Đôi điều rút ra từ việc xử lý sự cố môi trường bãi rác An Hiệp

13/10/2023 - 16:09

BDK.VN - Sau hơn 2,5 tháng phát sinh sự cố môi trường tại bãi rác An Hiệp, huyện Ba Tri, được sự quan tâm chỉ đạo tập trung, thường xuyên, quyết liệt của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH) 3 cấp tỉnh, huyện, xã và sự đồng thuận của đa số người dân, ngày 9-10-2023, rác thải sinh hoạt (của huyện Ba Tri, TP. Bến Tre và huyện Châu Thành) đã được chuyển vào bãi rác An Hiệp để xử lý theo đúng quy trình. Qua vụ việc này đã cho chúng ta một số kinh nghiệm rất cần thiết.

Đoàn công tác của tỉnh và huyện Ba Tri đến nắm tình hình khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường tại bãi rác An Hiệp ngày 17-8-2023. Ảnh: Đức Tài

Một số vấn đề từ thực tiễn

Hiện nay, rác thải sinh hoạt đã trở thành một vấn đề gây nhức nhối toàn cầu. Bên cạnh việc gây ảnh hưởng đến môi trường sống, rác thải đã và đang tác động xấu đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia, nhất là những nước đang phát triển. Rác thải thoạt nhìn tưởng là chuyện nhỏ, chuyện thường ngày của mỗi nhà, mỗi người, nhưng nó sẽ trở thành chuyện lớn, phức tạp một khi việc xử lý thiếu căn cơ, đồng bộ, bài bản, hiệu quả và việc xử lý rác thải cũng đang là bài toán nan giải của nhiều địa phương, trong đó có Bến Tre.

Rác thải ngày càng tăng về số lượng và tính chất nguy hại, trong khi đó tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt đạt rất thấp; phương pháp xử lý rác thải phổ biến nhất ở nước ta vẫn là chôn lấp và đốt thủ công. Đối với tỉnh ta, người thì đông, đất đai thì ít, địa phương nào cũng phải dành một diện tích đất nhất định (nơi nào có điều kiện thì diện tích khá hơn) để đưa rác vào xử lý bằng cách chôn, lấp. Điều này đã và đang là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường một cách nghiêm trọng, mà nếu không được kịp thời xử lý tốt thì sẽ gây ra sự bức xúc, khiếu nại, phản đối của một bộ phận người dân sống gần bãi rác, như vụ việc bãi rác An Hiệp vừa xảy ra thời gian qua. Có nhiều nguyên nhân khiến việc xử lý rác thải ở tỉnh ta gặp nhiều khó khăn: do chưa thực hiện việc phân loại rác tại nguồn, thiếu công nghệ,thiếu nguồn lực, ý thức của người dân... Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất vẫn là thiếu quy định và giải pháp đồng bộ.

Qua kết quả giải quyết, xử lý sự cố ô nhiễm môi trường tại bãi rác An Hiệp thời gian qua, cho thấy đây không đơn giản chỉ là vấn đề xử lý rác thải, mà thông qua vụ việc này đã giúp chúng ta rút ra nhiều kinh nghiệm, từ việc lắng nghe, tiếp thu, giải quyết, xử lý các phản ảnh, kiến nghị của người dân; đến việc phối hợp của các cấp, các ngành; việc đổi mới phương pháp công tác tuyên truyền, vận động; yêu cầu phải có giải pháp căn cơ trong vấn đề xử lý rác thải…

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam và lãnh đạo các ngành có liên quan đã có buổi tiếp xúc đối thoại với người dân 2 xã An Hiệp và An Đức (Ba Tri) về tình hình bãi rác An Hiệp. Ảnh: Trần Quốc

Người dân 2 xã An Hiệp và An Đức bày tỏ sự đồng thuận chủ trương và kiến nghị một số vấn đề liên quan đến bãi rác An Hiệp. Ảnh Trần Quốc

Thứ nhất, hiện tại, phần lớn các bãi rác ở các huyện, thành phố đều quá tải, Nhà máy xử lý rác thải tỉnh đang trong giai đoạn tái cơ cấu đầu tư, cần phải có thời gian mới hoàn thành đưa vào hoạt động, trong thời gian đó, rất cần sự chia sẻ, hỗ trợ của một số huyện (bãi rác An Hiệp, huyện Ba Tri ngoài tiếp nhận rác của huyện, tiếp nhận thêm rác của TP. Bến Tre và huyện Châu Thành; bãi rác huyện Thạnh Phú tiếp nhận rác của huyện Mỏ Cày Bắc…), nhưng thông tin này chưa kịp thời tuyên truyền, phổ biến đến nhân dân, nhất là các hộ trong khu vực gần bãi rác. Đây là “điểm nghẽn” thông tin mà thời gian qua các ngành, các cấp đã và đang tập trung tháo gỡ, nhưng vẫn chưa thật sự hiệu quả.

Thứ hai, phải luôn lắng nghe, tiếp thu và giải quyết, xử lý kịp thời các phản ảnh, kiến nghị của người dân. Tình trạng ô nhiễm môi trường ở bãi rác An Hiệp người dân đã nêu ý kiến từ trước đó (với xã, huyện, trong các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp…), nhưng chưa được các cấp, các ngành quan tâm xem xét giải quyết; cả khi nó được đặt lên bàn nghị sự ở một số hội nghị nhưng vẫn còn tư tưởng xem đó là “việc nhỏ không đáng”, nên “quả bóng trách nhiệm” cứ chuyển đi lên, rồi đi lòng vòng, phản ảnh, kiến nghị của người dân không được xem xét, trả lời, giải quyết, nên họ phản ứng cực đoan: ra ngăn cản không cho chở rác vào bãi. Kinh nghiệm rút ra là, khi người dân có ý kiến phản ảnh, kiến nghị dù lớn hay nhỏ, phải được các cấp, các ngành xem xét thấu đáo, phối hợp giải quyết, xử lý đúng, hết trách nhiệm, thẩm quyền. Việc xử lý rác thải tưởng là nhỏ, nhưng khi thành chuyện thì rất khó giải quyết.

Các xe chở rác trước khi rời khỏi bãi rác đều được rửa sạch. Ảnh Quang Duy

Thứ ba, công tác dân vận, tuyên truyền, vận động phải luôn đi trước một bước là yếu tố quyết định thành công. Phương pháp vận động phải hết sức cụ thể, sát đối tượng, kiên trì, linh hoạt, “mưa dầm thấm sâu”, “Đến từng ngõ - Gõ từng nhà - Rà từng đối tượng”; thông qua những người có uy tín (cán bộ hưu trí, người cao tuổi, chức sắc tôn giáo,…), lực lượng quần chúng tích cực để vận động, thuyết phục. Bên cạnh đó, các ngành chức năng phải tập trung triển khai thực hiện các nội dung, công việc đã cam kết, đã hứa với dân để làm cơ sở cho công tác vận động.

Thứ tư, trong quá trình giải quyết, xử lý vụ việc, phải có sự chỉ đạo, định hướng thường xuyên của cấp ủy, quan tâm thực hiện việc tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, đây là nhân tố quan trọng để tạo lòng tin của người dân; phải có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cấp, các ngành; kiên quyết nhưng khôn khéo, sáng tạo trong mọi tình huống; quán triệt quan điểm: phát huy dân chủ nhưng phải giữ gìn kỷ cương, pháp luật.

Thứ năm, kết quả xử lý sự cố môi trường bãi rác An Hiệp cũng là sự báo động và là bài học kinh nghiệm chung cho công tác vận hành việc thu gom, xử lý tại bãi rác các huyện còn lại, ngay từ bây giờ phải nhanh chóng, khẩn trương rà soát lại thực trạng, triển khai ngay các phương án giảm thiểu tác động đến môi trường để có giải pháp xử lý phù hợp.

Việc cần thực hiện trong thời gian tới

Trong thời gian tới, trên cơ sở quy hoạch phát triển tỉnh, cần phải hoàn thiện quy hoạch xử lý rác thải trong tỉnh một cách căn cơ; khẩn trương thực hiện có hiệu quả phương án tái cơ cấu đầu tư Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre; tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về sự tác hại của rác thải, về công tác quản lý, xử lý rác thải, xác định việc bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn dân.

Ngày 9-10-2023, bãi rác An Hiệp tiếp nhận rác trở lại được xử lý và phủ bạt. Ảnh Trần Quốc. 

Đối với bãi rác An Hiệp, tiếp tục triển khai công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận của người dân, đi đôi với tiếp tục triển khai các công việc nhằm khắc phục ô nhiễm môi trường, trồng cây xanh tạo cảnh quan, từng bước “xanh hóa bãi rác”; quan tâm chính sách an sinh xã hội, khám bệnh cấp thuốc miễn phí, xây tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết cho các hộ khó khăn về nhà ở… Đối với các bãi rác ở các huyện, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đồng tình, triển khai các giải pháp giảm thiểu, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.

Có chủ trương, chỉ đạo và kế hoạch triển khai việc phân loại rác tại nguồn, đồng bộ với quy trình, công nghệ thu gom, vận chuyển, xử lý rác đã được phân loại tại nguồn sau năm 2024 theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp làm nòng cốt trong tuyên truyền, vận động nhân dân tập trung thực hiện việc phân loại rác ngay từ hộ gia đình; đồng thời phát huy vai trò giám sát đối với công tác thu gom, xử lý rác thải và việc vận hành các bãi rác trong tỉnh.

Bùi Văn Bia - Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN