An Hiệp là một trong những xã nghèo của huyện Ba Tri. Cuối năm 2017, theo tiêu chí mới, toàn xã có 759 hộ nghèo (chiếm 26,46%), 302 hộ cận nghèo (chiếm 19,5%). Nếu tính chung cả hộ nghèo, cận nghèo toàn xã thì chiếm khoảng 1.000 hộ vì xã có khoảng 2.869 hộ. Đây là bài toán khá nan giải cho lãnh đạo chính quyền địa phương trong công tác giảm nghèo.
Khảo sát mô hình trồng rau màu tại xã An Hiệp.
Chủ tịch UBND xã Lê Văn Chiến cho biết, toàn xã có tới 9 ấp, trong đó có 1 ấp nằm giữa sông Hàm Luông, phương tiện đi lại vô cùng khó khăn. Xã có khoảng 1.920ha, chủ yếu là trồng lúa, nuôi tôm, nuôi bò. Lực lượng lao động chủ yếu là phổ thông, không có tay nghề, với khoảng 1.870 lao động thường xuyên. Mặt khác, do xã nằm ven sông Hàm Luông nên chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn hàng năm rất lớn, thường kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4 hàng năm, độ mặn xâm nhập sâu vào các tuyến kênh nội đồng dao động từ 3 - 4%o, gây ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, đời sống của người dân.
Để góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, thời gian qua, Dự án AMD Bến Tre đã hỗ trợ cho xã xây dựng mô hình sản xuất thích ứng với biển đổi khí hậu khá hiệu quả. Qua hội thảo, tập huấn giới thiệu kiến thức cơ bản về biến đổi khí hậu; tiến hành xây dựng mô hình cụ thể, nhất là hỗ trợ cho các hộ nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Dự án đã tổ chức hoạt động cho vay mở rộng đến các nhóm hợp tác, hộ gia đình; hiện có 9 cụm, 46 nhóm, 159 thành viên, trung bình phát triển thêm 18 thành viên/năm (trong đó, có 144 nữ, 106 hộ nghèo, tổng dư nợ 693 triệu đồng). Từ nguồn vốn này đã giúp cho các hộ nghèo xoay vòng kịp thời để phát triển kinh tế gia đình.
Dự án cũng đã xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu như xây dựng công trình cống ngăn mặn ấp Giồng Nhựt, góp phần ngăn mặn, xả phèn cho cánh đồng lúa 178ha, 98ha dừa và cây ăn trái, hoa màu ven sông Hàm Luông; qua đó, năng suất lúa tăng từ 4 tấn/ha lên 5,2 tấn/ha, năng suất vườn dừa, cây trái tăng lên đáng kể. Dự án đã tài trợ cho 3 tổ hợp tác trồng cỏ kết hợp chăn nuôi gà mái đẻ, có 17 hộ tham gia (trong đó có 15 hộ nghèo, cận nghèo) và tài trợ cho 1 cơ sở ấp trứng gà ấp Giồng Chi để liên kết thu mua trứng gà và cung cấp thức ăn cho các tổ hợp tác với tổng kinh phí 975 triệu đồng (trong đó, vốn AMD là 448 triệu đồng, còn lại vốn của người hưởng lợi). Hiện nay, các thành viên tham gia các tổ hợp tác nuôi gà đẻ có nguồn thu nhập ổn định từ 4 - 5 triệu đồng/tháng từ việc bán trứng gà liên kết cung ứng cho các cơ sở ấp trứng. Các hộ này sẽ luân chuyển con giống và hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ nghèo khác để nhân rộng mô hình cho cộng đồng.
Đặc biệt, từ nguồn vốn hỗ trợ của Dự án AMD, xã đã phối hợp với 3 doanh nghiệp là Công ty TNHH MTV may mặc Tân An, Công ty TNHH MTV Đất sạch Phú Hưng Thịnh, Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Việt Tâm để tổ chức sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho người sản xuất. Hiện đã giải quyết việc làm cho 600 lao động, trong đó có 180 lao động nghèo, cận nghèo, có thu nhập bình quân khoảng 5 triệu đồng/tháng. Hiện các hoạt động hợp tác này đều theo chuỗi giá trị sản phẩm như người dân nuôi bò lấy phân cung ứng cho Công ty TNHH MTV Đất sạch Phú Hưng Thịnh, sau đó công ty sẽ cung cấp lại cho nông dân đất sạch từ phân trùn quế để sản xuất hoa màu theo hướng sạch, an toàn. Đồng thời, các hộ dân sẽ cung cấp rau sạch cho Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Việt Tâm chuyên thu mua và phân phối các sản phẩm nông nghiệp sản xuất sạch, an toàn, từ đó, người nông dân yên tâm sản xuất kết nối đầu vào cho đến đầu ra, làm giảm giá thành sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Chủ tịch UBND xã Lê Văn Chiến cho biết, hướng tới xã sẽ thực hiện hợp tác với Hợp tác xã Nông nghiệp Mỹ Chánh để kết nối với các hộ sản xuất theo chuỗi sản phẩm để cung cấp bò giống chất lượng cao, thu mua bò giống, bò thịt với giá cao hơn thị trường từ 10 - 15%. Đồng thời, hỗ trợ cung ứng dịch vụ thú y giảm 10%, thức ăn giảm 5%, nhằm tạo sự liên kết chặt chẽ hơn trong các khâu sản xuất.
Bài, ảnh: Vũ Tiến