Đọc báo, nghe đài và cảm nhận

06/03/2020 - 08:03

BDK - Một buổi sáng nọ, đang lúc ngồi uống cà phê với hai anh bạn, bỗng tôi nghe đài phát bài: Bà Huởn cho nước thời hạn mặn. Đó là câu chuyện về bà Nguyễn Thị Huởn, sinh năm 1944, ngụ tại xã Phú Hưng, TP. Bến Tre, trong suốt 20 năm qua đã chia sẻ nguồn nước ngọt của gia đình cho bà con hàng xóm, người dân khu vực lân cận trong mỗi đợt hạn mặn.

Anh bạn tôi có lẽ nói đùa “Đúng là quởn”. Tôi thì không nghĩ vậy và cho đây là một việc làm đúng nghĩa, kịp thời, vì xung quanh bà còn có nhiều bà con đang “khát nước”, có lẽ “khát đến khô cả họng”, bằng chứng là ở tận Giồng Trôm, Châu Thành cũng có người tìm đến Phú Hưng, nơi bà Huởn có giếng nước ngọt để được nhận nước miễn phí.

Tỉnh mình đã và đang phát động phong trào thi đua “Đồng khởi mới”. Hồi còn làm công tác Tuyên giáo ở một huyện ven biển của tỉnh nhà, tôi được cử đi dự Hội nghị tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước do Quân ủy Trung ương tổ chức tại tỉnh từ ngày 12 đến 17-7-1982, được nghe nhiều bài tham luận của các tướng lĩnh, các nhà khoa học, sử học; trong đó, có tham luận của Đại tướng Hoàng Văn Thái mà tôi rất tâm đắc. Vốn công tác ngành tuyên giáo, tôi dành phần lớn thời gian diễn ra hội nghị để tiếp cận với cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý - tác giả của bài hát “Dáng đứng Bến Tre” nổi tiếng, vì ông không đăng ký phát biểu chính thức tại hội nghị. Nhân bữa cơm trưa tại Nhà hàng nổi, ông nói một câu rất ngắn gọn mà tôi vẫn nhớ cho đến tận giờ: “Nếu chúng ta phát động người dân Bến Tre mỗi người viết một đoạn ngắn về việc người ấy tham gia trong cuộc Đồng khởi 1960 thì Bến Tre sẽ có một pho sách dày về Đồng khởi”.

Đọc báo, xem, nghe đài được biết tỉnh nhà vừa tổ chức một loạt các hoạt động phong phú kỷ niệm 60 năm Ngày Bến Tre Đồng khởi, một lần nữa khẳng định giá trị, ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm vô cùng quý báu của cuộc đồng khởi năm xưa, từ đó, thôi thúc, động viên, cổ vũ mọi người dân càng tự hào về truyền thống của quê hương, càng thể hiện trách nhiệm, quyết tâm trong việc tham gia phong trào thi đua “Đồng khởi mới” hiện nay do Tỉnh ủy phát động.

Tôi nghĩ, “Đồng khởi mới” hôm nay là việc làm thường xuyên, liên tục và lâu dài, đó không phải là chuyện gì quá lớn, quá sức, mà mỗi người dân, tùy vào điều kiện, nguồn lực, sức lực của mình đều có thể hưởng ứng, tham gia, từ việc hưởng ứng Chương trình “Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp”, tham gia “Ngày Chủ nhật nông thôn mới”, đóng góp xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đến việc đồng lòng, chung sức phòng chống hạn mặn, cùng nhau trữ nước mưa, nước ngọt... Đó cũng là “Đồng khởi mới”. Đến đây, tôi lại nghĩ đến việc làm của bà Huởn, trong lúc tình hình hạn mặn khốc liệt, bà đã đi đầu giúp đỡ cộng đồng với nghĩa cử không hề vụ lợi và tôi tin chắc rằng sẽ có nhiều người khác nữa, cũng sẽ làm như bà, nếu chúng ta có cách phát động, nhân rộng kịp thời.

Tết năm nay, tôi dành nhiều thời gian để đọc báo, xem đài của tỉnh. Tôi có đọc bài “Từ truyền thống Đồng khởi nghĩ đến tương lai” của tác giả Võ Thành Hạo, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, tôi thật sự bị cuốn hút với lối hành văn tuy súc tích, ngắn gọn nhưng vô cùng sâu sắc, hàm chứa nhiều nội dung quan trọng, trích dẫn những ý kiến nhận định, đánh giá của những đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tướng lĩnh về Đồng khởi ở Bến Tre. Tôi tâm đắc nhất là “4 tự” mà nguyên Bí thư Tỉnh ủy nêu: “Tự hào” với quá khứ; “Tự ái” với hiện tại; “Tự tin” với tương lai và “Tự trọng” với chính mình. Đọc bài viết của ông, tôi hiểu: Đồng khởi năm 1960 là giải quyết mâu thuẫn địch - ta; còn “Đồng khởi mới” hiện tại là để giải quyết mâu thuẫn giữa thực trạng khó, nghèo với khát vọng vươn lên, sánh vai cùng các tỉnh bạn.

Trong suy nghĩ của mỗi người dân Bến Tre dù ở đâu, lúc nào, cũng nên như “Bà Huởn thời hạn mặn”, dù đó là việc làm nhỏ, nhưng đã góp phần rất lớn cho thành công của cuộc “Đồng khởi mới” trên quê hương xứ Dừa anh hùng.

Nguyễn Văn Thâu (Long Định, Bình Đại)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN