Xây dựng con người Bến Tre phát triển toàn diện trong giai đoạn mới, bài 1:

Đổi mới, tăng cường giáo dục văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ

26/02/2021 - 06:47

BDK - Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định mục tiêu của tỉnh trong nhiệm kỳ mới là “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bến Tre đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững”, với quan điểm “khơi dậy tinh thần Đồng khởi, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của người dân Bến Tre trong phát triển kinh tế, phát huy các giá trị truyền thống, văn hóa, con người để sánh vai với các địa phương trong cả nước”. Để thực hiện mục tiêu này, công tác giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) giữ vai trò chủ đạo.

Học sinh tham gia Cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh năm học 2020-2021. Ảnh: Phan Hân

Đổi mới phương pháp giáo dục

Thời gian qua, việc triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Tỉnh ủy về xây dựng con người Bến Tre phát triển toàn diện bước đầu đã đạt những kết quả khả quan. Qua đó, nhận thức về xây dựng con người toàn diện gắn với gia đình hạnh phúc, tiến bộ và môi trường văn hóa lành mạnh được củng cố hơn. Nhiều gia đình có sự chú trọng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần một cách toàn diện, chăm lo cho các thành viên có điều kiện phát triển bản thân, làm kinh tế hiệu quả, vươn lên trong cuộc sống. Hệ giá trị con người Bến Tre được nhận định với các đức tính cơ bản là: yêu nước, yêu quê hương, đoàn kết, nhân ái, nghĩa tình, thủy chung, tự tin, có khát vọng vươn lên, có trách nhiệm với xã hội và có ý thức chấp hành pháp luật.

Công tác GD&ĐT thế hệ trẻ được quan tâm chuyển đổi theo hướng toàn diện, tạo được những bước chuyển mới. Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trường tích cực thực hiện các biện pháp đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục. Trước hết, chú trọng công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên, tăng cường kỷ cương, nền nếp dạy và học.

Trưởng phòng Giáo dục Trung học - Giáo dục thường xuyên, Sở GD&ĐT Cao Minh Sơn cho biết, nhiều năm qua, các trường trên địa bàn tỉnh đã đổi mới hoạt động giảng dạy, đẩy mạnh các hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Hầu hết, các trường phổ thông đã tăng cường hoạt động kết nối tri thức từ bài học trong chương trình giáo dục phổ thông, với kinh nghiệm thực tiễn, nhằm giải quyết các tình huống, vấn đề trong cuộc sống.

Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện có tác động tích cực đến việc hình thành nhân cách, phẩm chất đạo đức của các em học sinh. Để hoàn thành mục tiêu giáo dục cũng như góp phần tạo ra thế hệ trẻ năng động, sáng tạo, phát triển toàn diện, ngành GD&ĐT đã tăng cường các giải pháp đổi mới giáo dục. Trong đó, phải đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa, kỹ năng sống cho học sinh. Cụ thể như thực hiện nội dung dạy học các môn đạo đức, giáo dục công dân, trên cơ sở lựa chọn các nội dung phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý, tình cảm, nhận thức và sự phát triển của học sinh, xã hội và thời đại. Đồng thời, tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy các môn học theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học, phát huy tính tích cực của học sinh; tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong giảng dạy. Bên cạnh đó, chú trọng phát triển thể chất, nâng cao thể lực, tầm vóc người Bến Tre đồng bộ với nâng cao ý thức thẩm mỹ, khuyến khích tự học.

Đa dạng hình thức hoạt động

Ngoài nỗ lực của ngành GD&ĐT, các tổ chức chính trị - xã hội đóng vai trò quan trọng trong vận động xây dựng con người Bến Tre phát triển toàn diện, bồi dưỡng về lòng yêu nước, yêu quê hương và tự hào dân tộc, phát huy truyền thống cách mạng của địa phương.

Thời gian qua, ngành GD&ĐT đã phối hợp với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các tổ chức đoàn thể khác trong nhà trường tổ chức các hoạt động ngoại khóa như: hoạt động về nguồn, nói chuyện truyền thống, các đợt sinh hoạt chính trị “Tiếp lửa truyền thống - mãi mãi tuổi 20”, chăm sóc di tích lịch sử, văn hóa, nghĩa trang liệt sĩ... Đặc biệt, trong những năm gần đây, các trường còn phối hợp tổ chức cho học sinh tham gia các phong trào thanh niên tình nguyện, Chương trình “Học kỳ quân đội”, “Học làm người có ích”… Các hoạt động sinh hoạt ngoại khóa đã tạo môi trường thuận lợi, nhằm khơi gợi khả năng tư duy sáng tạo, phát huy thế mạnh cá nhân của từng học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Anh Phan Thanh Trẻ - Phó chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh, Trưởng ban Phong trào của Tỉnh Đoàn cho biết: “Trong triển khai, tổ chức các phong trào, hoạt động với sự tham gia của lực lượng đoàn viên, hội viên, thanh niên, học sinh, sinh viên, tổ chức Đoàn - Hội luôn chú ý lồng ghép các yếu tố văn hóa và giáo dục truyền thống văn hóa. Qua đó, góp phần bồi dưỡng cho cán bộ đoàn, thanh niên những giá trị, phát triển toàn diện bản thân.

Trong giai đoạn mới, định hướng trọng tâm của tổ chức Đoàn thanh niên là triển khai hiệu quả cuộc vận động xây dựng hình mẫu thanh niên Đồng khởi mới “Yêu nước - Bản lĩnh - Hiếu thảo - Tình nguyện” và xây dựng hình mẫu thiếu nhi Bến Tre “Cháu ngoan Bác Hồ - Không ngại việc khó - Thi đua sáng tạo”, góp phần hình thành nên đội ngũ thanh thiếu niên nòng cốt, tiêu biểu làm gương giáo dục cho thanh thiếu nhi toàn tỉnh.

Thông qua giáo dục ở nhà trường và các hoạt động đoàn thể sẽ góp phần bồi dưỡng về đạo đức, nhân cách, lối sống trong sạch, lành mạnh, tự trọng, tự chủ và năng động, sáng tạo, đề cao trách nhiệm cá nhân và gia đình.

Th. Đồng - Ph. Hân - A. Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN