Đột phá phát triển về hướng Đông

04/11/2020 - 07:05

BDK - “Phát triển Bến Tre về hướng Đông, huy động mọi nguồn lực cho phát triển nhanh, bền vững” là một trong 5 nội dung lớn của chủ đề Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đây là một chủ trương hoàn toàn mới, với ý nghĩa sẽ quyết định sự phát triển đột phá cho Bến Tre trong giai đoạn tới. Trước đó, vào tháng 8-2020, đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư do Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng làm trưởng đoàn đã thống nhất cao với chủ trương này của tỉnh.

Tỉnh đang tập trung phát triển điện gió ở các huyện biển. Ảnh: Hoàng trung

Phát triển về hướng Đông

Chủ trương phát triển Bến Tre về hướng Đông được đại biểu quan tâm và tập trung thảo luận sôi nổi tại Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Làm rõ thêm phạm vi nội hàm phát triển về hướng Đông, Phó bí thư Tỉnh ủy Trần Ngọc Tam cho rằng, trước hết hiểu kinh tế biển là phát triển những ngành kinh tế như nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, du lịch biển, nông nghiệp, đô thị, các dự án điện khí, điện gió…

“Phạm vi nội hàm phát triển về hướng Đông càng bao hàm hơn, rộng hơn. Trước hết, phát triển không gian về hướng Đông là để mở rộng không gian phát triển hướng ra biển. Hướng ra biển, phạm vi đất đai của tỉnh tương đối rộng. Đặc biệt, hoạt động nuôi trồng, đánh bắt có thể phát triển nhất định nhưng việc khai thác đất đai, tiềm năng ở biển hiện nay chưa nhiều. Nên việc cần mở rộng không gian; trong đó, có không gian lấn biển và phát triển các ngành kinh tế biển để không gian phát triển của tỉnh trong nhiệm kỳ tới và trong nhiệm kỳ sau này sẽ tốt hơn. Thứ hai, phạm vi định hướng về hướng Đông có bao gồm cả kinh tế biển. Thứ ba, về hướng Đông còn có ý nghĩa hướng đến việc đảm bảo quốc phòng, an ninh và thích ứng biến đổi khí hậu”, Phó bí thư Tỉnh ủy Trần Ngọc Tam nêu rõ.

“Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI có đề ra “tỉnh sẽ phát triển 1 đường ven biển”. Đường ven biển này có ý nghĩa vừa đầu tư phát triển giao thông, phục vụ cho sự phát triển kinh tế ven biển của 3 huyện biển, vừa là đường đê thực hiện dự án phòng chống biến đổi khí hậu. Việc phát triển về hướng Đông không có nghĩa là bỏ quên các địa phương khác hay bỏ quên TP. Bến Tre. TP. Bến Tre vẫn là trung tâm kinh tế - xã hội của tỉnh và các huyện khác cũng phát triển theo định hướng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và định hướng Nghị quyết Đại hội các huyện. Chúng ta kết nối làm sao để các huyện không có biển vẫn phát triển được. Minh chứng, trong Nghị quyết có đề ra nhiệm vụ, ngoài phát triển đường ven biển, chúng ta còn 3 đường Bắc Nam, 3 tuyến giao thông theo hướng Đông Tây. Tất cả các hướng giao thông đó sẽ kết nối các địa phương để kết nối phát triển kinh tế - xã hội về hướng Đông trong thời gian tới”, Phó bí thư Tỉnh ủy Trần Ngọc Tam thông tin thêm.

Nhiệm vụ, giải pháp đột phá

Là 1 trong 3 huyện biển của tỉnh, thời gian qua, Bình Đại có nhiều thuận lợi trong phát triển kinh tế biển, như: nuôi trồng, đánh bắt, hệ thống cảng cá, cảng biển, du lịch, năng lượng… Nhất là với đặc thù “biển phù sa”, Bình Đại có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái biển tại các xã: Thừa Đức, Thới Thuận, Thạnh Phước; có điều kiện thuận lợi để phát triển các dự án năng lượng tái tạo (điện gió và điện mặt trời)… Tuy nhiên, kết quả trên chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của huyện.

Đoàn công tác của UBND tỉnh khảo sát dự án đường ven biển tại huyện Thạnh Phú. Ảnh: Cẩm Trúc

Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Bình Đại Nguyễn Văn Dũng xác định: “Trong 5 - 10 năm tới, huyện sẽ tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế biển, trọng tâm là lĩnh vực nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ. Huyện cũng sẽ  tập trung xây dựng trở thành huyện trung tâm của tỉnh trong nuôi tôm biển công nghệ cao; phát triển mạnh năng lượng sạch, phát triển các khu, điểm du lịch ven biển, du lịch sinh thái, phát triển các khu dân cư và đô thị biển; chú trọng phát triển công nghiệp chế biến, nhất là chế biến thủy hải sản, tạo ra nhiều sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu”.

Để phát triển các lĩnh vực kinh tế đột phá nhằm khai thác tối đa tiềm năng từ biển và khu vực ven biển, Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Bình Đại Nguyễn Văn Dũng đề xuất một số giải pháp như: Tập trung đầu tư hạ tầng phát triển du lịch ven biển; vận dụng chính sách thu hút đầu tư phát triển du lịch, hình thành các khu nghỉ dưỡng, điểm du lịch sinh thái vùng ven biển như: khu du lịch tại xã Thừa Đức; cồn Chày Mười tại xã Thới Thuận; du lịch sinh thái dưới tán rừng xã Thạnh Phước…

Huyện cũng sẽ phối hợp với các ngành tỉnh hoàn thành việc giải phóng mặt bằng Khu công nghiệp Phú Thuận để thu hút các nhà đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; huy động nguồn lực đầu tư xây dựng Cụm công nghiệp Bình Thới để làm vệ tinh cho khu công nghiệp và trung tâm liên kết chuỗi sản xuất, cung ứng chế biến các sản phẩm thủy sản của huyện với tỉnh và khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Huyện Bình Đại cần hoàn thành tuyến đê biển và xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật kèm theo. Hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi thủy sản ở các xã. Đặc biệt, những vùng nuôi tôm thâm canh và nuôi ứng dụng khoa học công nghệ. Nâng cấp khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão tại sông Bình Châu, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá. Tranh thủ sự hỗ trợ từ cấp trên đầu tư nâng cấp đê ven sông Tiền và ven sông Ba Lai thành đường giao thông kết nối với huyện Châu Thành và TP. Bến Tre, hệ thống giao thông huyết mạch như: đường vành đai ven biển (quốc lộ 50), tuyến tránh Thị trấn Bình Đại, đường giao thông kết nối xã Thạnh Phước - Thừa Đức, cầu Cống Bể...

Bí thư Huyện ủy Thạnh Phú Lê Văn Khê cho biết, để đưa Thạnh Phú phát triển nhanh và bền vững kinh tế biển trong thời gian tới, huyện xác định phải tập trung theo hướng tạo đột phá trong huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực thúc đẩy kinh tế biển đi đôi với phát triển văn hóa và xây dựng con người Thạnh Phú; đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Phấn đấu đến năm 2025, Thạnh Phú đạt huyện nông thôn mới và phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng. Đến năm 2030, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và trở thành trung tâm năng lượng sạch của tỉnh.

Với chủ trương phát triển về hướng Đông nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, theo Sở Tài nguyên và Môi trường, thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục nghiên cứu triển khai có hiệu quả các mô hình canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với chuỗi sản xuất, hiệu quả kinh tế để bảo đảm sinh kế cho người dân; triển khai có hiệu quả dự án Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cải thiện sinh kế bền vững cho người dân Bắc Thạnh Phú, các công trình hồ chứa nước ngọt (dự án Hồ nước ngọt Lạc Địa, Hồ nước ngọt huyện Thạnh Phú…), nâng cấp các đoạn đê biển, đê sông xung yếu, xây dựng công trình thủy lợi ngăn mặn, giữ ngọt, công trình cấp nước sinh hoạt trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Tranh thủ mọi nguồn lực để triển khai các nhiệm vụ trọng tâm như Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17-11-2017 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long trong điều kiện biến đổi khí hậu, Dự án bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển du lịch bền vững (Chương trình hợp tác Việt Nam - Rumani), nhiệm vụ phát triển xã Hưng Phong (cồn Ốc) thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng…

Cẩm Trúc

 

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN