Dự kiến nội dung phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

27/09/2019 - 13:47

Theo dự kiến, phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 14 – 16-10-2019). Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo, công tác chuẩn bị Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV và quyết định nhiều vấn đề quan trọng khác.

Về nội dung, dự kiến tại phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ:

1. Cho ý kiến về các báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.
2. Cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 8 của Quốc hội.
3. Xem xét, phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Đại sứ.
4. Cho ý kiến về dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 8 của Quốc hội.
5. Cho ý kiến về báo cáo kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2019.
6. Cho ý kiến về báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.
7. Cho ý kiến về việc thực hiện Nghị quyết số 468/NQ-UBTVQH14 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và kiến nghị sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016 còn lại đã chuyển nguồn sang giai đoạn 2016 - 2020 theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 để thực hiện hạng mục bổ sung của một số dự án.
8. Cho ý kiến về việc bổ sung kinh phí mua bù gạo dự trữ quốc gia.
9. Xem xét, quyết định việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Bắc Giang; việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Thanh Hoá và thành lập thị trấn Nưa thuộc huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá; thành lập 03 phường Hoà Long, Nam Sơn, Kim Chân thuộc thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.

Để đảm bảo chất lượng thẩm tra và hiệu quả phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đơn vị chuẩn bị những nội dung thuộc trách nhiệm để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các cơ quan trình cần gửi hồ sơ tài liệu đúng thời hạn để các cơ quan của Quốc hội tiến hành thẩm tra. Các cơ quan thẩm tra tích cực, chủ động theo dõi tiến độ chuẩn bị các nội dung của cơ quan trình và tiến hành thẩm tra trước khi triệu tập phiên họp.

Nguồn: quochoi.vn

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN