Dự án nghiên cứu khoa học kỹ thuật của học sinh được trưng bày tại cuộc thi.
Các dự án đạt giải
Tại cuộc thi KHKT dành cho HS trung học năm học 2020-2021, một số DA được đánh giá cao về giá trị thực tế. Điển hình là DA: “Nghiên cứu, chế tạo thiết bị đo và xử lý nồng độ bụi trong quá trình sản xuất chỉ xơ dừa” của nhóm tác giả Võ Thị Nha Khoa (Trường THPT Quản Trọng Hoàng), Lê Đăng Quang (Trường THPT Che Guevara), huyện Mỏ Cày Nam; “Nghiên cứu và ứng dụng màng bao sinh học (biofilm) để hạn chế nấm bệnh và tăng khả năng bảo quản bưởi da xanh Bến Tre” của Trường THPT Phan Văn Trị…
Tuy nhiên, qua các năm chưa có ý tưởng, DA nghiên cứu nào của HS được các tổ chức, doanh nghiệp “đỡ đầu” để đưa vào cuộc sống. Đơn cử DA: “Hệ thống đèn giao thông giám sát, ghi nhận và nhắc nhở người vi phạm Luật Giao thông” của nhóm tác giả Vũ Anh Vy, Lê Huỳnh Yến Nhi, học sinh Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP. Bến Tre) đạt giải nhất cuộc thi KHKT dành cho HS trung học năm học 2019-2020. Hay DA “Ứng dụng công nghệ IoT để giám sát và điều khiển nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng trong nhà màng trồng dưa lưới” của nhóm tác giả Trần Thị Cẩm Tú, Lê Đăng Quang, học sinh Trường THPT Quản Trọng Hoàng và THPT Che Guevara (Mỏ Cày Nam) được đánh giá cao về tính ứng dụng thực tiễn nhưng hiện vẫn chỉ dừng lại tại cuộc thi.
Trưởng phòng Giáo dục trung học - Giáo dục thường xuyên Cao Minh Sơn thừa nhận: Các ý tưởng, DA của HS đều xuất phát từ thực tế cuộc sống nên có tính thực tiễn cao. Đối với đề tài đạt giải cao đều thể hiện sự dày công nghiên cứu của các tập thể và cá nhân HS, cũng như sự quan tâm đầu tư của nhà trường, giáo viên bảo trợ, tư vấn và hướng dẫn. Nhưng phần lớn các DA mới chỉ dừng lại ở ý tưởng, chưa đưa ra được thực tế cuộc sống. Đây là hạn chế của cuộc thi.
Nhiều HS có DA tại cuộc thi KHKT năm nay đều bày tỏ mong muốn DA của mình sẽ được đưa vào thực tế, ít nhất là trong phạm vi nhà trường hay tại địa phương. Lê Đăng Quang - HS lớp 12NC3, Trường Che Guevara, tác giả DA “Nghiên cứu, chế tạo thiết bị đo và xử lý nồng độ bụi trong quá trình sản xuất chỉ xơ dừa” đạt giải nhì trong kỳ thi KHKT HS trung học 2020-2021. Đăng Quang chia sẻ: “Em hy vọng DA nghiên cứu của nhóm có cơ hội được triển khai ứng dụng vào thực tế. Đó sẽ là động lực để chúng em tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu”.
Theo thầy Bùi Văn Tròn - giáo viên hướng dẫn HS thực hiện đề tài nghiên cứu KHKT của Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, hầu hết ý tưởng của các em gắn liền với thực tế. Tuy nhiên, quá trình đưa vào thực tiễn còn nhiều khó khăn về điều kiện tài chính để triển khai. Chưa tìm được đơn vị để tiếp tục thực nghiệm, hoàn thiện DA.
Giải pháp ứng dụng thực tế
Tìm hướng đi mới cho các DA nghiên cứu KHKT của HS, năm 2018, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã xây dựng sàn ý tưởng. Trong sàn ý tưởng sẽ cung cấp thông tin các DA của HS để cho các doanh nghiệp tham khảo, đặt hàng và phát triển ý tưởng phù hợp nhu cầu, điều kiện của đơn vị. Qua 2 năm triển khai, sàn ý tưởng chưa được quan tâm đúng mức nên chưa phát huy hiệu quả. Sở GD&ĐT đã có động thái mở rộng mối quan hệ giao lưu của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tìm đầu ra cho các DA của HS. Kết quả, có sự hỗ trợ kết nối của các trung tâm dịch vụ tư vấn có liên quan, nhờ đó các trường và HS có sự kết nối. Tuy nhiên, để sự kết nối thành công cần có sự quản lý mạnh hơn nữa, hiệu quả hơn nữa.
Trưởng phòng Giáo dục trung học - Giáo dục thường xuyên Cao Minh Sơn đề xuất: “Việc nuôi dưỡng ý tưởng nghiên cứu KHKT của các em trong nhà trường không là chưa đủ, cần sự hỗ trợ của xã hội. Trong đó, chủ yếu là các doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu tiếp cận với ý tưởng của các em, dựa vào đó tìm ý tưởng, sản phẩm để nghiên cứu kỹ lưỡng hơn. Tỉnh cần có cơ chế để doanh nghiệp quan tâm chung tay ngành GD&ĐT chăm lo làm “bà đỡ” cho các ý tưởng trong các trường học. Về phía quản lý nhà nước, lãnh đạo các cấp nên quan tâm và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đặc biệt ở địa phương gắn với hoạt động của nhà trường”.
Theo ông Cao Minh Sơn, về phía quản lý của ngành, phòng sẽ tham mưu sở tìm cách tạo ra khung thời gian để cho doanh nghiệp tham gia các hoạt động giáo dục của nhà trường. Qua đó, hiểu và nắm rõ những mục tiêu cũng như các hoạt động chính của giáo dục nhà trường hiện đại nhất trong thời kỳ đổi mới, trong đó có việc nghiên cứu KHKT.
“Sắp tới, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ xây dựng lại sàn ý tưởng phong phú hơn để làm cầu nối gắn kết giữa các doanh nghiệp với học sinh, hỗ trợ các em trong quá trình nghiên cứu khoa học với việc đưa ý tưởng, sản phẩm nghiên cứu vào thực tế”.
(Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo La Thị Thúy)
|
Bài, ảnh: Phan Hân