|
Một góc khu Forever Green Resort. Ảnh: H.Vũ |
Những vườn cây ăn trái trĩu quả, mát rượi, sạch tươm đã níu chân khách phương xa ngay lần đầu tiên dạo bước. Cứ vậy, những vườn cây ở Châu Thành ngày càng có nhiều du khách, đặc biệt là khách quốc tế “ghé ngang”. Và, loại hình du lịch mang tên “sinh thái” ở các xã ven sông Tiền này đã bắt đầu hình thành như sự tất nhiên của quy luật cung cầu.
Khi dân làm du lịch
Điểm du lịch sinh thái hoạt động thường xuyên ở Châu Thành đã đếm tới con số 23, cùng với nhiều vườn trái cây hoạt động theo mùa. Không phải chỉ có những vườn cây trĩu quả, vườn dừa mát rượi, mà ở đây còn có sự kết hợp nhiều sản phẩm du lịch mang nét đặc trưng xứ Dừa như phô diễn cách sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa, nghề làm kẹo dừa…, hay thú vui chèo xuồng trên sông, nghe đờn ca tài tử, tát mương bắt cá... Theo thống kê của UBND huyện Châu Thành, hàng năm, các điểm du lịch thu hút khoảng 500 ngàn lượt du khách, trong đó khách quốc tế chiếm 50%.
Tuy nhiên, với tiềm năng và “thâm niên” trên 10 năm thì du lịch sinh thái của Châu Thành chưa thật sự chạm tới “độ chín” cần có. Số lượng điểm du lịch trải dọc các xã ven sông Tiền đã nhiều đủ để có thể tạo nên tua du lịch với chuỗi các điểm đến lý tưởng. Nhưng, do chưa có sự khác biệt rõ nét ở mỗi điểm nên rất khó kéo dài thời gian lưu trú của khách. Với du lịch sinh thái, nét quê, sự trong lành nguyên sơ là thế mạnh. Du lịch ở Châu Thành có được điều đó, nhưng nét chân quê không đồng nghĩa với nghiệp dư, hời hợt. Chưa có đầu mối ổn định trong hoạt động tua, tuyến và cũng đã xảy ra hiện tượng cạnh tranh thiếu lành mạnh. Còn sản phẩm du lịch, tính về số lượng là khá nhiều nhưng cách thức hoạt động hầu như chưa đạt đến “tầng sâu”. Như với nghe đờn ca tài tử chẳng hạn, không phải chỉ dừng lại ở phần “nghe” mà yếu tố đủ của sản phẩm du lịch này cần có là sự kết hợp với giới thiệu văn hóa địa phương. “Đờn ca tài tử có hay về làn điệu, nhưng du khách nước ngoài nghe mà không hiểu lời ca nên rất dễ chán. Vừa thưởng thức, vừa hiểu sâu hơn về nghệ thuật, nét đẹp văn hóa vùng miền thì mới thú vị“ - một du khách nói.
Phát triển du lịch sinh thái mang tính cộng đồng tất nhiên không thể ngày một ngày hai. Song làm thế nào để sớm làm bật dậy tiềm năng du lịch ở vùng đất này là điều trăn trở của những người làm công tác quản lý của Châu Thành. Ông Trương Quốc Phong - Phó Chủ tịch UBND huyện phân trần, Châu Thành đang lắng nghe, tập hợp ý kiến của người trong cuộc, của những chuyên gia, nhà đầu tư để hoàn chỉnh kế hoạch phát triển du lịch địa phương, theo đề án chung của tỉnh.
Đòn bẩy từ sức mạnh đầu tư
Cùng với việc củng cố các điểm du lịch do chính người dân làm, mời gọi nhà đầu tư với những dự án lớn được xem là giải pháp để đánh thức tiềm năng vùng đất trù phú này. Một vài năm trở lại đây, nhiều nhà đầu tư bắt đầu quan tâm và có những dự án khá bài bản được đầu tư tại Châu Thành. Khu du lịch Forever Green Resort do Công ty TNHH Thương mại Lô Hội đầu tư trên diện tích 21ha tại xã Phú Túc trải dọc theo sông Tiền trong không gian êm ả và là khu du lịch sinh thái được đầu tư lớn và bài bản nhất tại Châu Thành và cả Bến Tre hiện nay. Hay Vườn du lịch Hàm Luông (Tân Phú) cũng đang tạo được dấu ấn bởi sự đa dạng trong cách tổ chức, phục vụ khách. Dự án Mekong Pearl (Tân Thạch) có vốn đầu tư trên 200 tỷ đồng trên diện tích 9ha, đang chuẩn bị khởi công, hứa hẹn sẽ làm bật dậy vùng đất đầy lãng mạn dưới chân cầu Rạch Miễu…
Ông Nguyễn Văn Minh - Bí thư Huyện ủy cho biết, du lịch sinh thái ở Châu Thành được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm, tìm hiểu. Song, chỉ những năm gần đây, khi một số tuyến đường trọng điểm của huyện như tỉnh lộ 884 đi Tân Phú, hương lộ 175 nối các xã từ An Khánh - Tân Phú và bến phà đi Chợ Lách được nâng cấp, các doanh nghiệp mới mạnh dạn đầu tư. “Cơ sở hạ tầng là yếu tố quan trọng để Châu Thành có được các khu resort cao cấp như hiện nay” - ông Minh khẳng định. Kêu gọi nhà đầu tư với dự án du lịch tầm cỡ sẽ làm đòn bẩy để bật dậy tiềm năng du lịch Châu Thành. Bên cạnh các khu cao cấp dành cho giới thượng lưu, du lịch cộng đồng chính là điểm mạnh cần tiếp tục khai thác, đầu tư của Châu Thành. Thời gian qua, lãnh đạo địa phương chủ yếu chỉ làm nhiệm vụ quản lý Nhà nước chứ chưa thể hiện được vai trò cầu nối, gắn kết giữa các cơ sở làm du lịch và điều đó cũng có phần vượt quá khả năng chuyên môn của cán bộ cấp huyện. Hiện tại, Châu Thành chỉ có một cán bộ kiêm nhiệm phụ trách lĩnh vực du lịch nên hầu như chỉ dừng lại ở mức độ hỗ trợ, vận động, tuyên truyền, còn định hướng về du lịch thì chưa thể... Châu Thành đang rất cần sự hỗ trợ nhiều hơn nữa của cơ quan chức năng trong việc củng cố và định hướng phát triển.