Doanh nghiệp triển khai thực hiện “4 tại chỗ”

19/07/2021 - 06:46

BDK - Thông tin từ Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh, 2 KCN Giao Long, An Hiệp và Cụm công nghiệp (CCN) Long Phước có tổng diện tích 280ha. Các khu, cụm có 45 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động, với khoảng 36 ngàn công nhân lao động (CNLĐ) trong và ngoài tỉnh. Hiện Ban Quản lý các KCN tỉnh đang triển khai thực hiện “4 tại chỗ” theo Thông báo số 2378 ngày 16-7-2021 về ý kiến kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam - Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh.

Công ty TNHH Chế biến nông sản Thuận Phong thực hiện “4 tại chỗ”, tiếp tục sản xuất và thi công giai đoạn 3.

Chủ động, linh hoạt

Hầu hết các DN rất quan tâm đến công tác phòng chống dịch Covid-19, có thành lập tổ, ban phòng chống dịch Covid-19; có kế hoạch và phương án cụ thể; thực hiện nghiêm “5K” theo khuyến cáo của Bộ Y tế…

Ông Lê Tuấn Kiệt - Phó trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết, ngay khi dịch Covid-19 xảy ra đầu năm 2020, Ban Quản lý đã thành lập Tổ công tác phòng chống dịch và có phân công cụ thể từng thành viên theo dõi, hỗ trợ DN. Thường xuyên nắm bắt thông tin, theo dõi việc thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh và tình hình lao động trong các KCN. Ngoài ra, còn phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) xây dựng kế hoạch giám sát, tập huấn hướng dẫn các DN thực hiện tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại nơi làm việc; hướng dẫn thực hiện “5K” của Bộ Y tế, các phương án phòng chống dịch khi có trường hợp mắc Covid-19 tại cơ sở sản xuất (SX), kinh doanh, KCN.

Đặc biệt, lập danh sách người lao động (NLĐ) làm việc tại DN để phục vụ công tác truy vết phòng chống dịch Covid-19. Xây dựng phương án phối hợp giữa Ban Quản lý các KCN tỉnh và Công đoàn các KCN tỉnh xử lý tình huống khi phát hiện NLĐ trong các KCN nhiễm, nghi nhiễm Covid-19 và các chế độ, chính sách đối với NLĐ trong tình hình dịch bệnh.

Đến nay, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã xây dựng kế hoạch phòng chống dịch Covid-19 trong các KCN trên địa bàn tỉnh và tổ chức diễn tập cho đại diện các KCN xem rút kinh nghiệm tại Công ty TNHH May mặc Alliance One (KCN Giao Long); Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Bến Tre (KCN An Hiệp).

Phương án “4 tại chỗ”

Có 45/45 DN trong các khu, CCN đăng ký mua vắc-xin cho 33,5 ngàn lao động. Trong thời gian tới, Ban Quản lý các KCN tỉnh tập trung đồng bộ các giải pháp như trên. Đặc biệt là triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Quyết định số 23/QĐ-CP ngày 7-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Doanh nghiệp triển khai thực hiện “4 tại chỗ”.

Nhằm đảm bảo “mục tiêu kép”, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh đã có Thông báo số 2378; trong đó nêu rõ việc tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 đối với DN trong các KCN trên địa bàn tỉnh. Các DN xây dựng, thực hiện phương án SX theo phương châm “4 tại chỗ”: SX tại chỗ, ăn uống tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ và phòng chống dịch tại chỗ. Đồng thời, triển khai test nhanh cho CNLĐ làm trong DN mình, có thể hợp đồng với đơn vị y tế tư nhân có đủ năng lực để tổ chức xét nghiệm.

Thông báo số 2378 nêu rõ: “Các DN trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt cho NLĐ và tổ chức thực hiện nghiêm các giải pháp phòng chống dịch tại DN. Sau ngày 20-7-2021, DN nào không đảm bảo được “4 tại chỗ” sẽ tạm ngưng hoạt động đến khi có thông báo mới”. Phó trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Lê Tuấn Kiệt cho biết: Có 100% DN trong các khu, CCN nói trên đã tập huấn phương án “4 tại chỗ”. Nhiều DN đã đáp ứng như: Công ty cổ phần Chăn nuôi CP, Công ty TNHH Chế biến nông sản Thuận Phong…

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Chế biến nông sản Thuận Phong (KCN Giao Long) Phạm Văn Tứ cho biết: Công ty đã trang bị đầy đủ điều kiện cho CNLĐ ăn, nghỉ tại nơi SX. Công tác phòng chống dịch Covid-19 tại chỗ được tập trung thực hiện nghiêm, nhằm đảm bảo hoạt động SX tại đơn vị diễn ra bình thường, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu theo hợp đồng. DN cũng đã đăng ký mua vắc-xin cho đội ngũ CNLĐ tại đơn vị. Thực hiện nghiêm “4 tại chỗ” cũng là giải pháp để công ty tiếp tục thi công giai đoạn 3 là xây dựng nhà máy SX các sản phẩm từ dừa. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành và hoạt động vào cuối năm 2021.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, giá trị sản xuất trong các khu công nghiệp đạt trên 8,4 ngàn tỷ đồng, đạt 40,6% kế hoạch. Dự kiến trong 6 tháng cuối năm 2021 sẽ tăng thêm do doanh nghiệp nhận được nhiều đơn đặt hàng xuất khẩu của các nước châu Âu, các nước hoạt động bình thường lại sau công tác phòng chống dịch; sự dịch chuyển sản xuất từ “các doanh nghiệp mẹ” ngưng hoạt động từ Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN