Ông T.V.N có nhu cầu tư vấn: Tôi là người thừa kế hợp pháp 2.500m2 đất lúa của cha mẹ để lại. Tháng 11-2022, tôi đi làm thủ tục để đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) thì phát hiện đất của tôi bị ông G (là người có đất giáp ranh) lấn 110m2 và đã được cấp GCNQSDĐ. Tôi yêu cầu ông G trả lại đất nhưng ông không đồng ý. Xin hỏi: Tôi phải làm sao để lấy lại đất đã bị lấn chiếm.
Thắc mắc của bà được luật sư Lê Vũ Hồng Huệ (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:
- Luật Đất đai năm 2013 quy định rõ ràng về tính hợp pháp, cơ sở pháp lý xác nhận quyền sở hữu của người sử dụng đất (SDĐ). Điều 4 Luật Đất đai quy định: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất (QSDĐ) theo quy định của luật này.
Điều 5 Luật Đất đai quy định: Người SDĐ được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận QSDĐ, nhận chuyển nhượng QSDĐ theo quy định của luật này. Theo đó, Luật quy định “Nhà nước công nhận QSDĐ là việc Nhà nước trao QSDĐ cho người đang SDĐ ổn định mà không có nguồn gốc được Nhà nước giao đất, cho thuê đất thông qua việc cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu đối với thửa đất xác định” (Khoản 9, Điều 3, Luật Đất đai).
Luật quy định: GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khắc gắn liền với đất (Khoản 16, Điều 3, Luật Đất đai).
Mặt khác, luật quy định về nguyên tắc SDĐ là phải đúng quy hoạch, kế hoạch SDĐ và đúng mục đích SDĐ; tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường và không làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của người SDĐ đất xung quanh. Luật cũng quy định về những hành vi bị nghiêm cấm, trong đó nghiêm cấm hành vi “lấn chiếm, hủy hoại đất đai” (Khoản 1, Điều 12).
Căn cứ các quy định trên và theo thông tin của ông cung cấp, nếu phần diện tích đất 2.500m2 của ông được hưởng thừa kế, trước đây đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp GCNQSDĐ. Tuy nhiên, đến tháng 11-2022 thì ông G (người SDĐ liền kề) đăng ký sau và cũng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp GCNQSDĐ chồng lấn lên diện tích đất ông và chiếm 110m2 đất của ông.
Trường hợp ông G chưa sử dụng đất này (110m2 đất lấn chiếm) thì ông có thể làm đơn kiến nghị gửi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (UBND cấp huyện) yêu cầu thu hồi GCNQSDĐ đã cấp cho ông G, nếu việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho ông G không đúng quy định của pháp luật.
Trường hợp ông G đã sử dụng 110m2 đất đã lấn sang phần đất của ông mà không chịu giao trả, thì ông có quyền yêu cầu UBND cấp xã tổ chức hòa giải vụ việc. Nếu hòa giải không thành thì ông có thể khởi kiện ra tòa án nhân dân cấp huyện (nơi có đất tranh chấp) để yêu cầu tòa án giải quyết.
H. Trâm (thực hiện)