Bà Trần Thị Thanh Lam - Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tại cuộc họp.
Tại cuộc họp, các đại biểu thống nhất với kết quả đạt được và phản ánh một số khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện chính sách pháp luật về công tác quản lý, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài như: Việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước, sự phối hợp giữa các cơ quan trong thực hiện và tình hình quản lý nhà nước về việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Các đại biểu cũng kiến nghị Quốc hội sớm thông qua Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và đề xuất địa phương tạo điều kiện thành lập tổ tuyên truyền viên chuyên sâu ở mỗi huyện, thành phố để nâng cao chất lượng tư vấn tuyên truyền, kịp thời xử lý, hỗ trợ các xã, phường, thị trấn trong công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài...
Ngoài ra, các đại biểu còn thảo luận về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) như: tên gọi của luật, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng (Điều 1, Điều 2), chính sách của Nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Điều 4), cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Điều 10), thời hạn của giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Điều 11)...
Phát biểu tại cuộc họp, bà Trần Thị Thanh Lam - Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp thu và tổng hợp những ý kiến đóng góp của các đại biểu để hoàn thiện báo cáo khảo sát. Đồng thời, ghi nhận ý kiến đóng góp dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) trình Quốc hội trong kỳ họp tới.
Tin, ảnh: Hồng Yến