Lợi thế lớn nhất của Việt Nam được xác định là sản xuất nông nghiệp, kinh tế biển, du lịch và năng lượng tái tạo. Đây cũng là cơ hội lớn nhất cho người khởi nghiệp (KN) ở Việt Nam. Tại một hội thảo về KN cấp khu vực đồng bằng sông Cửu Long mới đây, KN trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC) đối với các tỉnh đồng bằng rất được lưu ý.
Sản xuất nông nghiệp trong nhà màng tại Trung tâm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh.
Một số mô hình
So với canh tác truyền thống, một số mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật cao trong nhà màng có kỹ thuật nông nghiệp tiên tiến, ít phụ thuộc vào môi trường, tập trung vốn cao, gia tăng năng suất và chất lượng nông sản. Đơn cử, mô hình trồng trong nhà màng trên nền đất bình thường có ưu điểm là ít vốn, không yêu cầu kỹ thuật cao, có thể trồng hầu hết các loại rau ăn lá và một số loại rau ăn quả. Người trồng luôn có thể chủ động thời vụ, bón phân, tưới nước, phun thuốc sâu bệnh. Tuy nhiên, mô hình này có nhược điểm là còn nhiều nguy cơ sâu bệnh từ đất, không hoàn toàn chủ động được dinh dưỡng.
Mô hình trồng trong nhà màng trên giá thể có môi trường trồng trọt sạch, hạn chế sâu bệnh hại, nhất là các loại sâu bệnh cư trú trong đất, có thể trồng được nhiều loại rau ăn lá. Tuy nhiên, nhược điểm của mô hình là cần nhiều vốn hơn, kỹ thuật cao hơn trồng trên đất, phải có hệ thống trồng trọt (dụng cụ chứa giá thể, hệ thống tưới, hệ thống cung cấp dinh dưỡng) thích hợp. Mô hình trồng trong nhà theo phương thức thủy canh có nhiều ưu điểm hơn là môi trường trồng trọt sạch, không bị sâu bệnh từ đất. Nhược điểm là cần nhiều vốn (sàn nhà, bể trồng, vỉ ươm cây giống và vỉ trồng); kỹ thuật cao hơn trồng trên đất.
Thạc sĩ Từ Minh Thiện đã giới thiệu các tỉnh đồng bằng về các mô hình đạt hiệu quả cao tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh. Mô hình trồng rau ăn lá trên giá thể trong nhà màng áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt có năng suất trung bình 250 tấn/ha/năm, sản phẩm an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP. Rau được trồng quanh năm, không phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, mùa vụ… tăng giá trị sử dụng trên một diện tích đất, ít bị sâu bệnh.
Mô hình trồng dưa lưới trên giá thể trong nhà màng áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt cho doanh thu có thể lên tới 1 tỷ đồng/năm/4.000m2. Mô hình trồng cà chua bi trên giá thể trong nhà màng áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt cho năng suất trung bình là 100 tấn/ha/năm, doanh thu trung bình đạt 600 triệu đồng/năm/1.000m2. Mô hình trồng ớt trên giá thể trong nhà màng áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt cho năng suất trung bình đạt 45 tấn/ha/năm; doanh thu bình quân đạt 300 triệu đồng/năm/2.000m2.
Đối với một số loại cây trồng phổ biến các tỉnh đồng bằng hiện nay có thể áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cho hiệu quả cao. Với cây chuối, năng suất thường đạt 575 tạ/ha, tốn 176m3 nước, so với tưới nhỏ giọt, năng suất là 875 tạ/ha nhưng chỉ cần 97m3 nước. Với cà chua, năng suất thường đạt 320 tạ/ha, cần 30m3 nước, trong khi tưới nhỏ giọt cho năng suất 400 tạ/ha và chỉ cần 11,6m3 nước.
Chọn điểm khởi đầu
Bắt đầu KN từ nông nghiệp như thế nào? Thạc sĩ Từ Minh Thiện viện dẫn: Thực trạng nông nghiệp Việt Nam được coi là một thách thức cho phát triển kinh tế nông nghiệp cũng như đối với hội nhập quốc tế. Bởi nông nghiệp còn lạc hậu, canh tác chủ yếu theo phương pháp truyền thống, diện tích nhỏ lẻ, manh mún, không chủ động được thời vụ và chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường. Song, đây chính là cơ hội, là vùng đất mới màu mỡ cho người KN ở lĩnh vực NNƯDCNC. Bởi người KN hoàn toàn có thể dựa trên lợi thế và nền tảng về sản xuất nông nghiệp.
Ở một góc độ khác cần bàn, đó là tư duy và phẩm chất người KN. Đó là sự tự chủ, cam kết thực hiện các ý tưởng, linh động, gây ảnh hưởng, cạnh tranh, nghị lực cao, hướng về tương lai, sự tự tin, sự bền bỉ, phản hồi và cải tiến… KN ở lĩnh vực NNƯDCNC luôn đòi hỏi người KN phải tập trung vốn cao. Đây là trở ngại lớn cho phát triển NNƯDCNC. Tuy nhiên, người KN hoàn toàn có thể mời gọi được các nhà đầu tư lớn nếu hội đủ các phẩm chất trên.
Nhà đầu tư sẽ e ngại đối với một số doanh nghiệp KN không đủ sự kiên trì, chịu đựng, bỏ ngang, tính hoang tưởng về tính chất sản phẩm, thị trường hoặc sự tự tin quá mức, tính trung thực và minh bạch, tính kỷ luật, nhất quán giữa lời nói và việc làm. Ngược lại sẽ ấn tượng tốt với cá nhân KN nói ít và triển khai thực tế nhiều, thấu hiểu khách hàng và những quan tâm thực sự của nhà đầu tư về sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp, sự đam mê của cá nhân KN, dám đầu tư trọn thời gian, tiền bạc của mình cho công việc, cho sản phẩm và dịch vụ.
Thạc sĩ Từ Minh Thiện cũng lưu ý về cách KN. KN thường làm trước nay là bắt đầu từ ý tưởng. Theo đó, người KN sẽ sản xuất sản phẩm, rồi mới tìm hiểu thị trường, khách hàng và xác định, đánh giá đối thủ. Nhưng cách làm đúng phải là cần tìm hiểu thị trường, khách hàng; xác định, đánh giá đối thủ rồi mới đến việc xây dựng một ý tưởng hoàn hảo về sản phẩm. Sau đó là bắt tay vào sản xuất sản phẩm, xác định giá bán, thiết lập khung phương pháp, quảng bá sản phẩm. Về thị trường cần lưu ý 5 yếu tố cốt lõi là giá cả phải thật sự cạnh tranh, có khả năng cung cấp thường xuyên, đúng thời hạn, có khả năng cung cấp số lượng lớn, chất lượng tốt, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Qua đó cho thấy, KN lĩnh vực NNƯDCNC là cơ hội lớn cho người KN, cho doanh nghiệp KN. Để bắt đầu KN theo cách làm đúng là bắt đầu từ tìm hiểu thị trường, khách hàng và xác định, đánh giá đối thủ. Trong số ít người KN, doanh nghiệp KN ở đồng bằng đã thành công ở lĩnh vực này là Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ và Du lịch Phú An Khang. Doanh nghiệp KN này đã tiên phong phát triển NNƯDCNC kết hợp với du lịch trên mảnh đất làm nông nghiệp kém hiệu quả trước đó, mở đường cho NNƯDCNC tại tỉnh. Một số sản phẩm được đầu tư sản xuất theo phương pháp NNƯDCNC tại Khu du lịch Phú An Khang là dưa lưới, cà chua bi và dưa leo.
Bài, ảnh: Nhiên Luận