Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể
20/11/2024 - 05:47
BDK - Năm 2024, tình hình phát triển kinh tế tập thể (KTTT) trên địa bàn tỉnh cơ bản đạt về số lượng và chất lượng. Các thành viên Ban Chỉ đạo phát triển KTTT tỉnh; các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố luôn chú trọng, quan tâm công tác xây dựng và củng cố hoạt động tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX), liên hiệp HTX. Các chính sách hỗ trợ KTTT được triển khai; hoạt động kết nối, xây dựng thương hiệu, sản phẩm OCOP, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, xúc tiến thương mại được triển khai thực hiện tốt.
Khâu sơ chế dừa tại Hợp tác xã Dừa xã Phú Long, huyện Bình Đại.
Thành lập mới 17 hợp tác xã
Hiện toàn tỉnh có 1 liên hiệp HTX với 7 thành viên, vốn điều lệ 200 triệu đồng. Năm 2024, tỉnh thành lập mới 17 HTX, đồng thời giải thể 3 HTX. Lũy kế toàn tỉnh có 205 HTX (trong đó có 184 HTX đang hoạt động; 21 HTX ngưng hoạt động) trên 7 lĩnh vực (công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, điện 10 HTX; nông nghiệp - thủy sản 163 HTX; Quỹ tín dụng nhân dân 8 quỹ; thương mại - dịch vụ - kinh doanh tổng hợp 12 HTX; giao thông - vận tải 7 HTX; tài nguyên môi trường 5 HTX) với tổng số 50.803 thành viên, vốn điều lệ 318,06 tỷ đồng. Đến nay đã thành lập mới 106 THT, đạt 212% kế hoạch năm; giải thể 41 THT; lũy kế toàn tỉnh có 1.215 THT với tổng số 21.836 thành viên.
Về hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, có 184 HTX đang hoạt động với doanh thu bình quân 2,484 tỷ đồng/năm; lãi bình quân 331 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân của thành viên, người lao động từ 6 - 7,5 triệu đồng/người/tháng. Một số HTX đã tạo được việc làm thường xuyên cho người lao động, thu hút lao động nhàn rỗi tại địa phương. Kinh tế hộ gia đình có bước phát triển hơn khi tham gia HTX, nhất là sản lượng hàng nông sản (chủ yếu dừa hữu cơ) mang lại giá trị kinh tế cao hơn so với vườn dừa chăm sóc theo mô hình truyền thống; giá cả vật tư nông nghiệp cung ứng cho thành viên bình ổn hơn so với giá mua ở thị trường bên ngoài.
Khi tham gia vào THT, HTX, nhất là các HTX có tham gia thực hiện chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, thành viên và người lao động được học tập để nâng cao kiến thức sử dụng giống, chăm sóc, quản lý dịch bệnh, sơ chế, được hỗ trợ áp dụng, chuyển giao kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, tiến tới sản xuất tập trung theo quy mô lớn, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo sự đồng nhất về chất lượng, kích cỡ, mẫu mã, bảo đảm các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, OCOP... Đây là cơ sở để thực hiện truy xuất nguồn gốc và xây dựng nhãn hiệu tập thể, hình thành thương hiệu sản phẩm của HTX... tạo điều kiện để sản phẩm của thành viên nâng cao giá trị, sức cạnh tranh trên thị trường.
Một số mô hình KTTT, HTX hoạt động có hiệu quả trong thực tế như: HTX Nông nghiệp Tân Phú (huyện Châu Thành) có 301 thành viên, thực hiện tốt việc xây dựng vùng nguyên liệu trái cây đặc sản của địa phương, đã đăng ký và được cấp chứng nhận mã số vùng trồng, sản phẩm OCOP 4 sao; HTX Dịch vụ nông nghiệp Công Bằng Hưng Lễ (Giồng Trôm) có 529 thành viên, chuyên cung cấp các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp trong thực hiện chuỗi giá trị cây dừa; HTX Nông nghiệp Định Thủy (Mỏ Cày Nam) có 143 thành viên, cung cấp các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp trong thực hiện chuỗi giá trị cây dừa, với diện tích 283ha đã được chứng nhận sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn châu Âu…
Nâng cao hiệu quả hoạt động
Phát triển KTTT là mục tiêu xuyên suốt của Đảng và Nhà nước. Trong thời gian qua, khu vực KTTT của tỉnh, nòng cốt là HTX đã có những chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng, song vẫn còn một số hạn chế nhất định. Để KTTT phát triển bền vững, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh, năm 2025, tỉnh sẽ tập trung triển khai Luật HTX năm 2023 và các văn bản hướng dẫn, sớm đưa quy định của luật đi vào cuộc sống. Thực hiện đúng quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về KTTT, HTX nhằm đổi mới toàn diện về nội dung, hình thức hợp tác, liên kết phù hợp với từng vùng, lĩnh vực.
Phát triển KTTT, HTX năng động, hiệu quả góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội. Thu hút đại bộ phận nông dân tham gia HTX và huy động ngày càng nhiều các tổ chức, doanh nghiệp tham gia hoặc liên kết với HTX. Quan tâm hỗ trợ phát triển KTTT, HTX nhằm nâng cao năng lực sản xuất, sức cạnh tranh và khả năng hội nhập kinh tế quốc tế, cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Bên cạnh đó, phát triển các THT, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng bền vững, có sự liên kết giữa HTX với nông dân và doanh nghiệp; liên kết chặt chẽ giữa phát triển sản xuất gắn với thị trường, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm; phát triển HTX gắn với du lịch cộng đồng. Xây dựng các THT, HTX hoạt động có hiệu quả tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh; tập trung chuyển giao ứng dụng khoa học, kỹ thuật cho thành viên. Kiểm tra, giám sát, tổng kết, khen thưởng và nhân rộng mô hình HTX tham gia đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả giai đoạn 2021 - 2025 và mô hình xây dựng, phát triển các HTX nông nghiệp hiệu quả toàn diện cấp huyện giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh.
“Năm 2025, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp: tuyên truyền, nâng cao nhận thức về KTTT, HTX; tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển KTTT, HTX; đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của KTTT, HTX; triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi để thúc đẩy phát triển KTTT, HTX; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về KTTT, HTX…”.