BDK - Ngành thủy sản là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Trong đó, có nuôi tôm nước lợ là ngành chủ lực, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh. Một trong những cột mốc đánh dấu sự phát triển về loại hình nuôi tôm nước lợ trong những năm gần đây là sự chuyển đổi nhanh từ hình thức nuôi thâm canh, bán thâm canh truyền thống sang nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao (CNC) trên địa bàn 3 huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú.
Thu hoạch tôm thẻ nuôi theo mô hình ứng dụng công nghệ cao tại huyện Thạnh Phú.
Chuyển đổi đột phá
Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ tư vấn nông nghiệp tỉnh Châu Hữu Trị, một trong những cột mốc đánh dấu sự phát triển về loại hình nuôi tôm nước lợ là sự chuyển đổi nhanh sang nuôi tôm ứng dụng CNC trên địa bàn 3 huyện biển. Cụ thể, với diện tích ban đầu từ 550ha vào năm 2018, đến cuối năm 2024, toàn tỉnh đạt 3.610ha, năng suất bình quân từ 60 - 70 tấn/ha mặt nước, lợi nhuận trung bình từ 700 - 800 triệu đồng/vụ nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Sản lượng nuôi tôm ứng dụng CNC đạt 90.250 tấn, chiếm trên 58% tổng sản lượng nuôi tôm nước lợ của tỉnh.
Năng suất nuôi tôm nước lợ thâm canh, bán thâm canh ngày được nâng cao như: Tôm thẻ chân trắng đạt từ 12 - 15 tấn/ha, tôm sú từ 6 - 8 tấn/ha, quảng canh, tôm lúa, tôm rừng đạt từ 250kg/ha. Ước tính giá trị ngành nuôi tôm nước lợ của tỉnh chiếm 53% so với tổng giá trị mang lại trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản.
Hoạt động sản xuất con giống ngày càng được nâng cao về chất lượng. Toàn tỉnh có 56 trại sản xuất ương dưỡng giống tôm, với tổng công suất thiết kế ước tính khoảng 6 tỷ con giống/năm. Trong đó, có 3 trại sản xuất giống quy mô lớn như: Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty TNHH MTV Việt Úc Bến Tre, Công ty TNHH Toàn Cầu. Riêng Công ty TNHH MTV Việt Úc được UBND tỉnh cấp chứng nhận Doanh nghiệp sản xuất giống CNC đã góp phần cung cấp nguồn tôm giống chất lượng cho tỉnh.
Tỉnh đã hỗ trợ chứng nhận BAP, ASC, với diện tích 136ha đối với nuôi tôm thâm canh, ứng dụng CNC và kết nối tiêu thụ với Doanh nghiệp chế biến xuất khẩu chuỗi cung ứng thủy sản Minh Phú và Công ty TNHH Chế biến thủy sản Việt Hải.
“Ưu điểm của mô hình này là đầu tư khép kín, cách ly được môi trường dịch bệnh giai đoạn đầu, nuôi mật độ cao, quản lý tốt được thức ăn và môi trường, nâng cao tỷ lệ sống, nuôi tôm lên cỡ lớn, tạo điều kiện tăng năng suất, sản lượng trên một đơn vị diện tích và đặc biệt là thuận lợi cho việc xử lý chất thải trong vụ nuôi”, ông Châu Hữu Trị cho biết.
Đầu tư hạ tầng vùng nuôi
Cơ sở hạ tầng cho vùng nuôi tôm nước lợ dần được hoàn chỉnh tại các vùng nuôi tập trung. Đặc biệt, sự quan tâm đầu tư hạ tầng để phát triển cho nuôi tôm biển ứng dụng CNC. Đối với các vùng nuôi tôm quy mô tập trung, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Công Thương đã đề xuất Cục Điện lực và năng lượng tái tạo xây dựng các trạm biến áp 110KV trên địa bàn 3 huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú. Dự kiến triển khai vào năm 2025.
Thu hoạch tôm nuôi ứng dụng công nghệ cao tại Thạnh Phú.
Tỉnh đang triển khai 3 dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản huyện Bình Đại, dự án Đầu tư hạ tầng kỹ thuật vùng nuôi tôm biển ứng dụng CNC huyện Bình Đại, dự án Hạ tầng vùng nuôi tôm ứng dụng CNC huyện Ba Tri, với tổng mức đầu tư 327 tỷ đồng. Đối với dự án Hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản huyện Bình Đại đã được hoàn thành đưa vào sử dụng.
Ngoài ra, tỉnh còn đầu tư lắp đặt 14 trạm quan trắc tự động để giám sát 12 thông số môi trường nước. Các thông số này được cập nhật liên tục 15 phút/lần về diễn biến môi trường vùng nuôi thủy sản nước lợ. Song song đó, quan trắc về mầm bệnh nguy hiểm ngoài môi trường như: đốm trắng, AHPND, IHHNV và EHP tại các vùng nuôi tập trung được duy trì nhiều năm nay. Đây là cơ sở cho các vùng nuôi làm căn cứ để triển khai sản xuất, tránh dịch bệnh hiệu quả.
Phần lớn nguồn vốn để phát triển nuôi tôm ứng dụng CNC từ doanh nghiệp và hộ dân với nhu cầu vốn để sản xuất nuôi tôm ứng dụng CNC ước tính 2.053 tỷ đồng. Trên cơ sở các chính sách về vay vốn để nuôi tôm ứng dụng CNC, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bến Tre đề nghị địa phương đề xuất nhu cầu vay vốn đối với các hợp tác xã, tổ chức, cá nhân. Đến cuối tháng 9-2024, dư nợ cho vay lĩnh vực này đạt 433 tỷ đồng.
Việc phát triển mạnh mô hình nuôi tôm ứng dụng CNC sẽ tạo điều kiện thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch của tỉnh năm 2024 và những năm tiếp theo, góp phần thực hiện theo đúng chủ trương chỉ đạo, mục tiêu của Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển 4.000ha nuôi tôm ứng dụng CNC đến năm 2025.
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Buội cho biết, hướng tới, ngành nông nghiệp khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất dựa trên các hộ/cơ sở nuôi phân tán, nhỏ lẻ hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã. Mục tiêu là mỗi huyện thành lập 1 hợp tác xã nuôi tôm nước lợ ứng dụng CNC đạt 100 tỷ đồng/hợp tác xã. Tập trung nguồn lực để phát triển sản xuất 3 vùng tập trung như: 100ha tại xã Bảo Thuận - Ba Tri, 300ha tại xã Thạnh Phước - Bình Đại và 100ha tại xã Giao Thạnh, Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú. Đồng thời, phát triển khu vực nuôi tôm nước lợ ứng dụng CNC có quy mô trang trại/hộ gia đình có diện tích từ 1 - 10ha, hướng dẫn đăng ký để đạt các tiêu chí và được chứng nhận cơ sở, doanh nghiệp nuôi tôm nước lợ ứng dụng CNC.
Tỉnh có 50.000ha tiềm năng nuôi thủy sản. Đến năm 2024, diện tích nuôi thủy sản gần 48.000ha, với tổng sản lượng nuôi đạt 329 ngàn tấn, trong đó các đối tượng chủ lực gồm tôm nước lợ (154.670 tấn), nhuyễn thể (16 ngàn tấn), cá tra (112.860 tấn), trên 90% sản lượng nuôi có giá trị kinh tế cao, chất lượng tốt phục vụ chế biến xuất khẩu. Trong cơ cấu diện tích nuôi trồng thủy sản, tôm nước lợ chiếm trên 75%.