Đối phó với cúm - những bài học kinh nghiệm

28/04/2009 - 13:09

Hãng BBC vừa đưa ra các phân tích về những bài học được rút ra trong 12 năm qua kể từ khi chủng cúm gia cầm mới và đại dịch SARS xuất hiện, đúng lúc thế giới đang lo ngại về sự lây lan của cúm lợn.

Cúm lợn dù là mới xảy ra nhưng nó cũng tương tự như 12 năm trước đây khi một chủng cúm gia cầm mới xuất hiện ở Hongkong và bị coi là sự khởi đầu của một đại dịch cúm chết người.

Sáu năm đã trôi qua kể từ khi đại dịch suy hô hấp cấp tính nặng (SARS) bùng phát. Cả hai dịch đều tập trung ở châu Á nhưng khiến hơn 800 người chết trên toàn cầu. Kể từ thời điểm đó, các nước, các tổ chức đã có sự đầu tư lớn cho việc đối phó với đại dịch như đại dịch cúm. Không ít quốc gia đã học được nhiều bài học xương máu.

Tinh thần cởi mở

Một số quốc gia, giống như Trung Quốc đã nhận thấy rằng họ cần minh bạch hơn và phải tăng cường hệ thống giám sát và thông báo. Để ngăn chặn dịch lây lan, các trường hợp nhiễm bệnh phải được nhận diện nhanh chóng và hữu hiệu.

Các chính phủ đều phải nhận thức được việc chia sẻ thông tin là cần thiết.

Sự lo ngại về đại dịch cúm gia cầm đã buộc một số tổ chức như WHO đầu tư nhiều hơn vào các chiến lược ngăn ngừa. Hàng loạt cuộc hội thảo và tập huấn đã được tiến hành trong những năm qua để phát triển các chiến lược và đào tạo cách giải quyết đại dịch cúm.

Tiến bộ của khoa học

Nhiều chuyên gia đã được phái đi khắp nơi trên thế giới để đánh giá các quy trình và cho lời khuyên. Theo các nhà khoa học, việc đầu tư cho nghiên cứu ở quy mô toàn cầu đã có tác dụng. Hiện nay, họ ở trong thế ổn hơn nhiều so với 10 năm trước đây, chế tạo vắc xin nhanh hơn... 

Một số chuyên gia trong lĩnh vực này cho biết, hiện giữa các bên đã có sự hợp tác chặt chẽ nên việc sản xuất vắc xin cho loại H1N1 chỉ diễn ra trong vòng vài tháng. Các nhà khoa học, cũng như các chính trị gia, đã học được cách chia sẻ thông tin cởi mở hơn. Văn hoá bí mật và ganh đua tồn tại 10 năm trước đây đã được nêu ra và giải quyết trơng thời kỳ khủng hoảng SARS.

Hiện, ngày càng nhiều người nhận ra rằng mọi người tốt hơn là chia sẻ thông tin với nhau thay vì giữ cho riêng mình đồng thời hiểu rằng WHO nên giữ các kết quả các nghiên cứu vắc xin để có thể giúp những nước nghèo tiếp cận được với nó.

Nhận thức của cộng đồng

Chính phủ những nước đứng ở tiền tuyến của những cuộc khủng hoảng trước đã trở thành những nước được chuẩn bị tốt nhất.

Ngoài ra, ở những nơi mà người dân đã phải trải qua một mối đe doạ thì dường như công chúng sẵn sàng chấp nhận các quy định và thủ tục vốn hạn chế tự do cá nhân nhưng lại giúp bảo vệ họ.

Hong Kong là một ví dụ. Khu vực này vẫn duy trì việc đo thân nhiệt bằng màn hình, từng được áp dụng trong thời dịch SARS xảy ra. Theo đó, thiết bị này sẽ tự động hiển thị lên màn hình những người đang có nhiệt độ cao - dấu hiệu của cúm.

Các chính phủ, đặc biệt là ở những nước đang phát triển, cần có quyết định cứng rắn về việc dùng nguồn lực như thế nào. Nên đầu tư vào việc ngăn ngừa nhằm chống lại một cuộc khủng hoảng có thể xảy ra trong tương lai như đại dịch cúm  dù nó có thể không bao giờ diễn ra? Hay tập trung vào việc giải quyết ngay những vấn đề y tế thường nhật.

Các câu hỏi về loại cúm mới vẫn cần được giải đáp và tiến triển của nó vẫn chưa thể đoán biết được. Tuy nhiên, dù gì đi nữa, hầu hết các nước đều đã có kinh nghiệm đối phó với cúm gia cầm và dịch SARS.

Hoài Linh (Theo BBC) - nguồn VNN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN