Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy - Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của QH tham gia góp ý vào dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).
Tham gia thảo luận tại tổ, Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre có các đại biểu: Trần Thị Thanh Lam - Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của QH; Nguyễn Thị Lệ Thủy - Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của QH, Nguyễn Thị Yến Nhi - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Bến Tre đóng góp ý kiến vào dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp QH (sửa đổi).
Góp ý vào dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), các ĐBQH trong đoàn cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền để thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước; đáp ứng yêu cầu hội nhập, thực hiện các điều ước, cam kết quốc tế, khắc phục những bất cập của luật hiện hành; bảo đảm an ninh, an toàn tài chính, tiền tệ quốc gia; góp phần đẩy mạnh và tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; khắc phục thiếu hụt về cơ chế phòng, chống rửa tiền.
Tuy nhiên, để bảo đảm hiệu lực thi hành của luật sau khi được ban hành, một số đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát toàn bộ các quy định, luật hóa tối đa các quy định của văn bản dưới luật đã được kiểm nghiệm và áp dụng ổn định trong thực tiễn thời gian qua; hoàn thiện đồng bộ dự thảo các văn bản chi tiết, hướng dẫn thi hành.
Các đại biểu góp ý tại khoản 1, Điều 3 dự thảo luật giải thích từ ngữ quy định “Rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có, bao gồm: Hành vi được quy định trong Bộ luật Hình sự; hành vi trợ giúp cho tổ chức, cá nhân có liên quan đến tội phạm nhằm trốn tránh trách nhiệm pháp lý bằng việc hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có; hành vi chiếm hữu tài sản nếu tại thời điểm nhận tài sản mà biết hay có cơ sở để biết tài sản đó do phạm tội mà có nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản”. Theo đại biểu, nếu định nghĩa như vậy có thể hiểu nếu hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có được quy định trong Bộ luật Hình sự thì mới bị xử lý hình sự còn nếu vi phạm hành vi thứ hai, thứ ba trong khoản 1 điều này thì không xử lý theo Bộ luật Hình sự mà xử lý theo những quy định pháp luật khác về rửa tiền.
Hiện tại, qua đối chiếu khoản 6, Điều 324 Bộ luật Hình sự, đại biểu cho rằng những hành vi về trợ giúp cho tổ chức, cá nhân có liên quan đến tội phạm nhằm trốn tránh trách nhiệm pháp lý bằng việc hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có và hành vi chiếm hữu tài sản nếu tại thời điểm nhận tài sản mà biết hay có cơ sở để biết tài sản đó do phạm tội mà có nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản được quy định trong dự thảo luật đã được quy định rõ trong nhóm hành vi rửa tiền của Điều 324 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Do đó, đại bểu đề nghị làm rõ thêm nội dung của khoản 1 điều này: Hai nhóm hành vi trợ giúp cho tổ chức, cá nhân có liên quan đến tội phạm nhằm trốn tránh trách nhiệm pháp lý bằng việc hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có; hành vi chiếm hữu tài sản nếu tại thời điểm nhận tài sản mà biết hay có cơ sở để biết tài sản đó do phạm tội mà có nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản nếu vi phạm có xử lý hình sự hay không và nếu muốn cụ thể hóa nội dung này ra, đề nghị làm rõ sự khác biệt giữa hai nhóm hành vi trên so với những quy định ở trong Bộ luật Hình sự.
Về các hành vi bị nghiêm cấm, tại khoản 2, Điều 8, dự thảo luật có quy định thiết lập, duy trì tài khoản vô danh hoặc tài khoản sử dụng tên giả thì trong thực tế khi mình đi mở một tài khoản cần rất nhiều thủ tục để xác định một chủ tài khoản như các giấy tờ để chứng minh. Đặc biệt là nhân thân, nhưng theo quy định của dự thảo luật là thiết lập, duy trì tài khoản vô danh hoặc là sử dụng tên giả thì không biết là trong thực tế có làm được điều đó hay không. Do đó, đề nghị ban soạn thảo cũng nghiên cứu và có giải thích thêm ở điều khoản này.
Khoản 5 và Điều 8, đại biểu đề nghị điều chỉnh lại việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong phòng, chống rửa tiền, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì đề nghị bổ sung thêm nội dung là nghiêm cấm hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong phòng, chống rửa tiền, xâm hại lợi ích nhà nước, an ninh quốc gia, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân cho đầy đủ.
Về đánh giá rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo (Điều 15) phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro về rửa tiền (Điều 16) dự thảo luật hiện nay đã quy định về quy trình quản lý rủi ro về rửa tiền tại đối tượng báo cáo, đại biểu đồng tình cao với nội dung này nên có chế tài trong trường hợp không có báo cáo để làm tăng tính hiệu quả của quy định quản lý rủi ro về rửa tiền.
Về các dấu hiệu đáng ngờ (Điều 27 đến Điều 33) theo nội dung quy định của dự thảo luật đại biểu cho rằng, có rất nhiều cụm từ mang tính định tính nhưng những dấu hiệu đáng ngờ này định lượng cũng rất khó, cơ quan quản lý nhà nước về phòng chống rửa tiền thì có thể thống kê, khảo sát được những hành vi của pháp nhân rửa tiền lặp đi lặp lại bao nhiêu, có thể đưa ra một khoảng nhất định để có tính khả thi hơn, hoặc có thể không đưa vào trong luật mà đưa vào nghị định để định lượng và khi cơ quan quản lý nhà nước thực hiện phòng, chống những hành vi này sẽ đảm bảo an toàn cao hơn, tránh rủi ro pháp lý cho người thực thi công vụ.
Đại biểu cũng đề nghị rà soát, bổ sung thêm về những hành vi có dấu hiệu đáng ngờ như doanh nghiệp thay đổi địa chỉ thường xuyên, như vậy cơ quan quản lý nhà nước sẽ theo dõi. Kế đến là việc thay đổi tên, đại biểu cho rằng trên thực tế hiện nay đăng ký thay đổi lại tên doanh nghiệp rất dễ, rất nhanh, cho nên việc thay đổi tên, thay đổi địa chỉ liên tục cũng là một trong những dấu hiệu cần phải theo dõi, giám sát. Đại biểu đề nghị nên có cơ chế giám sát nghiêm ngặt đối với những doanh nghiệp, những pháp nhân hay cá nhân đã có vi phạm pháp luật về phòng chống rửa tiền để đưa vào đối tượng giao dịch đáng ngờ khi quản lý giống như hải quan, khi thông quan hàng hóa sẽ có luồng xanh, luồng đỏ.
Khoản 9 Điều 28 về dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực ngân hàng (Điều 28) dự thảo luật quy định “Giao dịch gửi tiền, rút tiền hay chuyển tiền được thực hiện bởi tổ chức hoặc cá nhân liên quan đến tội phạm tạo ra tài sản bất hợp pháp đã được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng” nhưng hiện nay việc đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng rất nhiều và có thể không chính thống. Tuy nhiên, hành vi vi phạm như vậy đã bị kết án hay chưa? Vì những hành vi bị kết án bằng một bản án hoặc quyết định của Tòa án thì mới được xem là tội phạm. Do đó, đề nghị thay thế cụm từ “đã được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng” thành cụm từ “đã bị kết án” cho phù hợp và điều chỉnh lại nôi dung này như sau: Giao dịch gửi tiền, rút tiền hay chuyển tiền được thực hiện bởi tổ chức hoặc cá nhân liên quan đến tội phạm tạo ra tài sản bất hợp pháp đã bị kết án.
Góp ý vào dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp QH (sửa đổi), đại biểu đánh giá cao việc tiếp thu các ý kiến của ĐBQH chuyên trách, đóng góp cho dự thảo nội quy kỳ họp và cũng thống nhất cao với tờ trình của Ủy ban Thường vụ QH và để tiếp tục hoàn thiện nội quy của kỳ họp đại biểu cho rằng tại khoản 2, Điều 5 về khách mời danh dự trong nước và quốc tế, quy định này trước đây đã có trong nội quy kỳ họp. Tuy nhiên, lần này có bổ sung thêm đó là cho phép khách mời danh dự trong nước và quốc tế có thể phát biểu phiên họp toàn thể QH. Vấn đề này đại biểu đề nghị Tổng thư ký Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định cho phép khách mời danh dự trong nước được phát biểu và sẽ cho phép khách mời danh dự quốc tế được phát biểu tại phiên toàn thể của QH. Đây là một điểm mới nhưng cũng đề nghị QH nên xem xét lại.
Bởi vì trước đây để đưa một nội dung vào chương trình kỳ họp QH, có một quy trình rất cụ thể như: Về thời gian của từng bước thực hiện, nội dung để trước khi đưa ra QH quyết định. Như vậy, đã có quy trình, quy định đưa bài phát biểu của khách mời danh dự vào chương trình kỳ họp không? Nếu đã được quy định thì không nên lập lại tại dự thảo nội quy kỳ họp lần này nhưng nếu chưa có trong những văn bản quy phạm pháp luật mà đã quy định về nội dung để đưa vào chương trình kỳ họp. Đề nghị trong nội quy này cũng phải nêu rõ ra quy trình như thế nào để đưa vào chương trình kỳ họp của QH đối với những bài phát biểu của khách mời danh dự trong nước và quốc tế. Bởi khi bài đã được duyệt xong nhưng đến lúc phát biểu, có khi không phát biểu đúng nội dung, lúc đó ai sẽ kiểm soát việc này. Vấn đề này truyền hình trực tiếp thông tin báo chí, thậm chí ra nước ngoài việc này cũng nên xem xét chặt chẽ hơn. Đề nghị có một quy trình duyệt cụ thể và xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm. Bỏ cụm từ “danh dự” bởi vì nếu quy định là khách mời danh dự thì phải nêu rõ tiêu chí để xác định khách mời danh dự là như thế nào.
Tại điểm b, khoản 1, Điều 7 về tài liệu phục vụ kỳ họp QH: đại biểu cho rằng, tài liệu tham khảo khi cần thiết thì Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực Ủy ban của QH là cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ QH phối hợp với Tổng thư ký QH cung cấp tài liệu tham khảo phục vụ cho ĐBQH. Tất cả những tài liệu tham khảo ở đây thì gần như Tổng thư ký QH sẽ chịu trách nhiệm. Đại biểu đề nghị cần xác định rõ khi nào cần thiết, quy định rõ nguyên tắc phối hợp như thế nào.
Tại khoản 5, khoản 6, khoản 7, Điều 7 đại biểu đề nghị làm rõ thêm là thông tin xấu độc, xác nhận thông tin nào là thông tin xấu, độc, thông tin không đúng với loại tài liệu mà đã được Tổng thư ký duyệt, cung cấp cho ĐBQH và cần có quy định để nhận biết tài liệu nào đã được Tổng thư ký QH xét duyệt rồi, tài liệu nào chưa được duyệt. Đồng thời, trong cùng một thông tin của dự án của luật thì có 2 phiên bản dự thảo khác nhau căn cứ hai tờ trình khác nhau gửi cùng một hệ thống, có đại biểu căn cứ vào tờ trình trước và dự thảo trước phát biểu, thậm chí có đại biểu lấy tờ trình trước nhưng dự thảo sau như vậy ai chịu trách nhiệm và làm cách nào để đại biểu phân biệt được tài liệu nào là tài liệu chính thống.
Về thảo luận tại phiên họp toàn thể (Điều 18), hiện nay thời gian tham gia phát biểu của các đại biểu 7 phút là phù hợp nhưng đến phần phát biểu của cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra cũng chỉ được 7 phút như vậy là quá ngắn chỉ bằng thời gian một đại biểu phát biểu. Có nhiều ý kiến đại biểu đặt ra, cơ quan chủ trì soạn thảo, thẩm tra cũng sẽ có những trao đổi trực tiếp tại buổi thảo luận về những ý kiến, tất nhiên là không thể từng ý kiến nhưng những nhóm vấn đề lớn có thể là có sự phản hồi ngay lúc đó. Vì vậy, thời gian dành cho cơ quan chủ trì soạn thảo, thẩm tra đại biểu đề nghị tăng lên ít nhất gấp đôi so với thời gian một đại biểu phát biểu.
Tại điểm d, khoản 2, Điều 18 Nội quy kỳ họp QH quy định trình tự phiên họp toàn thể thảo luận về nội dung của kỳ họp QH được tiến hành “Căn cứ nội dung và tình hình thảo luận thực tế, Chủ tịch QH hoặc Phó chủ tịch QH được phân công điều hành phiên họp có thể mời đại biểu phát biểu không theo thứ tự đăng ký, mời ĐBQH đã đăng ký tranh luận kịp thời ý kiến của ĐBQH phát biểu trước đó; yêu cầu ĐBQH dừng tranh luận hoặc dừng phát biểu nếu ĐBQH phát biểu, tranh luận quá thời gian hoặc phát biểu, tranh luận không đúng nội dung”, theo quy định này của dự thảo nội quy kỳ họp đại biểu cho rằng khó xác định được nội dung tranh luận nào đúng và nội dung tranh luận nào không đúng khi trao đổi đa chiều và phân tích nhiều khía cạnh khác nhau. Do đó, đại biểu đề nghị điều chỉnh nội dung “phát biểu, tranh luận không đúng nội dung” thành không phù hợp hoặc chưa phù hợp với nội dung đang thảo luận như vậy sẽ thuận lợi hơn cho người chủ trì cũng như việc đóng góp của đại biểu.
Về nội dung chất vấn tại phiên họp toàn thể (Điều 19) dự thảon quy kỳ họp quy định về chất vấn tại phiên họp toàn thể, theo đại biểu quy định như hiện nay của dự thảo nội quy kỳ họp chưa đầy đủ. Bởi vì hoạt động chất vấn hiện nay trong kỳ họp diễn ra với hai hình thức: Chất vấn trực tiếp bằng cách đặt câu hỏi chất vấn trực tiếp đối với người được chất vấn trong lúc diễn ra kỳ họp và hình thức gửi phiếu chất vấn đến Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng nếu không còn thời gian. Nhưng qua theo dõi, thì hiệu quả chất vấn bằng hình thức gửi phiếu chất vấn không cao, một số nội dung dễ bị trùng lặp, việc trả lời của thủ trưởng các cơ quan còn chậm, nhiều câu trả lời còn chung chung không có báo cáo đánh giá kết quả thực hiện lời hứa tại các phiếu chất vấn như hình thức chất vấn trực tiếp.
Do đó, để nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn và khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay trong hoạt động chất vấn tại kỳ họp, đại biểu đề nghị bổ sung hình thức chất vấn bằng phiếu chất vấn trong nội quy kỳ họp và có quy định cụ thể, yêu cầu trách nhiệm của người được chất vấn, nội dung chất vấn theo hình thức ghi phiếu cũng được xem xét gửi thông tin đến đại biểu như báo cáo việc thực hiện Nghị quyết của QH về hoạt động chất vấn, các vấn đề được đăng tải trên Cổng điện tử của QH, cũng như báo cáo trước kỳ họp QH liền kề tiếp theo. Đề nghị xem xét bổ sung cụm từ “chất vấn lại” vào nội quy kỳ họp cho thống nhất theo quy định của khoản 3 Điều 32 Luật Tổ chức QH quy định về chất vấn lại “Trường hợp ĐBQH chưa đồng ý với nội dung trả lời chất vấn thì có quyền chất vấn lại tại phiên họp của QH, của Ủy ban Thường vụ QH hoặc gửi chất vấn bằng văn bản đến người bị chất vấn” vì trong trường hợp ĐBQH chưa đồng ý với nội dung trả lời chất vấn thì có quyền chất vấn lại tại phiên họp của QH, của Ủy ban Thường vụ QH hoặc gửi phiếu chất vấn bằng văn bản đến người được chất vấn.
Tập hợp, tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội tại các phiên họp (Điều 27), đại biểu đề nghị nên tách thành hai điều với những nội dung cụ thể như sau: Một là, quy định về công tác theo dõi, ghi nhận, tập hợp và trách nhiệm tổng hợp ý kiến ĐBQH, Tổng thư ký QH tại các phiên họp, quy định cụ thể cách thức, thời gian, như hiện nay trong dự thảo nội quy; Hai là, quy định về tiếp thu ý kiến, cung cấp thông tin, làm rõ ý kiến của ĐBQH khi thảo luận một vấn đề, một nội dung nào đó tại hội trường, để thấy được vai trò, trách nhiệm của các bên tham gia. Vì hiện nay các nội dung trình tại các kỳ họp theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì đang tồn tại hai chủ thể là cơ quan Chính phủ và đại diện của cơ quan thẩm tra của QH…
Tại Điều 28 quy định về trang phục như khai mạc, bế mạc, lễ tuyên thệ. Tuy nhiên, các phiên còn lại ở Điều 3 của nội quy về việc chấp hành các quy định của đại biểu cũng không có quy định trong việc chấp hành các quy định về trang phục của kỳ họp. Đại biểu đề nghị nên bổ sung nội dung này, bởi vì thực tế đây cũng thể hiện được sự trang nghiêm.
Về mặt kỹ thuật, ở khoản 1, Điều 2 của dự thảo Nghị quyết ban hành nội quy, đề nghị chuyển cụm từ các ĐBQH vào sau cụm từ đoàn ĐBQH cho phù hợp…
Góp ý vào dự thảo Nghị quyết của QH về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, đại biểu thống nhất về thời hiệu giữa xử lý kỷ luật Đảng và hành chính. Theo đó, thời hiệu 5 năm đối với hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức mà đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách là 5 năm, còn đến mức phải xử lý cảnh cáo là 10 năm. Tuy nhiên, đại biểu kiến nghị nên đưa nội dung này thành một nghị quyết riêng không nên đưa vào nghị quyết của kỳ họp.
Tin, ảnh: Hồng Yến