dầu thô từ Nga ở giai đoạn tiếp theo.

Lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga là một trong những nội dung chính của gói trừng phạt thứ sáu chống Nga được EU khởi động trong nhiều tuần qua. Tuy nhiên, EU đã không đạt được đồng thuận do Hungary cùng các quốc gia Đông Âu khác, những nền kinh tế phụ thuộc lớn vào nguồn cung dầu mỏ từ Nga, không ủng hộ gói trừng phạt này.

Theo kế hoạch ban đầu được Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra, EU có sẽ ngừng nhập khẩu dầu thô của Nga trong vòng 6 tháng và các sản phẩm tinh chế vào cuối năm 2022. Riêng Hungary và Slovakia được miễn trừ đến cuối năm 2023. Nhưng ý tưởng này cũng không đạt được thống nhất trong nội khối.

Nguồn: TTXVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN