Đôi điều suy nghĩ về phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch

04/10/2012 - 13:58
Làng nghề truyền thống hoa kiểng Chợ Lách gắn với du lịch sinh thái miệt vườn. Ảnh: H.Hiệp

Trên mọi miền đất nước ta, nhiều vùng quê có làng nghề gắn với những giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời. Hiện nay, cả nước có trên 2.000 làng nghề thủ công và thuộc 11 nhóm nghề chính như: Sơn mài, gốm sứ, thêu ren, mây tre đan, cói, dệt, giấy, tranh dân gian, gỗ, đá…

Các làng nghề thường nằm trên các trục giao thông đường bộ, đường thủy, giúp dễ dàng vận chuyển hàng hóa, là điều kiện thuận lợi để xây dựng và phát triển các tour, tuyến, điểm du lịch.

Lợi thế của việc phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch không chỉ thể hiện ở lợi nhuận kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương, mà còn bảo tồn những giá trị truyền thống ngàn đời của ông cha ta, là cơ hội để quảng bá hình ảnh đất nước, quê hương và con người Việt Nam.

Ngoài những lợi thế như cảnh quan, vị trí địa lý, nét văn hóa đặc sắc, các làng nghề truyền thống còn có sức hút đặc biệt. Bởi mỗi làng nghề lại gắn với một vùng văn hóa hay một hệ thống di tích văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, danh thắng.... Mỗi lần viếng thăm, du khách không chỉ được ngắm nhìn khung cảnh làng quê thanh bình, mà còn được tham quan nơi sản xuất, thậm chí có thể cùng tham gia làm sản phẩm. Các sản phẩm của làng nghề đưa vào thị trường du lịch là hướng tiếp thị khả thi, tạo hiệu quả kép, vừa phát triển du lịch vừa bán được sản phẩm. Theo các chuyên gia và từ kinh nghiệm thực tế, việc phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch cần hội đủ ba tiêu chí: làng văn hóa có nghề truyền thống, có thị trường và cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp.

Xứ dừa Bến Tre được thiên nhiên ưu đãi về cảnh quan sông nước hữu tình, cây xanh trái ngọt bốn mùa, không khí trong lành, thoáng mát, yên ả, những món đặc sản của sông, của biển, của miệt vườn… Tất cả tạo nên những di sản văn hóa miệt vườn hấp dẫn. Với đặc điểm trên, làng nghề ở đây cũng phát triển rất đa dạng và phong phú như: Sản xuất kẹo dừa, bánh tráng, bánh phồng, đan đát, dệt chiếu, kết thảm, hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa, sản xuất chỉ xơ dừa, than thiêu kết, sản xuất cây giống, hoa  kiểng, sản xuất rượu nếp đặc sản như rượu Phú Lễ, Bình Phú..., kềm kéo Mỹ Thạnh. Hoạt động làng nghề ở đây tuy không nhiều nhưng phù hợp với sự khéo léo của người dân sở tại.

Tuy nhiên, hạn chế của các làng nghề tại Bến Tre là chưa có một hệ thống chính sách hỗ trợ cho các làng nghề tiếp cận thị trường. Ngoài ngành sản xuất kẹo dừa, chỉ xơ dừa những năm gần đây đã cải tiến thiết bị sản xuất, nhiều ngành nghề khác thiết bị còn thô sơ, chậm được đổi mới. Mỗi làng nghề trong tỉnh đều có giải pháp “tự thân vận động”, thiếu sự phối hợp giữa các ngành liên quan trong xây dựng, quy hoạch làng nghề; chưa hình thành được một đơn vị đầu mối đứng ra tổ chức tiêu thụ sản phẩm chung cho làng nghề....

Để biến làng nghề thành các điểm dừng chân thú vị và thực sự thu hút du khách, trước hết đường sá phải thuận lợi, sản phẩm phải độc đáo, được sản xuất theo hướng hàng hóa du lịch, đáp ứng nhu cầu mua sắm của du khách. Điều quan trọng là các cấp, các ngành có liên quan phải thống nhất phối hợp định hướng phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch. Bên cạnh đó, còn phải có sự hưởng ứng tích cực của các công ty lữ hành, doanh nghiệp hoạt động du lịch và đặc biệt hơn nữa là phải có sự phối hợp đồng bộ giữa người dân làng nghề, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng và các doanh nghiệp du lịch để “du lịch làng nghề” phát huy hiệu quả.

Để việc phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch, trước mắt phải nhanh chóng chấn hưng làng nghề; xây dựng các thiết chế về làng nghề; phát triển các phòng trưng bày làng nghề; thiết kế tour du lịch đến các làng nghề.

Các cấp, các ngành có liên quan cần định hướng mỗi làng nghề có ít nhất một điểm tập trung hoặc một xưởng sản xuất, trình diễn các công đoạn cơ bản của quá trình sản xuất, để du khách xem và thử tham gia vào quá trình đó. Có như thế mới tạo được hứng thú cho du khách, giúp họ hiểu được ý nghĩa của sản phẩm, cảm nhận tâm hồn, tình cảm và tài hoa của người dân làng nghề. Từ đó, có thể thông qua du khách, những thông tin, quảng bá về du lịch làng nghề ở địa phương được bay xa.

Thanh Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN