Doanh nghiệp cùng vượt khó để ổn định sản xuất kinh doanh

30/05/2012 - 13:52

Giữa tháng 5-2012, chúng tôi có dịp cùng đoàn khảo sát của lãnh đạo tỉnh đến các doanh nghiệp tại Khu công nghiệp An Hiệp (Châu Thành) để nắm tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh.

Chế biến cá da trơn xuất khẩu tại Công ty Gò Đàng.

 

Điểm đầu tiên chúng tôi đến là Công ty cổ phần thủy sản Hải Hương. Đây là một nhà máy vừa mới xây dựng, được trang bị khá hiện đại, đã đi vào hoạt động được gần một năm, chuyên sản xuất, chế biến các mặt hàng thủy sản xuất khẩu. Nhà máy có công suất thiết kế 150 tấn/ngày. Theo ông Nguyễn Minh Hải - Tổng Giám đốc Công ty, tình hình sản xuất kinh doanh năm nay có nhiều thuận lợi. Từ đầu năm đến nay, sản xuất được 3.486 tấn thành phẩm, tương đương với 7,08 triệu USD gồm cá fillet, dầu cá, bột cá. Kim ngạch xuất khẩu hiện nay là 5,31 triệu USD. Dự kiến trong các tháng còn lại của năm sản xuất thành phẩm đạt 6.020 tấn, tương đương 12,2 triệu USD. Sản xuất kinh doanh ổn định, Công ty đã giải quyết lao động cho khoảng 1.019 người, trong đó lao động trực tiếp 864 người, thu nhập bình quân 4,057 triệu đồng/người/tháng. Điều đáng ghi nhận là Công ty đã thu hút được lực lượng lao động có tay nghề và nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chế biến; có đội ngũ nhân viên điều hành quản lý đã qua đào tạo và có kinh nghiệm thực tế. Công ty đã có vùng nguyên liệu khá ổn định, khoảng 50ha nuôi cá da trơn tại các xã: Tiên Long, Cẩm Sơn (Bến Tre) và Vĩnh Long nên đã chủ động phần lớn nguyên liệu đầu vào. Riêng về vốn hoạt động, Công ty đã chủ động xây dựng kế hoạch từ rất sớm nên khó khăn không nhiều. Tuy nhiên, để sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao hơn, Công ty đề xuất với tỉnh sớm giao mặt bằng còn lại để Công ty tiếp tục triển khai giai đoạn II xây dựng nhà máy chế biến thức ăn, tạo vòng khép kín sản xuất chế biến, xuất khẩu tăng hiệu quả đầu tư. Đồng thời, cho mở rộng thêm diện tích nuôi cá tra để tạo nguồn nguyên liệu ổn định. Bởi hiện nguồn nguyên liệu mới chỉ đáp ứng được 2/3 công suất nhà máy, cho khai thác nước mặt phục vụ quá trình chế biến.

Đối với Công ty Cổ phần Mía đường Bến Tre, trong vài năm gần đây, diện tích mía của Bến Tre giảm đáng kể, chỉ còn khoảng 3.500ha, trong khi công suất của nhà máy rất lớn, nên chỉ đáp ứng 53% công suất. Chính vì vậy, để bảo đảm nguồn nguyên liệu, Công ty đã chủ động đầu tư với nhiều hình thức. Năm 2011-2012, Công ty ký hợp đồng đầu tư với nhà vườn khoảng 2.168ha, tổng sản lượng đạt 163.000 tấn, trung bình 75

tấn/ha. Đã triển khai Dự án trồng mía trên đất nhiễm phèn mặn do Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ, đã xuống giống 50ha, đạt 100% diện tích của dự án. Dự án sản xuất mía có năng suất, chất lượng cao của tỉnh đầu tư cũng đã xuống giống 30ha, đạt 100% diện tích Dự án. Từ việc xác định nguyên liệu là yếu tố sống còn của nhà máy nên từ năm 2011, Công ty đã đầu tư trồng thử nghiệm 1ha mía tại Tân Phước (Tiền Giang), mía phát triển tốt, mở ra triển vọng phát triển vùng nguyên liệu lớn cho Công ty. Năm 2012, Công ty mở rộng diện tích 50ha để chuẩn bị trồng đại trà tại vùng này. Cùng với phát triển vùng nguyên liệu, Công ty cũng đã tập trung đầu tư cải tạo và nâng cấp nhiều thiết bị như lò hơi được nâng cấp từ 20 lên 25 tấn hơi/giờ; các trục ép được thay mới, đầu tư mới các máy ly tâm tự động thế hệ mới. Mặt khác, lượng mía cung cấp đủ cho nhà máy nên công suất nâng lên ổn định 2.300 tấn/ngày. Tổng doanh thu 459 tỷ đồng, vượt 23%, lợi nhuận trước thuế 39 tỷ đồng, tăng 195%, thu nhập bình quân 3,8 triệu đồng/người/tháng, tăng 1,4 triệu đồng. Đây là năm có kết quả cao nhất từ khi nhà máy đi vào hoạt động đến nay. Riêng trong gần 5 tháng đầu năm 2012 sản lượng mía huy động 162.000 tấn, đạt 54% kế hoạch năm, đầu tư 1.875ha mía trồng mới, đạt 78% kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu, doanh thu 176 tỷ đồng, lợi nhuận 8 tỷ đồng.

Công ty TNHH một thành viên chế biến dừa Lương Quới - Chi nhánh Thành Vinh đã có sự thay đổi khá lớn. Công ty đang đầu tư gần 100 tỷ đồng để xây dựng và mở rộng nhà máy. Ông Cù Văn Thành - Giám đốc Công ty cho biết, trong hơn 5 tháng qua, ước doanh thu 151 tỷ đồng, trong đó kim ngạch xuất khẩu 6,4 triệu USD, đã thu hút được 160 lao động, lương bình quân 4,7 triệu đồng/người/tháng. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là cơm dừa nạo sấy béo cao, dầu dừa thô, cám dừa, thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Đông, Nam Phi, Bắc Phi, Thái Lan, Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật, Nga. Thuận lợi cơ bản là Công ty có mạng lưới thu mua nguyên liệu khá ổn định và rộng khắp ở Châu Thành, Mỏ Cày Nam, Bình Đại, Giồng Trôm và đã xây dựng thị trường tiêu thụ sản phẩm khá ổn định, được khách hàng tin tưởng và đánh giá cao. Nguồn vốn vay ngân hàng khá thuận lợi. Tuy nhiên, do chủ yếu là hàng xuất khẩu nên chịu ảnh hưởng đầu ra rất lớn của thị trường thế giới. Mặt khác, dừa Bến Tre còn phải chịu sự cạnh tranh của các nước có sản lượng dừa lớn và chế biến lâu đời như Philippines, Sri Lanka, Indonesia, Thái Lan. Để tháo gỡ khó khăn, Công ty tiếp tục thực hiện phương châm “an toàn - chất lượng - trách nhiệm để phát triển bền vững”. Tiếp tục xác định tiêu thụ sản phẩm là vấn đề quan trọng quyết định sự tồn tại và phát triển trong giai đoạn hiện nay. Cho nên, việc tích cực tìm đầu ra cho sản phẩm được doanh nghiệp đặt lên hàng đầu với chiến lược kinh doanh năng động, mềm dẻo và hợp lý. Trọng tâm xuất khẩu là thị trường chủ lực, nội địa là thị trường bền vững. Trong giai đoạn này, Công ty không đặt chỉ tiêu lợi nhuận lên hàng đầu mà quan trọng là ổn định sản xuất, giữ vững thị trường, chăm lo tốt đời sống người lao động. Khẩn trương đưa nhà máy Thành Vinh II sớm đi vào hoạt động giai đoạn I đúng theo kế hoạch. Dự kiến cuối tháng 5 lắp đặt thiết bị và tháng 7 này đưa nhà máy đi vào sản xuất thử với sản phẩm sữa dừa đóng lon. Đây là sản phẩm gia tăng giá trị cao trong chuỗi giá trị cây dừa.

Bài, ảnh: Hữu Hiệp

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN