Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy, bài 1:

Dừa, bưởi da xanh, chôm chôm hình thành chuỗi rõ nét

19/09/2022 - 05:31

BDK - Qua hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy, ngày 5-8-2016 về xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025. Đến nay, có 3 chuỗi giá trị nông sản chủ lực hình thành khá rõ nét là dừa, bưởi da xanh và chôm chôm.

 

 

Đoàn giám sát HĐND tỉnh giám sát chuỗi dừa, tại Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới.

Điển hình chuỗi dừa

Trong 3 chuỗi hình thành khá rõ nét là dừa, bưởi da xanh, nhãn, chôm chôm, chuỗi dừa có quy mô lớn nhất, mức độ liên kết chế biến sâu và xuất khẩu. Chuỗi dừa thể hiện đầy đủ đặc điểm của 1 chuỗi sản phẩm, có hiệu quả và tạo ra giá trị gia tăng khá lớn cho ngành dừa của tỉnh.

Chuỗi dừa có sự liên kết đầu vào, gắn với vùng nguyên liệu tập trung, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, chặt chẽ. Khoảng 30% sản phẩm dừa trái của tỉnh được thu mua, đưa vào hoạt động chế biến sâu. Sản phẩm thâm nhập vào các thị trường lớn của khu vực và thế giới.

Diện tích dừa tham gia chuỗi 18.700/77,2 ngàn ha, đạt 24,2% tổng diện tích dừa toàn tỉnh. Sản lượng tham gia chuỗi 206.600 tấn/672.600 tấn, đạt 30,7% trong tổng sản lượng dừa toàn tỉnh, tức có trên 30% sản phẩm tham gia chuỗi, được chế biến sâu, xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn khó tính trên thế giới.

Trong chuỗi dừa có 52 tổ hợp tác (THT), 18 hợp tác xã (HTX) tham gia liên kết, tổ chức sản xuất, tiêu thụ với quy mô 3.152ha và 4.348 thành viên. Trong đó, xây dựng vùng dừa hữu cơ 3.077ha, đạt 16,4% hữu cơ trong tổng diện tích tham gia chuỗi.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp (DN) triển khai xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ với quy mô liên kết là 11.768,3ha (trong đó diện tích dừa hữu cơ là 8.691ha, có chứng nhận hữu cơ là 3.077ha) chiếm 16,21% tổng diện tích dừa.

Hoạt động liên kết chủ yếu ở chuỗi dừa công nghiệp. Riêng chuỗi dừa uống nước mới liên kết nhỏ, với 12 THT, có 299 hộ tham gia, với quy mô 131ha.

Các DN như Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) và Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới là hai đơn vị đầu tàu, có sự liên kết với nhiều HTX, THT để dẫn dắt chuỗi, chế biến sâu và xuất khẩu.

về Chuỗi bưởi da xanh và chôm chôm

So với chuỗi dừa, hai chuỗi bưởi da xanh và chôm chôm có mức độ liên kết chuỗi còn ngắn. Cụ thể, bưởi da xanh có diện tích tham gia chuỗi 347/9.442ha, chiếm 3,9%. Sản lượng tham gia chuỗi 1.200/89.950 tấn, chiếm tỷ lệ 1,3%. Có 32 THT, HTX tham gia chuỗi bưởi. Các DN liên kết tiêu thụ sản phẩm: Hoàng Quý, 868, Hương Miền Tây… Trong đó, diện tích bưởi tham gia sản xuất VietGAP là 113,2/9.442ha, chiếm 1,1%.

Diện tích chôm chôm tham gia chuỗi 57,9/3.787ha, chiếm 1,5%. Sản lượng 57,9/73.100 tấn, chiếm 0,7%, tự sản xuất tự tiêu thụ, gắn với doanh nghiệp để tiêu thụ và xuất khẩu rất ít. Thời gian đầu, chuỗi chôm chôm có DN Chánh Thu liên kết. Tuy nhiên, thời gian gần đây, DN này không liên kết tiêu thụ. Hầu hết, sản phẩm do dân tự sản tự tiêu.

Diện tích tham gia thực hành VietGAP 113,2/3.787ha, chiếm 2,9%. Ngân sách nhà nước đã hỗ trợ xây dựng 17 mã code vùng trồng cho thị trường Trung Quốc và châu Âu.

Kết quả giám sát thực hiện Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh Nguyễn Văn Quới đánh giá: Đến nay, có 3 chuỗi được hình thành khá rõ nét: dừa, bưởi da xanh, chôm chôm. Trong đó, chuỗi sản phẩm dừa là chuỗi lớn nhất, thể hiện đầy đủ đặc điểm của 1 chuỗi sản phẩm, có hiệu quả và tạo ra giá trị gia tăng khá lớn cho ngành dừa của tỉnh. Liên kết đầu vào gắn với vùng nguyên liệu tập trung, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, chặt chẽ. 30% sản phẩm dừa trái của tỉnh được thu mua chế biến sâu, thâm nhập vào các thị trường lớn của khu vực và thế giới.

Hai chuỗi bưởi da xanh và chôm chôm cũng đã hình thành chuỗi khá rõ nhưng có quy mô chuỗi nhỏ, ngắn, có tham gia xuất khẩu nhưng chủ yếu sản phẩm tươi, chưa đa dạng sản phẩm, chưa chế biến sâu, do đó chưa tạo ra giá trị kinh tế lớn cho chuỗi.

5/8 sản phẩm chưa hình thành chuỗi

Theo kết quả giám sát của đoàn giám sát HĐND tỉnh, các sản phẩm nhãn, hoa kiểng, heo, bò, tôm biển chưa đủ yếu tố để hình thành chuỗi.

Về chuỗi nhãn, toàn tỉnh có 1.889ha, sản lượng 13.152 tấn/năm. Sản phẩm nhãn hầu hết được tiêu thụ qua thương lái ở địa phương. Có 2 HTX tham gia sản xuất nhãn, có liên kết đầu vào, cung ứng vật tư nông nghiệp sản xuất, kỹ thuật, thương hiệu nhãn tập thể Long Hòa và Tam Hiệp. Chuỗi nhãn cũng chưa hình thành.

Về hoa kiểng, diện tích sản xuất hoa kiểng tham gia liên kết là 54/1.538ha, chiếm 4,1%. Sản phẩm tham gia liên kết 17/135 ngàn sản phẩm, chiếm tỷ lệ 0,7%. Phần lớn, nông dân sản xuất tự tiêu thụ trong thị trường. Chuỗi hoa kiểng chưa hình thành. Mức độ liên kết nhỏ chủ yếu tự sản xuất tự tiêu thụ.

Đối với heo, số lượng heo hơi tham gia liên kết 12.770/414 ngàn con, (năm 2021), chiếm 0,3%. Có 2 THT và 4 HTX tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm liên kết đầu vào, thức ăn gia súc 2 DN và liên kết đầu ra với Công ty TNHH MTV Thanh Thêm, tiêu thụ, giết mổ heo, cung ứng heo thịt cho các chợ, Bách hóa xanh trên địa bàn tỉnh. Chuỗi sản phẩm heo chưa hình thành.

Với bò, số lượng có tham gia liên kết 2.475/237.900 con, chiếm tỷ lệ 1%. Số lượng lớn còn lại, người dân tự tiêu thụ. Có 1 THT và 3 HTX tham gia liên kết tiêu thụ, chủ yếu bán bò hơi, bò giống. Chuỗi bò cũng chưa hình thành.

Với tôm biển, diện tích tham gia chuỗi giá trị 222/48.800ha toàn tỉnh, đạt tỷ lệ 0,6%. Sản lượng tham gia chuỗi 2.800/40.900 tấn, chiếm 6,28%. Diện tích, sản lượng tôm tham gia chuỗi chủ yếu là của DN, ngư trại nuôi có liên kết với DN ngoài tỉnh đầu tư chế biến và xuất khẩu. Còn lại hơn 98% diện tích nuôi tôm trên địa bàn và hơn 93% sản lượng tôm nuôi của tỉnh do hộ dân phổ biến nuôi quảng canh, thâm canh cải tiến, 2-3 giai đoạn theo phương thức tự sản tự tiêu.

Đánh giá về tính liên kết nông dân và DN ở từng chuỗi hàng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức cho hay: Nhận thức của người dân về hợp đồng pháp lý cũng còn hạn chế. Nhiều trường hợp, DN tổ chức xe đưa đón nông dân của hàng chục THT đến công ty để ký hợp đồng, nhưng đến nơi, chỉ có 1 nông dân chịu ký, còn lại không đồng ý vì e ngại ràng buộc và không đảm bảo lợi ích về sau.

Cũng theo ông Huỳnh Quang Đức, cần có chính sách thu hút nhiều DN chế biến sâu, đóng vai trò đầu kéo, dẫn dắt chuỗi phát triển mạnh hơn. Đồng thời, cần xây dựng những cơ chế ràng buộc trách nhiệm của hai bên, nhằm tạo cơ sở pháp lý, đảm bảo lợi ích, trách nhiệm của cả hai bên đối với chuỗi.

“Mặc dù có rất nhiều cố gắng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhưng các sản phẩm nhãn, hoa kiểng, heo, bò, tôm biển hình thành chuỗi chưa rõ, mới dừng lại ở mức độ liên kết từng phần, tiêu thụ sản phẩm với mức độ ngắn, lỏng lẻo, kém bền vững… Do đó, kết quả thực hiện chưa đạt mục tiêu nghị quyết đề ra. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, yếu kém, như việc tổ chức bộ máy điều hành HTX, thiếu năng lực hoạt động, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún…”.

(Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh Nguyễn Văn Quới)

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN